6 tháng đầu năm, tai nạn giao thông trên địa bàn Thanh Hóa diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là đường bộ xảy ra 99 vụ (làm chết 104 người, bị thương 53 người), đường sắt xảy ra 8 vụ (làm chết 10 người). Một trong những nguyên nhân khiến tai nạn tăng cao là do hành vi lấn chiếm hành lang ATGT khiến người điều khiển phương tiện bị khuất tầm quan sát, không xử lý kịp các tình huống giao thông cắt ngang qua đường bộ, đường sắt.
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra phổ biến và phức tạp, nhiều địa phương, đơn vị tự ý mở đường ngang đấu nối trái phép vào đường quốc lộ, đường tỉnh; tự ý mở đường ngang qua đường sắt, xây dựng nhà, công trình trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, che khuất tầm nhìn, không đảm bảo ATGT. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đắp lấn từ trong nhà ra đường thành đường đi, làm nơi để xe cộ, kinh doanh; lấn chiếm lòng lề đường thành nơi họp chợ; để các vật liệu, vật tư ra hành lang; nhiều vị trí hành lang an toàn đường sắt còn là nơi tập trung đông người, làm lán, nhà tạm để làm ăn sinh sống. Theo thống kê của Công ty Quản lý Đường sắt Thanh Hóa, với tổng chiều dài tuyến là 101,2 km (từ km 137 + 300 đến km 238 + 500), đi qua 47 xã thuộc 8 huyện, thị xã, mặc dù công tác bảo vệ hành lang an toàn đường sắt đã được các cấp, các ngành ở địa phương phối hợp cùng các đơn vị đường sắt, quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tháo dỡ và giải tỏa các vi phạm chỉ giới bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt tại Thanh Hóa vẫn tiếp diễn. Hiện có hơn 7 nghìn m2 nhà cấp 1, 2; hơn 12 nghìn m2 nhà cấp 4; 976 m2 công trình phụ; gần 5 nghìn m2 tường rào; 496 m2 lều quán; ngoài ra còn đường điện lực; đường điện thoại; đường ống nước; biển quảng cáo... vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Tính đến thời điểm hiện nay vẫn còn 135 đường ngang dân sinh qua đường sắt, đây là nguyên nhân dẫn đến TNGT đường sắt, ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo Ban ATGT Thanh Hóa, công tác quản lý bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt gặp khá nhiều khó khăn. Như khi thi công xây dựng mới cũng như nâng cấp các tuyến đường chủ yếu chỉ giải phóng đến hết phần thi công, dẫn đến không có đất hành lang. Đến nay các trường hợp công trình nằm trong hành lang an toàn, mốc lộ giới chủ yếu là đất ở lâu đời từ nhiều thế hệ đến nay, các công trình tồn tại từ trước nên không thể coi là vi phạm. Dọc theo các tuyến đường nhu cầu xây dựng, phát triển dân sinh kinh tế của người dân nhiều dẫn đến còn nhiều vi phạm khi xây dựng công trình, lấn chiếm để làm các công việc khác, tự ý mở đường ngang đấu nối vào các tuyến đường. Hiện nay, nhiều nhà dân thuộc đất thổ cư nằm trong hành lang ATGT đường bộ (chưa thuộc diện giải tỏa để xây dựng công trình) khi có xây dựng tuyến đường qua, số hộ này chưa được đền bù, nhưng có nhiều gia đình có nhu cầu chia tách hộ, cho nên tình trạng xây dựng cơi nới ở trong hành lang ATGT đường bộ là khá nhiều và khó ngăn cản. Bên cạnh đó, nhiều đoạn đường sắt đi song song và gần với đường bộ, các công trình khác không cách ly nên mất ATGT.
Ban ATGT cho biết, cần phải bố trí nguồn kinh phí cho công tác tổ chức triển khai kiểm, đếm, xác định, lập hồ sơ. Có một số tuyến là đường tỉnh xong có tính chất quan trọng ở các vùng trọng điểm nên cần thiết cũng kiểm kê, giải tỏa theo lộ trình các tuyến quốc lộ. Có các tuyến đường có định hướng phát triển cho giai đoạn II như đường Hồ Chí Minh cần phải xác định cả phần nên cần mở rộng...
Đến nay việc tổ chức thực hiện lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đang được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ban ATGT tỉnh cũng đưa ra nhiều biện pháp như tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương trong việc giữ gìn hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Sẽ cương quyết hơn nữa trong việc các đơn vị thi công các công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, nếu cố tình vi phạm có thể phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Còn đối với những trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT, các đơn vị quản lý trên địa bàn phải phối hợp tốt trong công tác lập hồ sơ, giải tỏa cùng với các địa phương và với các địa phương cần có các biện pháp mạnh, cương quyết để tránh việc cố tình vi phạm.
Thu Phương - Vũ Hoàng