Hầm đường bộ qua đèo Ngang do Công ty Sông Đà 10, thuộc Tổng Công ty Sông Đà khởi công xây dựng ngày 10/5/2003, khánh thành đưa vào sử dụng từ ngày 21/8/2004, đã góp phần nâng cao hiệu quả vận tải, khắc phục tình trạng tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ qua đèo Ngang vốn rất hiểm trở
Người gửi: Nguyễn Tiến Nên.
Email: tiennencd@viettel.vn
Hầm đường bộ qua đèo Ngang do Công ty Sông Đà 10, thuộc Tổng Công ty Sông Đà khởi công xây dựng ngày 10/5/2003, khánh thành đưa vào sử dụng từ ngày 21/8/2004, đã góp phần nâng cao hiệu quả vận tải, khắc phục tình trạng tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ qua đèo Ngang vốn rất hiểm trở. Tuy nhiên, thời gian qua còn có nhiều phương tiện, vì không muốn nộp phí qua hầm nên tài xế vẫn đi theo đường đèo cũ, do vậy đã xuất hiện một điểm đen về tai nạn giao thông tại ngả ba đường hầm phía Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình.
Đa số phương tiện phải lấy đà để lên dốc, gần tới ngả ba một số tài xế quyết định đi đường đèo và lấy luôn tay lái về trái. Trong khi các phương tiện từ đường hầm đi vào, tuy rất đúng phần đường nhưng thường bị động, có những trường hợp không kịp xử lý, đã có ít nhất 3 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại ngả ba này. Nhà nước bỏ ra trên 150 tỷ đồng để xây dựng đường hầm là nhằm phục vụ các đối tượng vận tải, qua đèo bằng đường hầm là giúp chủ đầu tư nhanh thu hồi vốn, hạn chế chấn động trên đỉnh hầm, bảo quản hầm bền vững lâu dài. Vừa giảm thời gian lưu thông, chi phí nhiên liệu, hao mòn thiết bị vừa phòng ngừa tai nạn, giảm sức căng thần kinh cho người điều khiển khi phải “oằn mình” với 5km đường đèo, thay vì đi qua hầm chỉ 495m.
Thiết nghĩ, trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước, tuyến quốc lộ qua đèo Ngang xứng đáng tồn tại như một di tích lịch sử văn hoá, một tuyến đường du lịch hấp dẫn. Nhưng nếu tiếp tục chấp nhận sự tự do của các lái xe, thì chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công nên cho chuyển vị trí ngả ba trên về phía Nam thêm 300m và mở rộng mặt đường về phía Tây, giúp các lái xe có thời gian quyết định, phát tín hiệu và chuyển hướng mà chưa phải tăng ga lấy đà, có thời gian để phía đi ngược lại hiểu nhau, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”, ngăn ngừa tai nạn giao thông, giữ bình yên cho những tuyến đường.