Trong văn hoá giao thông luôn tồn tại hành vi ứng xử của con người tham gia giao thông với các phương tiện giao thông. Đứng trước mỗi hoàn cảnh, điều kiện trình độ khác nhau, mỗi người sẽ có một cách ứng xử khác nhau.
Trong văn hoá giao thông luôn tồn tại hành vi ứng xử của con người tham gia giao thông với các phương tiện giao thông. Đứng trước mỗi hoàn cảnh, điều kiện trình độ khác nhau, mỗi người sẽ có một cách ứng xử khác nhau.
Để đáp ứng các nhu cầu đi lại khác nhau trong xã hội, người ta đã thiết kế và chế tạo ra nhiều loại phương tiện có các tính năng kỹ thuật rất đa dạng nhằm bán được nhiều hàng và thu được lợi nhuận cao nhất. Việc chọn sử dụng phương tiện nào đòi hỏi người tham gia giao thông phải cân nhắc vừa phù hợp với túi tiền của mình, vừa phù hợp với điều kiện hiện có và đáp ứng được nhu cầu đi lại của mỗi người. Sự lựa chọn này cần căn cứ trên sự hiểu biết về kỹ thuật và kiến thức văn hoá của người tham gia giao thông. Khi kiến thức của người tham gia giao thông còn bất cập, không đủ khả năng đưa ra những quyết định lựa chọn đúng, thì cần sự hỗ trợ của các nhà quản lý các ngành có liên quan. Trong trường hợp muốn sắm một chiếc xe máy chỉ để di làm hàng ngày trong phố còn thỉnh thoảng đi đâu xa thì đã đi bằng xe ôtô, thì không cần phải sắm những xe đắt tiền có phân khối lớn, đi vừa tốn xăng, xả nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường hơn mà chẳng bao giờ phát huy được hết công suất thiết kế, giúp cho chiếc xe được vận hành trong dải tốc độ và điều kiện kỹ thuật tối ưu nhất ( khoảng 75- 80% tốc độ thiết kế tối đa cho phép), bởi vì theo Luật Giao thông đường bộ của nước ta, tốc độ cho phép của môtô, xe máy trong nội thành, nội thị bị khống chế dưới 40 km/h, còn trên đường trường thì cũng thường khống chế không quá 60 km/h, thế mà các nhà quản lý giao thông, thị trường, hải quan lại cho nhập ồ ạt rất nhiều xe phân khối lớn với tính năng tốc độ lên tới hàng trăm km/ giờ, tạo điều kiện kỹ thuật “nối giáo cho giặc” cho bọn trẻ quá khích bốc đồng phóng nhanh, vượt ẩu, đua xe trái phép. Trong trường hợp chọn dùng ôtô cũng vậy, với đường phố đặc trưng ở các khu phố cũ như trong câu hát là “ ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” mà lại đầu tư ồ ạt ôtô, nhất là những ôtô có kích thước lớn, mỗi khi dừng đỗ ở những chỗ đường hẹp thường tạo ra những “cái nút đường” thì làm sao mà tránh khỏi ùn tắc giao thông. Kể cả ôtô con có kích thước nhỏ gọn hơn nhưng nếu người lái xe thiếu văn hoá cộng đồng cứ lấn lên chen xếp hàng ngang choán hết bề ngang đường không cho xe đạp, xe máy là những phương tiện nhỏ gọn thoát đi thì cũng không đáng đầu tư cho chạy vào những phố nhỏ, ngõ nhỏ. Trong điều kiện đất chật người đông như ở một số thành phố nước ta mà đã muốn oai vệ bành trướng cá nhân, một mình ra đường mà cũng chiếm dụng một diện tích gấp ba, gấp bốn người khác trong điều kiện đường xá còn chật hẹp thì thử hỏi có phải là người có ý thức văn hoá cộng đồng hay không? Trong điều kiện xã hội đã tạo dựng được hệ thống giao thông công cộng phù hợp thì việc ưu tiên thực hiện các hoạt động đi lại bằng phương tiện công cộng sẽ chứng tỏ phần nào là người có văn hoá, còn luật pháp không thể ép buộc một người phải đi bằng phương tiện này hay phương tiện kia, mà đây chỉ là ý thức văn hoá cộng đồng. Có một thời gian, do hiểu biết lệch lạc, rất nhiều người quan niệm khi xảy ra các tình huống xung đột hay va chạm trong giao thông thì người ta thường ưu tiên xe bé hơn và quy lỗi về phía phương tiện lớn hơn, điều này đã dẫn đến một xu hướng thiếu văn hoá trong một thời kỳ nhiều năm là một số nhóm đi xe đạp và người đi bộ bố trí tình huống ăn vạ xe máy, gây uất ức cho rất nhiều người lương thiện trong thời gian đó. Mãi về sau khi chỉnh sửa điều luật không giành quyền ưu tiên cho các xe từ trong ngõ phóng ra mới bớt hẳn được các hiện tượng ăn vạ kiểu đó. Có nhiều trường hợp do học luật không chắc, không biết cách ứng xử đối với các loại xe ưu tiên và thứ tự ưu tiên khi đi đường mà đã để xảy ra những va chạm không đáng có. Lại có những người có lẽ là mới biết đi xe máy hoặc mới ở nông thôn ra, đi xe máy trong phố đông đặc người mà vẫn cứng nhắc bóp còi liên tục xin vượt, hoặc gắn còi chíp báo rẽ gây thêm ồn ào trên đường phố đã quá đông người cùng tiếng ồn xe cộ.
Nếu mỗi người tham gia giao thông càng chịu khó học hỏi, rèn luyện để có những thao tác lái xe thuần thục, những ứng xử hợp lý, hợp Luật khi đi đường thì đâu đến nỗi tình hình trật tự an toàn giao thông rối ren như lâu nay. Mỗi người nên tranh thủ thời gian ôn lại Luật và suy nghĩ về các tình huống ứng xử đã xảy ra trong thực tế để rút tỉa ra những bài học cho bản thân và một khi mình đã ứng xử tốt thì cũng chính là giúp cho cộng đồng vậy.
Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2008
Tác giả: Tiến sĩ Đồng Xuân Thành