Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay với chủ đề “Văn hóa giao thông” đã kết thúc với kết quả giảm cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì TNGT… so với tháng trước và Tháng ATGT năm ngoái. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc Tháng ATGT vài ngày, ba vụ TNGT xe khách thảm khốc liên tiếp xảy ra, gây tổn thất nặng nề về tính mạng và tài sản. Vì thế, cho dù những gì đạt được trong Tháng ATGT được cho là khả quan, nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn.
Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm nay với chủ đề “Văn hóa giao thông” đã kết thúc với kết quả giảm cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì TNGT… so với tháng trước và Tháng ATGT năm ngoái. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc Tháng ATGT vài ngày, ba vụ TNGT xe khách thảm khốc liên tiếp xảy ra, gây tổn thất nặng nề về tính mạng và tài sản. Vì thế, cho dù những gì đạt được trong Tháng ATGT được cho là khả quan, nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn.
Hiệu quả bước đầu
Theo thông lệ, tháng 9 hằng năm được chọn là Tháng ATGT và chủ đề trọng tâm năm nay là “Văn hóa giao thông” nhằm tạo thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, biểu hiện văn minh, hiện đại của con người khi tham gia giao thông. Tháng ATGT năm nay được ban hành kế hoạch triển khai sớm và ra quân bằng nhiều hình thức có hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cao. Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Thân Văn Thanh đánh giá: “Tháng ATGT năm nay có điểm khác biệt mọi năm, là năm khởi đầu xây dựng nếp sống văn hóa giao thông. Theo mục tiêu, đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, đòi hỏi con người có tác phong công nghiệp. Nếu không chuẩn bị trước, con người lúc đó sẽ “lạc hậu” về văn hóa giao thông và không bắt kịp được theo sự phát triển kinh tế của đất nước”. Thực tế hiện nay, việc đưa ra tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông không còn là quá sớm. Việc phát động và triển khai xây dựng văn hóa giao thông qua Tháng ATGT đã có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của nhân dân, từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm trật tự ATGT trên nhiều mặt. Mặc dù văn hóa là khái niệm không thể định lượng, phải tuyên truyền vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, nhưng cũng không thể tuyên truyền bằng những khẩu hiệu chung chung, trừu tượng. Năm ngày sau khi phát động, Ủy ban ATGT quốc gia đã có công điện hướng dẫn các địa phương tập trung vào các khẩu hiệu: “Ðội mũ bảo hiểm cho trẻ em”, “Ði mô-tô, xe gắn máy về bên phải”, “Ðã uống rượu bia thì không lái xe”,… Ủy ban ATGT quốc gia đã in tài liệu, áp-phích để phát cho các địa phương, xây dựng thông điệp 30 giây nhắc những tình huống cụ thể về văn hóa giao thông phát trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương, đem lại hiệu quả rõ nét. Ngoài ra, cũng yêu cầu các cơ sở Ðoàn Thanh niên tổ chức đội mô-tô, xe máy diễu hành mẫu đi đúng lề, làn đường, thành công cụ giáo dục trực quan đối với người tham gia giao thông. Kết quả khảo sát của Ủy ban ATGT quốc gia tại một số địa phương, việc tuyên truyền qua khẩu hiệu cụ thể như trên được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại không quan tâm việc này đúng mức. Trước đó, Ủy ban ATGT quốc gia đã gợi ý cho Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những nơi có mật độ phương tiện và số người vi phạm Luật Giao thông đường bộ cao nhất, nên làm những tấm pa-nô đặt tại các ngã tư có đèn đỏ, ghi rõ ràng, ngắn gọn mức xử phạt đối với ô-tô, xe máy khi vượt đèn đỏ để người tham gia giao thông dễ dàng nhận biết, nhưng việc này cũng không được triển khai.
Tiêu chí văn hóa giao thông được đặt ra là thực hiện “ba có, bốn không”. “Ba có” là có hiểu biết đầy đủ đúng và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; có hành vi ứng xử văn hóa, hợp tác giúp đỡ người bị TNGT. “Bốn không” là không uống rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ ATGT; không có thói hư, tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như xảy ra TNGT. Các lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đường bộ như quá tốc độ, sai phần đường, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; xử lý các vi phạm đường sông; đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép,…
Cần một thái độ kiên quyết
Trên các tuyến đường đô thị hoặc quốc lộ, một thực tế buồn hiện nay là tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến. Tình trạng vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách, uống rượu bia, đi ngược chiều, xe chở khách quá trọng tải, quá tốc độ và tranh giành khách,… là những hình ảnh không đẹp mắt lại dần trở nên “quen mắt”, khiến người tham gia giao thông coi đó như “chuyện thường ngày”. Trước nhiều cổng trường, ai cũng có thể bắt gặp cảnh những học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh đưa, đón con em đi học cũng không đội mũ hoặc mang theo mũ cho con, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng của chính con em mình. Những trường hợp thanh niên, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ thường hay được CSGT châm chước, bỏ qua, khiến các em dễ “nhờn” luật. Cần phải nghiêm khắc xử phạt các lỗi vi phạm để sau này chính thế hệ các em là những người gìn giữ nếp sống văn hóa trong giao thông. Hiện tại, chuyện thiếu văn hóa trong giao thông, chỉ nêu thí dụ ở địa bàn Thủ đô cũng không thể kể hết được. Hầu như tất cả những ai đã ngồi trên xe ra đường đều ít nhất một lần vi phạm. Theo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Hà Nội, trong Tháng ATGT, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 63 vụ TNGT, làm 57 người chết và 8 người bị thương, trong đó, có tới 55 vụ nghiêm trọng. Ðiều đáng nói là một trong những nguyên nhân gây TNGT là do ý thức người dân kém, nhiều người không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ và đi sai phần đường. Nhiều vụ người vi phạm bị bắt giữ thậm chí còn thách thức, bất hợp tác và gây rối, chống người thi hành công vụ.
Vấn đề văn hóa giao thông đã được nêu ra từ lâu, nhưng được tập trung nhấn mạnh tuyên truyền trong Tháng ATGT năm nay, đủ thấy ý thức người tham gia giao thông đã ở mức đáng báo động. Nước ta đang xây dựng các chương trình nâng cao ATGT theo cách của Nhật Bản trước đây. Theo một khảo sát, lượng ô-tô của Nhật Bản nhiều hơn cả ô-tô và xe máy của Việt Nam cộng lại, nhưng số người chết do TNGT lại ít hơn rất nhiều. Cách đây 30 – 40 năm trước, giao thông ở Nhật Bản cũng rất lộn xộn, mỗi năm có 15 nghìn người chết vì TNGT. Ðể đẩy lùi TNGT, Nhật Bản đã quyết liệt xây dựng chiến lược thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Ðồng chí Thân Văn Thanh khẳng định, nếu chúng ta đưa ra chiến lược và thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn và đẩy lùi TNGT theo cách mà Nhật Bản thực hiện trước đây, tình hình trật tự ATGT chắc chắn sẽ có những cải thiện nhất định.
Việc xây dựng văn hóa giao thông không phải là chuyện một sớm, một chiều. Việc tuyên truyền rộng rãi trong Tháng ATGT vừa qua tuy đã phát huy tính tích cực, nhưng chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa tác động đến từng cá nhân và gia đình trong xã hội. Một khi chưa có sự thay đổi về mặt nhận thức của mỗi con người, thì chưa thể thay đổi về hành vi. Thực hiện văn hóa giao thông, do đó phải có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết là tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đối với mọi tầng lớp nhân dân thông qua nhiều kênh, như qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đưa vào giáo dục trong các bậc học phổ thông, lồng ghép với các chương trình, dự án,… Xây dựng văn hóa giao thông là công việc đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện một cách tổng thể, toàn diện và liên tục đối với cộng đồng. Quá trình thực hiện phải được hệ thống chính trị coi là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, không chỉ trong Tháng ATGT nhằm tạo dựng nếp sống, môi trường văn hóa bền vững. Ðối với mỗi người, tự hình thành cho mình văn hóa về giao thông không phải xa vời mà thực tế đã đem lại lợi ích sát sườn qua sự bảo đảm an toàn cho bản thân, cho người thân và những người chung quanh, không ngày ngày phải mắt thấy, tai nghe những cảnh đau lòng.
Theo Báo NDĐT