Tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Trong năm 2019, mặc dù TNGT được kéo giảm so với cùng kỳ, nhưng số vụ và số người chết còn khá cao. Trong đó, nguyên nhân của những vụ tai nạn này đa số có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (TGGT) sau khi đã uống rượu, bia.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Lạm dụng rượu, bia không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác, nhất là nguy cơ gây tai nạn khi TGGT. Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1lít khí thở, người uống đã bắt đầu giảm sút suy nghĩ, bị kích động. Nếu nồng độ cồn trong cơ thể cao hơn nữa, người uống có thể bị ức chế, không nhận thức được sự việc diễn ra xung quanh.
Do vậy, sau khi đã uống rượu, bia, người điều khiển phương tiện TGGT thường không kiểm soát được hành vi của mình, tiềm ẩn nguy cơ gây ra TNGT thông qua các hành vi như: chạy sai phần đường, làn đường; chạy quá tốc độ; không làm chủ tay lái; thiếu chú ý quan sát… Bên cạnh đó, việc điều trị cho người đã uống rượu, bia gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân thường bị kích thích, không tỉnh táo, gây trở ngại trong việc xác định chính xác những chấn thương trên cơ thể để điều trị. Ngoài ra, nồng độ cồn trong máu còn làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Nghị định số 46 của Chính phủ quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1 lít khí thở, thì sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng; vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở, thì bị phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở, thì sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng; vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng. Đồng thời, tạm giữ các phương tiện vi phạm trên đến 7 ngày.
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định mức xử phạt khá cao đối với người điều khiển phương tiện TGGT có nồng độ cồn vượt mức cho phép, tuy nhiên nhiều người vẫn không chấp hành quy định của pháp luật, bất chấp nguy hiểm lái xe sau khi uống rượu, bia. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho những người cùng TGGT và chính bản thân họ.
Điển hình như vụ TNGT xảy ra vào đầu tháng 10-2019, tại đường Khu phố 3, thị trấn Châu Thành, Bến Tre. Sau khi nhậu xong, anh Bùi Long Tâm, ngụ xã An Khánh, huyện Châu Thành điều khiển xe mô tô không làm chủ tay lái nên tự ngã dẫn đến tử vong.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo thống kê của cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 185 vụ TNGT, làm chết 125 người, bị thương 87 người. Trong đó, số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia chiếm gần 40%.
Xác định hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT, thời gian qua, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp. Trong đó, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục luật giao thông, nhất là quy định về nồng độ cồn tới mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát; thường xuyên tổ chức kiểm tra nồng độ cồn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra phổ biến.
Để góp phần kiềm chế và kéo giảm TNGT do người TGGT đã sử dụng rượu, bia, Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bến Tre cho biết: “Khi TGGT, mọi người phải luôn nêu cao ý thức chấp hành luật giao thông, nhất là quy định về nồng độ cồn. Mỗi người phải biết uống chừng mực khi tham gia tiệc tùng và lựa chọn những biện pháp TGGT an toàn sau khi đã uống rượu, bia như: sử dụng các phương tiện công cộng hoặc nhờ bạn bè, người thân chở về nhà”.
Dự báo tình hình trật tự an toàn giao thông vào những tháng cuối năm sẽ diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng TGGT sau khi đã uống rượu, bia có nguy cơ tăng cao. Đề nghị các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục đến tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mọi người cần tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối không điều khiển phương tiện TGGT sau khi đã uống rượu, bia, để bảo vệ tính mạng của mình và mọi người.