Văn hóa giao thông không tự nhiên mà có. Để có thể hình thành văn hóa giao thông luôn đòi hỏi một quá trình tiếp thu và rèn luyện lâu dài. Thực tế để có văn hóa giao thông phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân chứ không phải do chế tài xử lý vi phạm chưa chặt hay luật chưa nghiêm.
Trong cuộc sống hàng ngày, thực hiện văn hóa giao thông chính là hành vi thể hiện nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên hiện nay tại một số nút giao thông trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, hiện tượng vượt đèn đỏ, đi sai phần đường vẫn diễn ra khá phổ biến.
Văn hóa giao thông không tự nhiên mà có. Để có thể hình thành văn hóa giao thông luôn đòi hỏi một quá trình tiếp thu và rèn luyện lâu dài. Thực tế để có văn hóa giao thông phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân chứ không phải do chế tài xử lý vi phạm chưa chặt hay luật chưa nghiêm. Ai cũng biết không phải lúc nào và ở đâu lực lượng cảnh sát giao thông cũng có mặt để giữ gìn trật tự an toàn. Đường nhỏ, xe đông chưa chắc đã là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc. Vào giờ tan tầm người, xe trên đường đông, nhưng nếu có cảnh sát điều khiển tại các nút giao thông thì các phương tiện đều chấp hành nghiêm chỉnh song nếu vắng bóng cảnh sát giao thông, hiện tượng vi phạm lại tái diễn.
Tại ngã tư giao cắt giữa đường Lê Văn Thịnh và Lý Thái Tổ, phường Suối Hoa, hệ thống đèn tín hiệu một chiều được lắp đặt khá đồng bộ và hiện đại, thế nhưng tình trạng vượt đèn đỏ thường xuyên diễn ra. Lý do là lực lượng cảnh sát giao thông ít có mặt tại nút giao thông này. Đối tượng vi phạm không chỉ có bộ phận lao động phổ thông, học sinh sinh viên mà thậm chí ngay cả cán bộ, công chức. Không những thế, có người còn đi ngược chiều một đoạn để vào trụ sở vì nếu đi đúng đường thì phải vòng khá xa. Nút giao thông trên đường Trần Hưng Đạo và Ngô Gia Tự, phường Tiền An là khu vực đông dân cư; việc tuần tra, trực chỉ huy của cảnh sát giao thông tại đây thường xuyên hơn, mặt khác phường Tiền An luôn tăng cường công tác tuyên truyền vận động, từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, nên ít đối tượng vi phạm Luật Giao thông.
Một thực trạng khác là hiện tượng vi phạm Luật Giao thông của học sinh THCS, THPT đang gia tăng. Tại nhiều nút giao thông, không ít học sinh vượt đèn đỏ trong khi nhiều phương tiện cơ giới khác dừng đỗ đúng quy định. Điều này cho thấy với nhiều học sinh, yếu tố văn hóa giao thông đang bị xem nhẹ.
Để nâng cao văn hóa giao thông thì vấn đề thực thi pháp luật với chế tài xử phạt nghiêm minh là biện pháp cần được ưu tiên, kết hợp với nâng cấp hạ tầng kỹ thuật giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong thanh thiếu niên cũng như mọi tầng lớp nhân dân thực hiện văn hóa giao thông là việc làm quan trọng đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên liên tục, lâu dài gắn với quá trình nâng cao dân trí.
Báo Bắc Ninh