Nói đến Ninh Bình, người ta liền nhớ ngay đến cố đô Hoa Lư lịch sử, Vườn quốc gia Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm cùng hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tự nhiên khác nổi tiếng khắp cả trong và ngoài nước. Mỗi năm Ninh Bình đón nhận hàng trăm ngàn lượt khách du lịch, trong đó chiếm tới trên 50% là du khách quốc tế.
Nói đến Ninh Bình, người ta liền nhớ ngay đến cố đô Hoa Lư lịch sử, Vườn quốc gia Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm cùng hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tự nhiên khác nổi tiếng khắp cả trong và ngoài nước. Mỗi năm Ninh Bình đón nhận hàng trăm ngàn lượt khách du lịch, trong đó chiếm tới trên 50% là du khách quốc tế.
Điều đặc biệt là, phần lớn những khu du lịch này, du khách đều phải dùng loại thuyền hoặc đò chèo tay để đi lại. Đây cũng chính là nét độc đáo tạo nên bản sắc riêng của ngành du lịch Ninh Bình. Bởi vậy, Ninh Bình còn được ví như là "Vịnh Hạ Long không sóng". Chính vì vậy mà công tác đảm bảo ATGT ĐTNĐ ở Ninh Bình nói chung và tại những khu du lịch sinh thái trong thời gian qua luôn được các cấp các ngành chức năng, đặc biệt là Sở GTVT và Sở Du lịch Ninh Bình đặt lên hàng đầu...
Điển hình nhất là tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Nhờ có tuyến sông Ngô Đồng hình thành một cách tự nhiên và là con đường thủy duy nhất để du khách đi tham quan toàn bộ khu Tam Cốc - Bích Động. Tổng chiều dài của toàn tuyến đường thủy khoảng 5,8km (hiện nay đã khai thác được hơn 4km).
Cũng như các khu du lịch khác trong tỉnh, phương tiện chở khách tại tuyến này đều có vỏ bằng tôn, hình thức, mẫu mã được đóng theo kiểu dáng truyền thống và kích thước nhỏ, sức chở lớn nhất (trừ người chèo lái) cũng chỉ có từ 2 người (nếu là khách nước ngoài) đến 4 người (nếu là khách trong nước).
Trước đây, thuyền du lịch đi lại hết sức khó khăn và thường bị mắc cạn do suối ở đây bị phù sa bồi lắng. Nhưng những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư nạo vét, cải tạo luồng tuyến, mở mang du lịch để phục vụ du khách, từ đó không chỉ làm cho số lượng du khách tăng lên năm sau cao hơn năm trước mà việc đi lại cũng rất thuận lợi và an toàn.
Theo Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc - Bích Động cho biết, để phục vụ du khách được an toàn thuận lợi theo đúng với phương châm: "Vui lòng khách đến - vừa lòng khách đi - ấn tượng lưu mãi", từ năm 2006, Ban quản lý khu du lịch đã tiến hành một cuộc "cách mạng" tổng thể các lĩnh vực hoạt động dịch vụ từ việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bán hàng lưu niệm đến những người bán hàng rong và đội ngũ thợ chụp ảnh... Nhưng thành công nhất, đó là việc lập lại trật tự kỷ cương trong việc vận chuyển khách du lịch bằng thuyền.
Với quan điểm: “Người dân là chủ thể của khu du lịch”, Ban quản lý khu du lịch đã phối hợp với chính quyền địa phương đã áp dụng biện pháp quản lý “ba bên cùng có lợi”: Nhà nước - doanh nghiệp và người lao động để đưa, đón khách đi tham quan.
Trước tiên, Ban quản lý đã tiến hành chấn chỉnh lại toàn bộ đội thuyền chèo tay và người lái. Toàn bộ thuyền du lịch được đóng thống nhất một kiểu dáng, kích cỡ và sức chở; gắn biển số kiểm soát cố định lên mạn thuyền; mở hội nghị chuyên đề về vận tải khách du lịch để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác đảm bảo trật tự an toàn cho các du khách.
Tất cả những người tham gia vận chuyển khách đều phải ký vào bản cam kết thực hiện đúng nội qui của khu du lịch. Được sự hỗ trợ tích cực của Sở GTVT Ninh Bình và chính quyền xã Ninh Hải, hiện nay, đội thuyền trên 500 chiếc của nhân dân đã được đưa vào danh sách quản lý, điều hành trực tiếp của Ban quản lý- việc mà trước đây tưởng không thể làm được.
Để đề phòng bất trắc xảy ra, trên dọc tuyến du lịch, Ban quản lý đã trang bị đầy đủ các phao tròn cứu sinh đặt tại các vị trí cố định với một khoảng cách hợp lý để khi xảy ra tai nạn, có thể phát huy ngay tác dụng.
Chỉ tính riêng việc thống nhất được hoạt động của đội thuyền đã mang lại thành công to lớn trên mọi phương diện cho khu du lịch này, như: Đảm bảo được sắc thái riêng của Tam Cốc - Bích Động; tạo cảm giác thỏai mái cho khách du lịch; giữ gìn cảnh quan môi trường; người dân có công ăn việc làm và thu nhập ổn định; an ninh trật tự được thiết lập và giữ vững, chấm dứt toàn bộ cảnh tranh giành, chèn ép khách trước đây. Nhưng có lẽ thành công lớn hơn cả là việc người dân đã tự giác chấp hành các qui định của Luật Giao thông ĐTNĐ, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.
Ninh Bình có khá nhiều sông, kênh, toàn tỉnh hiện có tất cả 22 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 387,3 km có khả năng khai thác vận tải. Đó là chưa kể đến hàng chục km đường thủy tại những khu du lịch. Theo số liệu qua đợt tổng điều tra phương tiện thủy của Sở GTVT tỉnh Ninh Bình, hiện toàn tỉnh có 1.947 phương tiện thủy các loại, thì có tới 903 chiếc chuyên chở khách du lịch tại các điểm du lịch của Ninh Bình. Trong đó, tuyến du lịch có nhiều thuyền nhất là Tam Cốc - Bích Động 548 chiếc; Tuyến Vân Long 289 chiếc; tuyến Kênh Gà - Đồng Chưa - Vân Trình 105 chiếc và tuyến hồ Đồng Thái 12 chiếc.
Tuy nhiên, do trình độ văn hoá và nhận thức, nhất là ở vùng nông thôn, vùng xa trung tâm còn hạn chế, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên người làm nghề vận tải thủy chưa được đào tạo còn tồn tại khá nhiều, nhất là tại các bến khách du lịch. Để phòng ngừa, ngăn chặn các tai nạn có thể xảy ra.
Trước tình hình đó, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ, đồng thời đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các vi phạm nên thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự ATGT ĐTNĐ trên địa bàn đã đạt được những kết quả nhất định: Giao thông đi vào nền nếp tai nạn được kiềm chế; người tham gia giao thông đã có ý thức chấp hành các qui định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, nhất là ở các khu du lịch.
Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với loại thuyền, đò chở khách du lịch, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng còn phải đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo người điều khiển; đăng ký phương tiện; Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các hội đoàn thể, các tổ chức chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường thủy nội địa đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu phát triển phải an toàn và an toàn để phát triển.
Đỗ Nguyên