Theo tài liệu của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Nam Ðịnh, hiện nay trong tổng số 2.490 phương tiện, có tới 60% số phương tiện chưa đăng ký và 49% chưa được đăng kiểm về kỹ thuật vẫn lưu hành; hơn 38% số người điều khiển phương tiện chưa có bằng lái, 82,41% số người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Hầu hết các phương tiện gia dụng không có trang, thiết bị bảo đảm an toàn, hoặc có thì chỉ là hình thức, chống đối với lực lượng kiểm tra. Thực trạng trên là do các chủ phương tiện đã không ý thức được vấn đề an toàn giao thông, việc quản lý phối hợp của các ngành chức năng và địa phương có phương tiện chưa chặt chẽ, đồng bộ. Công tác tổ chức học tập, sát hạch cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho các chủ phương tiện chưa được triển khai theo Ðiều 24 của Luật Giao thông đường thủy.
Những năm gần đây, việc khai thác cát tại các tuyến sông có những bất cập trong việc cấp phép, quản lý khai thác cát giữa Sở Tài nguyên Môi trường, CSGT đường thủy và chính quyền các phường, xã. Tổng số có 110 phương tiện đang hoạt động thường xuyên, tuy nhiên trong số đó nhiều cơ sở đã hết hạn được phép khai thác cát nhưng vẫn hoạt động, chưa kể đến những vi phạm gây mất an toàn giao thông đường thủy.
Phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn phát triển nhanh theo hướng tự phát, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, mẫu mã phương tiện đa dạng. Công tác đăng ký, đăng kiểm còn thụ động. Việc theo dõi, quản lý cấp phép các cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy nội địa, chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra đôn đốc. Nhiều đơn vị vận tải tập thể, doanh nghiệp vẫn đăng ký phương tiện nhưng thực tế đơn vị đã giải thể, hoặc đăng ký lấy danh.
Hiện tại địa bàn tỉnh Nam Ðịnh có 77 bến với hơn 100 phương tiện chở khách ngang sông đều được cấp phép và bảo đảm những quy định trong Luật Giao thông đường thủy. Tuy nhiên, do ý thức của nhiều chủ phương tiện còn kém hoặc do hám lợi vẫn lén lút vi phạm, chở quá số người quy định, quá tải, không đủ phao cứu sinh và người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Ðiển hình là vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra năm 2006. Trần Văn Cân, sinh năm 1977, trú tại thôn Kênh Gà, Gia Thịnh, Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình điều khiển tàu chở 240 tấn đá đi từ hướng Hà Nam về theo sông Ðào. Ðến đò Kĩa, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực thì xảy ra va chạm với đò ngang của Phạm Văn Hoa (sinh năm 1950), trú tại thị trấn Nam Giang, làm chìm đò, 6 người bị chết. Tàu của Trần Văn Cân chưa đăng ký, không bảo đảm các yêu cầu về an toàn kỹ thuật, chở quá số người quy định. Bản thân Cân không có bằng lái theo quy định. Ðò của Phạm Văn Hoa chỉ được phép chở 12 người nhưng đã chở tổng cộng 19 người, 1 xe máy và 14 xe đạp. Bốn năm qua trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết 11 người.
Bên cạnh đó, sự phối hợp đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương tiện giữa ngành với ngành, giữa ngành với cấp chưa được thường xuyên, chặt chẽ, phân cấp đăng ký cho cấp huyện, nhưng cấp huyện chưa bố trí được cán bộ chuyên trách, nhất là vướng mắc trong các quy định về hồ sơ thiết kế, trước bạ, phí đăng kiểm và lệ phí đăng ký...
Lực lượng CSGT đường thủy còn thiếu các điều kiện, cơ sở vật chất, lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tổ chức tạm giữ phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, buộc các chủ phương tiện phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật.
Trong những năm qua, lực lượng CSGT đường thủy tỉnh Nam Ðịnh có nhiều cố gắng trong công tác phòng ngừa tai nạn, nhất là nâng cao trách nhiệm trong hoạt động tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm. Năm 2007, đã xử lý 2.844 trường hợp vi phạm, phạt 653 triệu đồng, so với năm 2006 tăng 24,4% về số vụ, 96,6% về số tiền phạt.
Theo Thượng tá Trần Văn Luân, Trưởng phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Nam Ðịnh, để giải quyết những bức xúc hiện nay trên toàn tuyến đường thủy Nam Ðịnh và bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải thủy trong mùa mưa bão, Phòng CSGT đường thủy và công an các huyện, thành phố đang triển khai quyết liệt, thực hiện kế hoạch của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về việc tổng kiểm tra xử lý các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn Nam Ðịnh.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật GTÐT, in phát tài liệu đến từng xã có bến đò, người điều khiển phương tiện, tăng cường tuần tra kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng... tổ chức kiểm tra đột xuất, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, chủ động phòng ngừa tai nạn. Nổi bật, thời gian vừa qua phòng tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh triển khai hai chuyên đề về phối hợp bảo đảm an toàn phương tiện chở khách ngang sông và quản lý phương tiện khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh.
Hiện nay, phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy sẽ tiếp tục gia tăng, trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Do vậy, cần thực hiện tốt các giải pháp như tăng cường quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm những phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy nội địa, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, tổ chức ký cam kết với các chủ phương tiện không vi phạm luật lệ an toàn giao thông đường thủy, các ngành chức năng thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương tiện mở các lớp đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho ngành chức năng và các địa phương vào cuộc cũng góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội trên toàn tuyến đường thủy tỉnh Nam Ðịnh.