Đặc thù của mạng ĐSVN có nhiều đoạn được xây dựng song song liền kề với đường bộ, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn ô tô đổ vào đường sắt liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Theo thống kê của Ban ATGT Tổng công ty ĐSVN thì dường như không ngày nào không có vụ tai nạn ô tô đổ vào đường sắt. Hậu quả tuy chưa dẫn đến trật bánh đổ tàu nhưng thiệt hại do chậm tàu, bế tắc chính tuyến thì đã rõ.
Theo thống kê của Ban ATGT đường sắt, liên tục từ năm 2004 đến nay, bình quân mỗi năm toàn mạng ĐSVN đã xảy ra hàng ngàn vụ ôtô đổ vào đường sắt, trong đó có trên 100 vụ nặng làm bế tắc chính tuyến hàng trăm giờ đồng hồ và làm chậm tầu từ 300 - 500 giờ mỗi năm. Điển hình vụ tai nạn xảy ra ngày 14-3-2004 tại km 96+262 khu gian Trình Xuyên - Núi Gôi xe ôtô BKS 37H-3002 chở container 40 feet đổ vào đường sắt, lúc 1h 30 phút làm bế tắc chính tuyến 145 phút, làm chậm tầu 838 phút; Vụ tai nạn xảy ra ngày 26-1-2005 tại km 27+300 khu gian Chợ Tía - Phú Xuyên xe ôtô chở đá đổ vào đường sắt làm bế tắc chính tuyến 85 phút, làm chậm tầu 263 phút; Vụ tai nạn xảy ra ngày 13 -1 -2006 tại km 306+190 khu gian Mỹ Lý - Quán Hành xe ôtô BKS 53N - 4397 bị đổ vào đường sắt làm bế tắc chính tuyến 130 phút ảnh hưởng chậm các đoàn tầu: SE1 130 phút, TN6 135 phút, 381 phút; Vụ tai nạn xảy ra ngày 22 -1 -2006 tại km 642+130 khu gian Diêm Sanh - Quảng Trị xe ôtô BKS 75H - 0414 bị đổ vào đường sắt làm bế tắc chính tuyến 58 phút ảnh hưởng chậm các đoàn tầu: SE5 58 phút, TN16 113 phút; Quý I-2008 toàn mạng ĐSVN đã xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 54 người, bị thương 98 người. Trong đó có 2 vụ tai nạn nghiêm trọng và cả hai vụ đều do nguyên nhân khách quan. Tai nạn nặng xảy ra 1 vụ cũng do khách quan. Tai nạn nhẹ xảy ra 10 vụ thì có 8 vụ do khách quan. Riêng trở ngại chạy tàu đã xảy ra 208 vụ thì có 59 vụ do khách quan.
Trước tình trạng trên, Tổng công ty ĐSVN đã huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng hàng rào hộ lan chống ôtô đổ vào đường sắt, trong đó có việc liên kết với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam xây dựng hàng rào hộ lan ngăn cách giữa đường sắt với đường bộ. Theo thống kê, trong các năm 2005 -2006 Tổng công ty ĐSVN đã huy động nguồn vốn của Hiệp hội bảo hiểm VN xây dựng được 4.135 m rào chắn chống ôtô đổ vào đường sắt, bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của Tổng công ty ĐSVN xây dựng 4.675m hàng rào hộ lan chống ôtô đổ vào đường sắt; Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã tiến hành xây dựng bổ sung hàng rào hộ lan chống ôtô đổ vào đường sắt ở một số vị trí trên tuyến ĐS Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Nhưng do số lượng xây dựng quá ít so với yêu cầu hiện tại, nên tai nạn, trở ngại do các phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây nên cho đường sắt xảy ra ngày một nhiều.
Để đảm bảo an toàn chạy tầu, khắc phục tình trạng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đổ vào đường sắt, gây tai nạn cho đường sắt. Tổng công ty ĐSVN đã đề xuất giải pháp khắc phục bằng cách tiếp tục xây dựng hàng rào hộ lan ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ bằng tôn lượn sóng như đã làm tại km 38+370 đến km 39+170 (phía Nam cầu Giẽ). Cũng theo thống kê của Tổng công ty ĐSVN, hiện có khoảng 239 km đường bộ song song liền kề gần đường sắt, ôtô hay đổ vào đường sắt, gây tai nạn cho đường sắt.
Nếu xếp theo thứ tự ưu tiên thì tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có 136 km; Tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai có hơn 3 km; Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn có 5 km; Tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng có 11km... Được biết, trước đây Tổng công ty ĐSVN đã có công văn trình Bộ GTVT xin được làm chủ đầu tư xây dựng đề án lắp đặt hàng rào hộ lan ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ chống ôtô đổ vào đường sắt nhưng Bộ GTVT lại giao cho Cục Đường bộ VN, chính vì vậy việc làm này kéo dài nhiều năm vẫn không được triển khai đồng bộ.
Để đảm bảo an toàn chạy tầu, khắc phục tình trạng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đổ lên đường sắt, gây tai nạn cho đường sắt, mới đây Tổng công ty ĐSVN đã đề nghị xây dựng hàng rào hộ lan ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt tại những vị trí ôtô thường xuyên đổ vào đường sắt trên các tuyến tương đương với 239 km theo thứ tự ưu tiên theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 với tuyến Thống nhất là 62,048km, giai đoạn 2 sẽ làm tiếp 32,59km; Tuyến Yên Viên - Lào Cai xây dựng 3,055km; Tuyến Hà Nội - Lạng Sơn 5,025km; Tuyến Gia Lâm-Hải Phòng 11,035km.
Số km còn lại sẽ được xây dựng ở giai đoạn sau. Để ngăn chặn có hiệu quả việc ôtô đổ vào đuờng sắt bằng hàng rào đã được xây dựng khu vực cầu Giẽ - Phủ Lý. Tổng công ty ĐSVN cũng đề nghị triển khai dự án đường ngang trên các tuyến đường sắt, trong đó chú trọng đến gần 3.000 đường dân sinh vượt trái phép qua đường sắt. Có như vậy tai nạn giao thông đường sắt mới được kiềm chế và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi hành lang ATGTĐS nhiều năm qua vẫn chưa được thực hiện theo đúng Luật ĐSVN.
Hồ Thu