Ngoài sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, có thể thấy ngay rằng ý thức người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính của hiện trạng đó.
|
Nhiều người đi bộ vẫn băng qua đường theo cách "truyền thống" dù đã có cầu vượt - Ảnh: Trà My
|
Vì sao “sai mãi thành quen”?
Trên đường phố Hà Nội, các loại vi phạm giao thông rất phổ biến, dù người tham gia giao thông sử dụng loại phương tiện, ở lứa tuổi, nghề nghiệp gì.
Tệ hại hơn, khá nhiều người tham gia giao thông coi TNGT như một rủi ro định mệnh, mà không nghĩ rằng nếu chấp hành tốt luật giao thông, rủi ro đó sẽ được hạn chế rất nhiều.
Mặc dù, Luật GTĐB hiện nay đã chặt chẽ, nhưng việc thực hiện pháp luật còn chưa thật nghiêm. CSGT chủ yếu phạt các lỗi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đường cấm... Những lỗi như đi bộ không đúng nơi dành cho người đi bộ, nghe điện thoại khi đang điều khiển xe, phóng nhanh, vượt ẩu, mang vác cồng kềnh... ít khi bị phạt.
Khi những hành vi này không được xử lý kiên quyết thì tất nhiên nó sẽ thường xuyên xảy ra và tạo nghịch lý: Người tuân thủ luật lại là người luôn bị thua thiệt. Điều này tạo động cơ cho việc vi phạm luật và cũng làm giảm tính nghiêm minh của luật.
Trong khi đó, rất nhiều người làm theo thói quen mà không quan tâm đến luật cho dù đã biết luật. Có nhiều ý kiến cho rằng, đây là mặt trái của nền kinh tế phát triển quá nhanh khiến khu vực nông thôn đô thị hoá, làm cho tư duy, suy nghĩ của người dân không theo kịp với môi trường sống mới.
Nếu như chỉ một vài năm trước, cũng con đường đó, mọi người có thể sang đường và đi cả hai chiều, vác cả cây tre, đổ cát ở dọc đường, nhưng khi đường làng trở thành phố, những thói quen trên vẫn ở lại. Ngoài lý do trên, sự tuỳ tiện của cá nhân khiến họ biết nhưng vẫn cứ vi phạm.
Sự tuỳ tiện của người tham gia giao thông còn có cơ hội tồn tại vì cách hành xử theo "lệ" hơn là luật, cứ có va chạm thì "xe to hơn phải bồi thường xe bé hơn", bất chấp di chuyển đúng hay sai luật. Đây là quan điểm hết sức nguy hiểm, nó tạo ra tiền lệ vi phạm luật giao thông một cách có hệ thống.
Những thói quen trên được hình thành và "nuôi dưỡng" một phần nhờ chính từ đặc điểm cơ sở hạ tầng. Với thực trạng nhà cửa bám mặt phố để sinh sống, kinh doanh thì từ khi ra đời những đứa trẻ đã quen với việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và đi tắt ngang qua đường.
Bất cập về cơ sở hạ tầng góp phần tạo nên ý thức chấp hành luật giao thông kém. Việc thường xuyên tắc đường ở một số nút, với thời gian tắc kéo dài vào giờ cao điểm, cũng tạo ra áp lực nhất định việc vi phạm luật giao thông để có thể đến chỗ làm đúng giờ.
Thói quen coi thường và không chấp hành Luật GTĐB ăn sâu vào tâm trí người tham gia giao thông tới mức, những người trong tình huống nào đó, thực hiện đúng luật bị coi là bất bình thường!
Giải pháp nào?
Muốn giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, giải pháp đầu tiên là thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền ý thức chấp hành luật giao thông để tạo cách tư duy và hành động theo luật cho nhân dân.
Việc tuyên truyền phải có sự tham gia đồng loạt của các tổ chức chính trị, đoàn thể, trường học. Để thực hiện triệt để, người gương mẫu đầu tiên phải là các cơ quan công quyền. Sự gương mẫu thực hiện luật pháp phải được thể hiện qua những chỉ số đánh giá cụ thể, nếu thực hiện theo kiểu phong trào, với các tiêu chí chung chung, tránh đại khái hình thức kiểu "đánh trống bỏ dùi".
Đã đến lúc cần phải xây dựng "văn hóa giao thông" với lộ trình thích hợp với đích đến là mọi người có thái độ nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luật. Để tăng cường bền vững của nó, "văn hóa giao thông" cần được xây dựng theo chiều ngang từ các cơ quan, đoàn thể, trường học và theo chiều dọc từ mỗi gia đình, từ tổ dân phố, xóm đến cấp phường, xã...
Và sự cần thiết để khẳng định tính bền vững của "văn hoá giao thông" phải là những bổ sung các điều khoản mang tính răn đe cao cho Luật GTĐB. Chẳng hạn, tất cả những người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều phải có sổ để theo dõi tình hình vi phạm. Nếu có quy định cụ thể mỗi hành vi bị tính lỗi vi phạm bao nhiêu điểm, người ta có thể thống kê lỗi trong cả năm, với một chế tài cụ thể, khi số lần vi phạm cộng dồn đạt đến mức nhất định nào đó.
Bên cạnh việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông, cần phân định trách nhiệm rõ hơn nếu CSGT, tổ chức chính trị không hoàn thành trách nhiệm tại khu vực được phân công. Cấp địa phương phải theo dõi đánh giá tình hình chấp hành luật và hiệu quả thực thi pháp luật của cơ quan có chức năng.
Ths. Lê Ngọc Sơn - Banduong.vn