Những bức xúc về an toàn giao thông ở Khánh Hòa

Thứ hai, 14/04/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tình trạng quản lý an toàn giao thông ở Khánh Hòa thời gian qua có hai vấn đề nổi cộm là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng giao thông và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Tình trạng quản lý an toàn giao thông ở Khánh Hòa thời gian qua có hai vấn đề nổi cộm là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng giao thông và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Thời gian gần đây, trên địa bàn Khánh Hòa xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, điển hình là các vụ ở Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Ranh, mỗi vụ làm chết và bị thương hơn chục người. Chỉ trong năm 2007, trên địa bàn Khánh Hòa xảy ra 245 vụ tai nạn giao thông, làm chết 289 người, bị thương 111 người, so với năm trước cả ba tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương đều tăng với mức 23,1%, 24,5% và 3,7%. Ba tháng đầu năm 2008, so với cùng kỳ năm trước, số vụ, số người chết, người bị thương tiếp tục tăng. Có thể nói, tình trạng an toàn giao thông ở Khánh Hòa đang gây bức xúc đối với người dân và các cơ quan quản lý, mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trước hết, về hạ tầng giao thông, tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn Khánh Hòa hiện đang xuống cấp và trở nên quá tải nghiêm trọng. Lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến này đã vượt xa lưu lượng thiết kế đường là 20.000 xe chuẩn/ngày đêm. Toàn bộ quốc lộ 1A qua Khánh Hòa là đường hai chiều, cho tất cả các phương tiện giao thông; đường nhánh, đường phụ đều giao cắt trực tiếp với quốc lộ 1A. Thời gian qua, hầu hết các tai nạn giao thông đều xảy ra trên tuyến đường này. Quốc lộ 26 đi Ðác Lắc hiện cũng đang hư hỏng nặng, việc đi lại rất khó khăn. Phương tiện lưu thông trên tuyến đường này cũng tăng nhanh, khiến con đường đã xuống cấp lại càng xuống cấp nhanh chóng.

Ở nội thành Nha Trang, phương tiện hằng năm tăng ở mức cao hơn 25%. Tuy không có "điểm đen" nhưng nhiều đoạn đường đi lại rất khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm như ở nút giao thông Mả Vòng, rạp Tân Quang cũ, ngã tư Yersin - Lê Thành Phương... Do vậy, việc nghiên cứu để tổ chức giao thông cho phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay đang là vấn đề đặt ra khá gay gắt đối với chính quyền thành phố.

Riêng về đường sắt, với độ dài 149 km đi qua Khánh Hòa có tới 130 đường ngang dân sinh tự mở. Ngành đường sắt áp dụng biện pháp rào lại ở 82 vị trí nhưng duy trì không lâu do người dân tự tháo dỡ gần hết các hàng rào. Trước thực trạng cơ sở hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu an toàn cho tất cả các loại phương tiện qua lại nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cả đường bộ lẫn đường sắt tại Khánh Hòa là rất lớn.

Theo phân tích của các cơ quan quản lý, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông đường bộ gia tăng là do người điều khiển phương tiện không chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông. Theo thống kê trên quốc lộ 1A có đến 57% trường hợp tai nạn giao thông xảy ra do lái xe vi phạm quy định về tốc độ, tránh sai, vượt ẩu. Biểu hiện rõ nhất là các hành vi, coi thường luật lệ giao thông của lái xe, chỉ trong vòng mấy tháng có đến gần một nửa số trụ phân làn bằng cao-su phản quang trên quốc lộ 1A bị xe cán gãy nát do lái xe chạy lấn đường.

Theo Thượng tá Phan Long Ðể, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa, cần điều chỉnh phương thức, mức xử phạt các vi phạm để tăng tính răn đe vì hiện nay, mức tiền phạt còn thấp, người vi phạm xem nhẹ việc phạt cho nên khi phạt xong lại vi phạm tiếp, còn việc tạm giữ phương tiện thì ngành gặp rất nhiều khó khăn, nhất là diện tích, điều kiện kho bãi. Ðể từng bước siết chặt kỷ cương, trật tự giao thông, cần sớm có quy định điều chỉnh, tăng mức phạt tiền, theo hướng phạt thật nặng để có tính răn đe.

Cũng theo Thượng tá Phan Long Ðể, lực lượng cảnh sát giao thông hiện đang rất thiếu nên công tác tuần tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn, ngành đang kiến nghị tăng cường thêm phương tiện hỗ trợ hoạt động kiểm tra, giám sát như ca-mê-ra ghi hình, máy đo tốc độ ban đêm... nhưng chưa được đáp ứng.

Ðể triển khai tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2008, ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát lại những nguyên nhân chủ quan trong quá trình quản lý để tìm biện pháp khắc phục kịp thời, không đổ lỗi cho khách quan.

Ðiều này thể hiện quyết tâm cao của tỉnh, nhưng kết quả lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc nâng cao nhận thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông cho người dân và chủ phương tiện.

PHONG NGUYÊN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)