Khi mà 80% sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% sinh viên khi lái xe sử dụng sai kỹ thuật và học sinh phổ thông chưa đủ tuổi vẫn sử dụng xe máy, phóng nhanh, vượt ẩu… thì một cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” được xem là hết sức cần thiết.
Theo TS Trần Văn Miều, Viện Nghiên cứu Thanh niên, thanh niên có văn hóa giao thông đó là khi người thanh niên tự giác, gương mẫu chấp hành Luật Giao thông và vận động người khác cùng thực hiện.
Xuất phát từ thực tế nhiều thanh niên vi phạm “tha thiết” xin lực lượng công an không gửi giấy báo về cho trường, cơ quan mình, ông Miều cho rằng: các cơ quan nhà nước nên xem xét để việc thu phí xử phạt vi phạm giao thông về các địa phương và đơn vị. Làm được như vậy, sẽ làm được hai việc: một là tránh những tiêu cực của lực lượng chức năng và hai là, phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị trong việc giáo dục, tuyên truyền, phê bình người vi phạm.
Ông Trần Quốc Huy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu quan điểm: nếp sống nông nghiệp gắn với tính độc lập trong sản xuất trên mảnh ruộng của mình đã tạo nên thói quen xấu của không ít người Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng. Cụ thể là “đường ta ta cứ đi” và hàng loạt các hành vi như không quan sát khi điều khiển phương tiện giao thông, các biển báo giao thông, không biết nhường đường, nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai khi tham gia các phương tiện công cộng…
Chiếm đa phần người điều khiển giao thông nhưng tuổi đời còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, đặc biệt là cách ứng xử nên theo TS Lê Thị Bích Hồng, Ban Tuyên giáo Trung ương thì thanh niên cần được sự giúp đỡ, chăm lo của các thế hệ đi trước để có thể hình thành cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.
Vụ phó Vụ Học sinh – Sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Đình Mạnh lại bày tỏ: làm sao để tiêu chí văn hóa khi giao thông giống như hương ước, quy tắc ứng xử tự nguyện, làm cho thanh niên “không được, không dám” vi phạm Luật Giao thông.
Ban Thanh niên Công an đã đưa đến Hội thảo xây dựng Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” bằng những con số: số người vi phạm bị xử lý ở độ tuổi 16-35 chiếm khoảng 80%. Gần đây, tình hình thanh thiếu niên đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng có diễn biến phức tạp. Nghiêm trọng hơn, một bộ phận khi bị các lực lượng chức năng xử lý chẳng những không nhận thức về hành vi vi phạm của mình, chấp hành, rút kinh nghiệm mà còn chống lại lực lượng thi hành công vụ. Tính đến thời điểm báo cáo, năm 2008, đã xảy ra 60 vụ chống lại lực lượng CSGT, so với cùng kỳ năm 2007 tăng 30 vụ làm 35 chiến sỹ công an bị thương.
Đến với Hội thảo, một bạn gái đã chia sẻ kỷ niệm mà bạn cũng như những người trong đoàn sẽ “không bao giờ quên và bảo nhau cùng học tập”. Khi các bạn trên đường ra sân bay thì đường rất đông và ai cũng muốn vượt. Hơn 10 phút đã trôi qua mà ô tô vẫn không nhích được là bao. Bày tỏ lo lắng trễ giờ với người thanh niên lái chiếc ô tô ngay cạnh, anh này đã ra khỏi xe, phân luồng và nhờ có anh, đoàn của bạn đã kịp giờ bay.
Nhà báo Vũ Hương Giang (Tuổi trẻ Thủ đô) với tư cách và sự hiểu biết của một người làm báo trong hệ thống báo chí của Đoàn, đã từng tiếp xúc, gắn bó với thanh niên lại “gợi ý”: Đoàn, Hội phải tổ chức những chương trình mà ở đó, chính các bạn thanh niên là nhân vật chính, họ sẽ không thụ động ngồi nghe thuyết trình, xem những tiểu phẩm ATGT quen thuộc, không viết những bản cam kết chung chung…
Xây dựng Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” theo Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Namlà một cuộc vận động chưa có tiền lệ. Song, phát huy vai trò xung kích của tổ chức Đoàn, Hội LHTN cùng tham gia giải quyết vấn nạn giao thông mà nhiều việc làm đã được xã hội ghi nhận trong thời gian qua, với trách nhiệm và ý chí của tuổi trẻ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN quyết tâm đưa Cuộc vận động thành nét đẹp văn hóa, tiêu chí phấn đấu của thanh thiếu niên Việt Nam.
nguồn cpv.org.vn