Tính đến tháng 12/2007, toàn tỉnh Hoà Bình còn khoảng hơn 1.200 xe "công nông", xe tự chế các loại. Nhưng nhờ sớm triển khai các giải pháp tuyên truyền và kiên trì vận động, đến nay đa số người dân đã tự loại bỏ phương tiện này.
Ngay sau khi Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn tại Hoà Bình đã đến từng hộ gia đình sử dụng xe "công nông" để phổ biến chủ trương này. Sau đó, tất cả các chủ phương tiện đều phải ký cam kết không sử dụng xe "công nông" kể từ ngày 1/1/2008. Cam kết còn nêu rõ, đến thời hạn cấm xe "công nông" mà các gia đình còn cố tình lưu thông sẽ bị tịch thu bán phế liệu.
Năm 2007, Ban ATGT tỉnh Hoà Bình triển khai một đợt tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, Quyết định số 1491/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc hỗ trợ thay thế xe "công nông", xe tải quá niên hạn sử dụng để các chủ phương tiện có kế hoạch chuyển đổi.
Mới đây, Ban ATGT tỉnh Hoà Bình còn cho in và treo hàng chục băng zôn trên một số tuyến đường chính để tuyên truyền về chủ trương cấm xe "công nông".
Anh Bùi Văn Thắng, người có thâm niên lái xe "công nông" hơn 10 năm ở xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn cho biết: "Cấm xe "công nông", xe tự chế là cần thiết để bảo đảm trật tự ATGT, bảo vệ môi trường, người dân rất đồng tình ủng hộ. Từ cuối năm 2007, tôi đã bán xe "công nông'' mua xe ôtô tải để vận chuyển cho an toàn hơn".
Huyện Lạc Sơn là một trong những địa phương có nhiều xe "công nông" lưu hành nhất, nhưng đến nay hầu hết số "công nông" trên địa bàn đã được người dân tự giác thanh lý.
Cuối tháng 12/2007, toàn huyện có 179 phương tiện trong diện cấm lưu hành, bao gồm: 81 xe "công nông" đầu ngang, 90 xe "công nông" đầu dọc, 7 ôtô tải hết niên hạn và 1 xe lam.
Ông Bùi Văn Chiên, Phó trưởng phòng Hạ tầng kinh tế huyện Lạc Sơn cho biết: "Đến nay trên 95% số phương tiện trong diện cấm đã được người dân tự giác "xoá sổ". Chỉ còn lại vài chiếc ở vùng sâu, vùng xa vẫn hoạt động do người dân chưa có điều kiện chuyển đổi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiên trì vận động và kiên quyết tịch thu nếu các chủ phương tiện này cố tình cho lưu thông".
Khảo sát tại một số huyện như: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn và Kim Bôi cho thấy, hầu hết trên các tuyến đường từ quốc lộ đến đường huyện đều không có xe "công nông" lưu hành. Chỉ một số xã vùng sâu, vùng xa thỉnh thoảng vẫn còn có xe "công nông" hoạt động, chuyên chở vật liệu xây dựng và nông, lâm sản trong đường làng, ngõ xóm.
Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hoà Bình khẳng định: "Hiện trên 90% xe "công nông" ở Hoà Bình đã chấm dứt lưu hành. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã ra quyết định tịch thu hơn 40 xe "công nông" các loại".
"Nếu tự tháo dỡ xe đem bán sắt vụn người dân vẫn thu được một khoản tiền nhất định để bù vào việc chuyển đổi sang sử dụng ôtô hoặc chuyển nghề. Còn nếu bị tịch thu, người dân sẽ mất trắng hoàn toàn. Với lý lẽ này, đa số chủ phương tiện đều hiểu rõ nên đã tự giác chấp hành" - Thượng tá Phúc cho biết.
Thực tế ở Hoà Bình cho thấy, chỉ có khoảng hơn 30% số người sau khi loại bỏ xe "công nông" mới có điều kiện thay thế bằng ôtô. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đối với các cơ quan chức năng của địa phương là phải nhanh chóng tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi phương tiện. Có như vậy thì việc loại bỏ xe "công nông" mới thực sự hiệu quả và bền vững.
Banduong.vn