Thành uỷ Hà Nội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức tọa đàm “Xây dựng văn hoá giao thông người Hà Nội” dựa trên một số kinh nghiệm tại Australia, Nhật Bản và các nước Bắc Mỹ
.
|
Trong toạ đàm, các chuyên gia trong và ngoài nước đã thống nhất sẽ triển khai một cuộc tổng khảo sát toàn diện (con người, phương tiện, nếp sống...) trên địa bàn, sau đó lập kế hoạch giáo dục nhận thức, hành vi ứng xử giao thông, môi trường xã hội, điều kiện kinh tế, các chế tài xử lý vi phạm và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để xây dựng một nền tảng văn hoá giao thông cho người Hà Nội.
Tại Australia, gần 20 năm qua, TAC (Ban ATGT Quốc gia) đã tổ chức nghiên cứu, xác định đối tượng vi phạm và gây ra TNGT để lập kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao văn hoá giao thông cho từng cá thể. Nhờ đó, số vụ tai nạn và người chết do TNGT giảm hẳn.
Cụ thể, trước năm 1989, mỗi năm có 700 - 800 người chết do TNGT, tuy nhiên sau đó TAC phát động chiến dịch tuyên truyền, thực hiện các giải pháp và tổ chức xây dựng văn hoá giao thông, đến năm 2006, tại Australia chỉ còn 337 người chết do TNGT.
Theo cam kết của Chính phủ, đến năm 2017, mỗi năm ngành chức năng cố gắng giảm 30% thương vong, cứu sống gần 100 người và tránh hơn 2.000 trường hợp bị thương tích do TNGT gây ra. Để đạt được kết quả trên, TAC tập trung xây dựng hệ thống an toàn, phát động người điều khiển môtô, xe gắn máy đội MBH; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ôtô; đi đúng tốc độ, không dùng chất kích thích, nâng cao sự tập trung, đào tạo kinh nghiệm lái xe; nâng cao chất lượng phương tiện, cải thiện hạ tầng giao thông...
Theo bà Twainjai Fukuda, chuyên gia của JICA, tại một số nước Bắc Mỹ, văn hoá giao thông hiện đã được triển khai tới các cộng đồng, xã hội thông qua các hoạt động tuyên truyền bằng những nội dung, chủ đề cụ thể dễ hiểu.
Tại Nhật Bản, trong những năm qua, Chính phủ xây dựng văn hoá giao thông dựa trên các chính sách cưỡng chế, xử lý vi phạm; chuẩn hoá hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, hạ tầng giao thông và hoàn thiện khoa học kỹ thuật phương tiện, thiết bị đường, đào tạo lái xe, CSGT...
Nhất là, chú trọng giáo dục pháp luật ATGT cho trẻ em, người dân với sự tham gia tích cực của công an địa phương, trình diễn tình huống nguy hiểm giao thông, vận động phụ huynh làm tình nguyện viên và đào tạo "chuẩn" giáo viên chuyên giáo dục ATGT.
Từ kinh nghiệm tại các nước trên, các chuyên gia cho rằng, để xây dựng "Văn hoá giao thông người Hà Nội", trước mắt cần chú trọng xây dựng một kế hoạch sâu rộng để thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân tới văn hoá giao thông, đặc biệt là các đối tượng sử dụng môtô, xe gắn máy.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND Tp. Hà Nội: Xây dựng văn hoá giao thông tại Hà Nội cũng như cả nước là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện phương tiện ngày càng gia tăng, vi phạm và TNGT có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Người Hà Nội luôn thanh lịch, nên nếu khơi dậy được niềm tự hào, vẻ đẹp văn hoá tiềm ẩn trong mỗi con người, biến chúng thành những hành động, cách ứng xử cụ thể, văn minh, tôn trọng pháp luật, hoà nhã với mọi người thì chắc chắn đề án “Xây dựng văn hoá giao thông người Hà Nội” sẽ thành công.
|
Các chuyên gia sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu toàn diện (con người, phương tiện, nếp sống...), xác định tác động của đa số và thiểu số cộng đồng trong mối quan hệ tác động phát triển kinh tế, xã hội liên quan tới giao thông và triển khai các biện pháp cần thiết để thiết lập trật tự ATGT.
Từ đó, tiến tới tổ chức xây dựng mô hình văn hoá ATGT cho người dân, phương tiện công cộng (xe buýt, tàu hoả...), xe máy, xe đạp, ôtô... Đồng thời, tập trung nghiên cứu ý thức tự giác, giải quyết vấn đề hành vi khi tham gia giao thông, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm kéo giảm ùn tắc, vi phạm và TNGT.
Theo bà Twainjai Fukuda, trong bối cảnh giao thông Thủ đô ngày càng quá tải, từ nay đến hết năm 2009, JICA và thành phố sẽ tổ chức thí điểm văn hoá giao thông tại quận Hoàn Kiếm, đưa ra các chuẩn mực hành vi để người tham gia giao thông có thể dễ dàng chấp hành và cao hơn là hình thành ý thức tự giác, nhường nhịn cho người tham gia giao thông.
Đồng thời, xác định các nhóm hành vi cần điều chỉnh; tuyên tuyền, ngăn chặn tình trạng chạy quá tốc độ, đi và dừng sai làn đường, không nhường đường cho người đi bộ, sang đường không đúng quy định, đi bộ dưới lòng đường...
Bình Lê - Báo Bạn đường