Ngày ngày đọc đâu đó trên báo thấy nơi này nơi kia tai nạn giao thông đâu đó xảy ra làm chết rất nhiều người, có khi chỉ có một đoạn đường ngắn mà ngày này qua ngày khác tai nạn liên tiếp xảy ra mà không có cách nào cứu vãn thật khiến người đọc không khỏi đau lòng. Mỗi ngày đi làm, thấy cứ một đoạn ngắn lại có dấu tai nạn vẽ trắng cả mặt đường, có khi lại thấy tai nạn diễn ra ngay trước mắt mình khiến mỗi lần ra đường là tôi cảm thấy sợ hãi.
Thật đáng buồn, đọc đâu đó trên mạng cũng có ai đó đưa ra giải pháp này giải pháp kia nhưng nhìn chung không thấy được gốc rễ của vấn đề, đa số đều đồng tình việc kiểm tra, phạt nặng người vi phạm. Tôi là người coi trọng giáo dục hơn trừng phạt nên không tán đồng với ý kiến này, vi phạm luật tức là việc đã xảy ra rồi nên ý nghĩa của việc phạt chỉ có tác dụng trừng trị đối với người vi phạm luật, tác dụng giáo dục gián tiếp cho người khác rất thấp.
Nhất là việc phạt bằng tiền, hoàn toàn không có ý nghĩa gì với tầng lớp có tiền, người dân nghèo thì khi tham gia giao thông thì cũng không hề nghĩ đến lượt mình bị phạt, nói cách khác là "xui" lắm gặp CSGT thì mới bị do đó việc phạt không tác động nhiều đến ý thức giao thông của người dân nên việc phạt chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.Nói như thế không có nghĩa là tôi cho rằng việc giáo dục ý thức giao thông là biện pháp tốt nhất, theo tôi đó vẫn chưa phải là mấu chốt của vấn đề. Tôi nghĩ để đưa ra biện pháp tốt nhất để giảm tai nạn giao thông thì ngoài ngành giao thông nên mời các ban ngành khác, các nhà khoa học, các nhà xã hội học, các nhà tâm lý học,... cùng ngồi lại thảo luận với nhau đưa ra những biện pháp hiệu quả và khả thi thì mới hy vọng có biện pháp tốt.
Riêng tôi cho rằng ý thức của người tham gia giao thông chưa phải là yếu tố quyết định nên việc giáo dục ý thức tham gia giao thông cho người dân chỉ có tác động nhất thời. Thực tế cho thấy nhiều người ý thức tham gia giao thông rất tốt nhưng chỉ cần vài giây chủ quan mất tập trung là có thể gây tai nạn. Theo tôi tâm lý của người tham gia giao thông mới là cốt lõi của vấn đề, sự tập trung và cảnh giác khi tham gia giao thông là cần thiết nhất. Người tham gia giao thông cần có sự "nhắc nhở" thường xuyên trong tiềm thức là "phải chấp hành tốt luật lệ giao thông" thì ý thức giao thông mới tốt, nếu trên một đoạn đường ai cũng nghĩ như vậy thì khó có thể có tai nạn xảy ra.
Để làm được điều đó thì biện pháp tốt nhất là phải có bóng "chiến sĩ áo vàng" trên đường phố, không cần anh đứng đó để phạt người vi phạm, chỉ cần anh đứng ở vị trí mà những người tham gia giao thông có thể nhìn thấy thì tự dưng "ý thức" của người tham gia giao thông sẽ "tự động được nhắc nhỡ", sự tập trung và cảnh giác tự nhiên sẽ được nâng cao. Nếu mỗi đoạn đường đều có chiến sĩ giao thông túc trực thì tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giảm đáng kể. Thực tế cho thấy trên những đoạn đường có chiến sĩ giao thông thì xe cộ chạy sẽ "rùa" hơn mức bình thường và ý thức chấp hành của người dân tốt hơn.
Mọi người sẽ cho rằng biện pháp này không khả thi vì lấy đâu ra đủ nhân lực và tiền bạc để thực hiện trên hàng ngàn km đường trong cả nước? Theo tôi điều này vẫn có thể, nếu như các nhà lãnh đạo ý thức đây là vấn đề nhức nhối của xã hội và biết cân nhắc những thiệt hại của Tai nạn giao thông so với Chi phí dùng để hạn chế tai nạn thì trong tương lai vẫn có thể bổ sung thêm nhân lực cho ngành giao thông. Theo tôi không nhất thiết mỗi km đường đều phải có CSGT mà chỉ cần bố trí ở những đoạn đường thường xảy ra tai nạn, không bố trí một vị trí cố định mà nên nay chỗ này mai chỗ kia cũng trên đoạn đường đó, hoặc cũng có thể bố trí thêm hình nộm CSGT xen lẫn người thật như ở nước ngoài vẫn áp dụng.
Việc bố trí khéo léo sẽ khiến người tham gia giao thông nghĩ rằng trên đoạn đường này luôn có CSGT. Vấn đề Kinh phí tôi nghĩ tại sao Thiên tai bão lụt thì có Quỹ phòng chống còn Tai nạn giao thông thiệt hại cũng không kém mà không có Quỹ dành cho nó? Tôi nghĩ có thể thu quỹ này bằng cách tính thẳng vào giá xăng như Phí giao thông. Nếu có quỹ này thì có thể dùng nó hỗ trợ cho các CSGT làm nhiệm vụ vất vả và trang bị thêm các máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ cho công tác chẳng hạn như các hệ thống Camera tự động quan sát trên đường. Nếu như trang bị nhiều thiết bị như vậy cho ngành giao thông thì người tham gia giao thông sẽ nghĩ luôn rằng mình đang trong tầm ngắm của một Camera được đặt đâu đó thì việc chấp hành luật giao thông sẽ tốt hơn.
Về nhân lực cho nghề CSGT thì tôi nghĩ nên tuyển chọn "tinh anh" của ngành cảnh sát, những người có tinh thần phục vụ nhân dân mới được vào nghề và họ phải được chế độ đãi ngộ cao hơn để họ hiểu công việc họ làm là vinh quang và hết lòng với công việc. Đọc bài "Áo vàng trên phố" đăng trên báo Tuổi Trẻ tôi thật sự xúc động và cảm thông với những người chiến sĩ ấy, họ không ngại nắng mưa cực khổ từng ngày từng giờ bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông trên đường. Thiết nghĩ đã chấp nhận phục vụ nhân dân thì có nhiệm vụ nào mà không gian khổ nhưng làm việc tận tụy hết lòng như các anh thì quả là những hình ảnh đẹp giữa đời thường rất đáng trân trọng.
Ước gì ở địa phương tôi cũng có những con người như vậy? Nếu đến VL quê tôi thì suốt các km đường trong tỉnh bạn không bao giờ tìm thấy chốt giao thông có CSGT "đứng đường" cố định như vậy, có lẽ các anh ngại mưa ngại nắng!? Hình ảnh bạn gặp sẽ là một nhóm CSGT ngồi suốt buổi trong một quán cafe nào đó ở một đoạn đường hẻo lánh vùng ngoại ô và xa xa trong một lùm cây nào đó một vài CSGT cầm súng bắn tốc độ thay phiên "trực" và báo cáo cho nhóm trong quán cafe "đón đầu", công việc còn lại chỉ có phạt và phạt. Trên đoạn quốc lộ đi qua thị xã chỉ khoảng 5km thôi nhưng đó là đoạn đường "tử thần" ngày nào cũng có va quẹt xảy ra, vết sơn đánh dấu tai nạn vẽ trắng mọi nơi.
Mặc dù trên đoạn đường đó có trụ sở CSGT nhưng các anh thường ở trong phòng hiếm khi thấy mặt. Bên ngoài thì xe cộ chạy tốc độ rất cao, đôi lúc chứng kiến xe tải đua nhau mà người dân phải rùng mình hoảng vía. Phải chi có CSGT thay phiên canh gác trên đoạn đường đó thì tốt biết bao, không cần nhiều chỉ cần 1 chiến sĩ áo vàng đứng gác đâu đó trên đoạn đường này để nhắc nhở những người phóng nhanh vượt ẩu thôi thì hàng ngày người dân đâu phải chứng kiến những tai nạn thương tâm đến như vậy, có chăng nếu thấy bóng áo vàng trên đoạn đường này là lúc các anh đang lập biên bản vẽ hiện trường khi có tai nạn xảy ra thì mọi sự đã rồi và sau đó vẫn là bóng chim tăm cá, máu và nước mắt người dân quê tôi không biết đến bao giờ mới ngừng chảy?