Nhìn lại tháng An toàn giao thông:Xây dựng văn hóa giao thông không thể một sớm một chiều

Thứ tư, 30/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau một tháng đẩy mạnh các công tác tuyên truyền Tháng an toàn giao thông quốc gia năm 2009 với chủ đề về văn hóa giao thông, xử lý vi phạm, hướng tới xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong cộng đồng, có nhiều điểm mới được đưa vào thực hiện. Song rõ ràng là việc xây dựng văn hóa giao thông không dễ dàng và để xây dựng văn hóa giao thông như "một nét văn hóa Hà Nội" không thể chỉ một sớm một chiều...
Sau một tháng đẩy mạnh các công tác tuyên truyền Tháng an toàn giao thông quốc gia năm 2009 với chủ đề về văn hóa giao thông, xử lý vi phạm, hướng tới xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong cộng đồng, có nhiều điểm mới được đưa vào thực hiện. Song rõ ràng là việc xây dựng văn hóa giao thông không dễ dàng và để xây dựng văn hóa giao thông như "một nét văn hóa Hà Nội" không thể chỉ một sớm một chiều...
Thanh niên tình nguyện giữ gìn ATGT tại cổng Trường Đại học Ngoại thương.
 Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp
Có thể khẳng định, chưa khi nào công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), văn hóa giao thông (VHGT) lại được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp như trong Tháng ATGT vừa qua. Chính quyền các quận, huyện, thị xã, các cơ quan đoàn thể, cơ quan chức năng của toàn TP đã sớm có kế hoạch cụ thể và nhập cuộc nhanh chóng với quyết tâm cao. Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã cấp phát gần 100 nghìn tờ rơi, 2.000 tờ áp phích cho các quận, huyện, thị xã để phục vụ công tác tuyên truyền. Trên các tuyến, trục đường chính của Thủ đô, những khẩu hiệu cổ động cho việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông đã có những tác động rõ ràng.
Cùng với ngành giao thông, các sở, ngành khác như giáo dục, thông tin - truyền thông, văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Thành đoàn cũng đã vào cuộc tích cực với nhiều hình thức. Sở Giáo dục - Đào tạo có nội dung tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho học sinh. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức cổ động trực quan về VHGT tại các trường học, doanh nghiệp và những địa điểm công cộng. Các đơn vị quân đội trên địa bàn đồng loạt ra quân hưởng ứng Tháng ATGT. Thành đoàn triển khai Đội thanh niên tình nguyện thực hiện công tác giữ gìn ATGT tại các cổng trường THPT và các nút giao thông trọng điểm, thi lái xe an toàn trong thanh niên... Riêng lực lượng CA, với vai trò chủ công trong việc bảo đảm TTATGT đã ra quân mạnh mẽ. Thí điểm và bước đầu phân luồng một số tuyến đường và nút giao thông, khắc phục đáng kể nạn ùn tắc. CATP đã phối hợp với Thanh tra Giao thông triển khai các chuyên đề xử lý xe khách, xe buýt vi phạm, học sinh vi phạm. Mỗi ngày, lực lượng CSGT đã xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm TTATGT, gần 100 xe khách vi phạm các quy định về đón trả khách, gây cản trở giao thông... Trong tháng, CATP cũng đã thực hiện phân cấp một số mặt công tác của lực lượng CSGT về CA cấp quận, huyện với mục tiêu tăng cường hiệu quả giải quyết các vấn đề về TTATGT...
Với những hoạt động tương đối rộng khắp và toàn diện như trên, có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, đi kèm là việc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm TTATGT đã có tác động nhất định đến ý thức người tham gia giao thông. Một số mặt công tác, nhất là công tác xử lý vi phạm TTATGT đã đạt được kết quả cao hơn so với chỉ tiêu, yêu cầu. Song nếu nói rằng, VHGT đã được hình thành thì có phần chủ quan...
Chưa hết những tồn tại cũ...
Tuy đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận trong Tháng ATGT nhưng thực trạng TTATGT tại Hà Nội vẫn còn đó những tiềm ẩn phức tạp. TNGT chưa giảm, ùn tắc còn xảy ra, nhất là ùn ứ cục bộ trên những tuyến trọng điểm. Vi phạm được xử lý nghiêm và ráo riết nhưng chưa giảm... Và điều đáng nói nhất là VHGT chưa hình thành rõ nét, chưa có bước chuyển mạnh.
Có thể thấy, việc xây dựng VHGT tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Số lượng phương tiện quá lớn trong khi quỹ đường còn hạn chế khiến cho công tác tổ chức giao thông gặp quá nhiều khó khăn. Tháng 9 lại là tháng có đặc thù lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, nhất là vào giờ cao điểm, do trường học các cấp đồng loạt khai giảng, bước vào năm học mới. Khi tổ chức giao thông chưa tối ưu, hệ quả là vi phạm còn tiếp tục xảy ra, ùn tắc và tai nạn chưa thể được chặn đứng. Thêm nữa, trong Tháng ATGT, nhiều mặt phố, hè đường trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tình trạng phải đào xới, phục vụ thi công các công trình kỹ thuật dân sinh cấp thiết, chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Diện tích dành cho giao thông tĩnh và động giảm, dẫn đến khó khăn cho lưu thông.
Công tác tuyên truyền tuy được tiến hành rầm rộ nhưng chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa phát huy được vai trò của từng cá nhân và gia đình trong xã hội. Mà về lý thuyết tuyên truyền, nếu chưa "chuyển" được nhận thức của các "tế bào xã hội" thì chưa thể biến thành hành động. Bằng chứng là những lỗi vi phạm tương đối "cơ bản" và bức xúc vẫn xảy ra nhiều: đi sai phần đường, vượt đèn đỏ... Đặc biệt là tình trạng học sinh chưa đủ tuổi (tất nhiên chưa có giấy phép lái xe) điều khiển xe phân khối lớn, chở 2, 3 người, không đội mũ bảo hiểm vẫn còn khá phổ biến. Cơ quan chức năng tăng cường xử lý nhưng nhà trường dường như chưa có cách phối hợp hiệu quả nên tính răn đe và giáo dục chưa như mong muốn.
Những tồn tại trong Tháng ATGT cho thấy với công tác này còn bề bộn việc phải làm. Mục tiêu xây dựng VHGT chưa thể một sớm một chiều mà hoàn thành. Đã có "đà" từ Tháng ATGT, nếu tiếp tục duy trì các mặt công tác, khắc phục những tồn tại đặt ra thì VHGT - điều không thể thiếu trong bảo đảm TTATGT mới thực sự được phát huy.
Theo Báo HNM

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)