Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trong đó quy định hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm. Đây cũng là một trong những quy định rất mới so với trước đây. Cùng theo chân lực lượng làm nhiệm vụ ra quân ngay ngày đầu có hiệu lực của luật mới thấy được lỗi vi phạm này vẫn còn phổ biến, người vi phạm vẫn còn tâm lý chủ quan, đối phó với lực lượng làm nhiệm vụ.
Chỉ sau hơn 1 giờ đóng chốt tại khu vực vòng xuyến đường Ngô Quyền - Lê Duẩn, Phường 1, TP Cà Mau, lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Điều đáng nói là, nhiều người vi phạm khi điều khiển phương tiện xe ô tô. Trong đó, có trường hợp vi phạm ở mức khá cao, lên đến 0,34 miligam/lít khí thở; Có trường hợp vi phạm cố tình kéo dài thời gian, không ký biên bản và gọi điện thoại nhờ trợ giúp.
Lực lượng CSGT kiểm tra lỗi vi phạm nồng độ cồn
trong ngày đầu Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực.
Nhiều người vi phạm nồng độ cồn biện minh cho hành vi của mình với nhiều lý do như: “Có nghe thông tin trên báo, đài về quy định của luật mới, nhưng uống từ lúc trưa, đã ngủ một giấc mới thức dậy lái xe, nào ngờ khi kiểm tra lại bị vi phạm” hay “Chỉ uống có vài ngụm, cứ nghĩ là không có sao”...
Ghi nhận tại một số quán nhậu xung quanh khu vực Quảng trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, lượng người và phương tiện tập trung khá náo nhiệt. Liệu ai có dám chắc rằng bao nhiêu người sẽ ra về bằng cách gọi xe thuê hay nhờ người khác trợ giúp? Việc chấp hành luật đối với họ tại thời điểm này chỉ là câu chuyện đối phó, khi lực lượng làm nhiệm vụ xuất hiện tại khu vực này thì họ lại tìm đường khác để đi. Đơn cử có trường hợp vi phạm, người vi phạm thú nhận: “Đã nghe ở quán nói có chốt giao thông, thế nhưng cứ nghĩ uống 1, 2 chai không vấn đề gì nên chạy qua chốt. Nếu biết bị kiểm tra thì đã đi đường khác rồi”.
Trước đây, luật cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn nhưng phải dưới mức quy định. Với xe gắn máy cho phép dưới ngưỡng 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở. Còn hiện tại, quy định mới không còn quy định khung nồng độ cồn.
Theo đó, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.
Bên cạnh đó, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt gồm 5 chương và 86 điều, tăng 4 điều so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (trong lĩnh vực giao thông đường sắt) vừa được Chính phủ ban hành vào ngày 30/12/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, thì đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ôtô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Luật quy định đã rõ và được điều chỉnh mức xử phạt cao nhằm răn đe người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm, hạn chế tai nạn. Thế nhưng để luật thực sự đi vào cuộc sống, ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng thì vấn đề cốt lõi vẫn là việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Cách "đối phó" tích cực nhất của mỗi người khi tham gia giao thông chính là kiên quyết "đã uống rượu bia thì không lái xe"./.