Ở các khu vực hạn chế, đặc biệt là các cửa ngỏ đi vào đó, chính quyền tổ chức ghi hình bằng thiết bị cố định, lưu động bảng số xe các phương tiện di chuyển trong khu vực, trong giờ hạn chế lưu thông. Từ phim, hình ảnh thu được, các bảng số xe vi phạm sẽ được nhập vào hệ thống dữ liệu
I. HẠN CHẾ LƯU THÔNG CỦA XE GẮN MÁY: KHÔNG THỂ KHÔNG LÀM!
Sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng thu nhập, tập trung dân cư ở đô thị và giá xe gắn máy ngày càng rẻ đã làm bộc lộ rõ nhất những yếu kém về năng lực quản lý đô thị, phát triển giao thông của các cơ quan Nhà nước qua hiện tượng KẸT XE. Đương nhiên trong đó có phần nào do yếu tố ý thức tuân thủ pháp luật hạn chế của người dân. Hậu quả là chỉ riêng các khoản lãng phí thời gian của xã hội, thiệt hại về sức khoẻ, tổn thất nhiên liệu và hao mòn xe hàng năm đã lên đến cả chục ngàn tỷ đồng (theo các báo cáo được trích dẫn trên báo chí). Đó là chưa kể một hậu quả nặng nề hơn luôn đi kèm theo: sự gia tăng tai nạn giao thông.
Sống trong các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội có vẻ như chúng ta ngày càng gặp nhiều hơn tình trạng kẹt xe (cùng với các hệ quả của nó) và phải cố điều chỉnh sinh hoạt của mình để thích nghi. Rất nhiều ý kiến, rất nhiều đề xuất đã được đưa ra. Từ việc cải thiện quy hoạch đô thị, mở thêm đường, phát triển giao thông công cộng… đến cấm xe, hạn chế đăng ký xe mới, tăng mức phạt cho các lỗi vi phạm giao thông, tăng cường giáo dục tuyên truyền…. Trong đó, hạn chế lưu thông xe gắn máy bằng cách thu phí là hướng được nhiều người quan tâm mặc dù cách thức triển khai vẫn còn chưa thống nhất.
II. GIẢI PHÁP DGC
DGC là viết tắt ba ký tự đầu của: Dữ liệu di động- Ghi hình- Cảnh sát. Giải pháp gồm ba nội dung chính:
(1) Chính quyền quy định phạm vi (các khu vực địa lý) và thời gian lưu thông trong ngày (các khoảng thời gian từ giờ nào đến giờ nào) tiến hành thu phí “chống kẹt xe”. Quy định bất cứ phương tiện giao thông cá nhân nào muốn đi vào khu vực hạn chế, trong giờ hạn chế lưu thông đều phải đóng phí trước khi vào (trừ các phương tiện không động cơ hoặc dùng động cơ điện). Nếu chưa đóng phí mà đi vào khu vực, trong thời gian hạn chế sẽ phải chịu phạt với mức 2-10 lần. Dữ liệu đóng phí theo từng bảng số xe sẽ được nhập ngay lập tức vào hệ thống và có thể truy cập được bằng cách dùng điện thoại di động nhắn tin SMS vào tổng đài giao thông (tương tự cách mọi người đang nhắn tin tham gia các cuộc bình chọn, chơi các trò chơi qua ĐTDĐ). Hệ thống đồng thời lưu giữ thông tin về các lỗi vi phạm chưa xử lý của từng xe.
(2) Ở các khu vực hạn chế, đặc biệt là các cửa ngỏ đi vào đó, chính quyền tổ chức ghi hình bằng thiết bị cố định, lưu động bảng số xe các phương tiện di chuyển trong khu vực, trong giờ hạn chế lưu thông. Từ phim, hình ảnh thu được, các bảng số xe vi phạm sẽ được nhập vào hệ thống dữ liệu. Phần mềm của hệ thống sẽ tích lũy số lỗi của từng xe, thời gian nộp phạt trễ (nếu có)…. Chính quyền sẽ tiến hành thông báo cho chủ sở hữu xe vi phạm bằng các phương tiện có thể như tin nhắn SMS vào ĐTDĐ, gởi thư, email, và công bố trên web, trên báo chí (để nhận được thông báo chủ xe phải đăng ký với chính quyền). Mặt khác, bất cứ ai, từ bất cứ số ĐTDĐ nào, đều có thể dùng tin nhắn SMS để truy cập kiểm tra tình trạng vi phạm của một xe bất kỳ (để chủ động đi đóng phạt hoặc khiếu nại).
(3) Cảnh sát giao thông sẽ thay đổi cơ bản về cách bắt lỗi vi phạm và xử phạt bằng việc chuyển chủ yếu sang hình thức kiểm tra xe dựa vào hệ thống dữ liệu di động nêu trên. Cụ thể là cảnh sát giao thông tuần tra trên toàn địa bàn phụ trách (cả các khu vực không bị hạn chế lưu thông) và tiến hành kiểm tra tại các bãi giữ xe công cộng, các bãi xe cơ quan xí nghiệp hay lập các chốt kiểm tra lưu động trên đường.
Cảnh sát giao thông dùng các loại thiết bị cầm tay lưu dữ liệu (handheld device) hoặc ĐTDĐ để kiểm tra các biển số xe đang hiện diện tại điểm đó. Với một thiết bị cầm tay (hoặc ĐTDĐ có bộ nhớ lớn) lưu toàn bộ dữ liệu các xe vi phạm, khi nhập bảng số xe đang kiểm tra vào máy sẽ cho ra kết quả về tình trạng vi phạm của xe đó (không cần kết nối với mạng lưới viễn thông). Hoặc người cảnh sát có thể dùng một ĐTDĐ đơn giản nhất có trên thị trường (có chức năng gởi và nhận tin nhắn SMS) để kiểm tra tình trạng vi phạm của một bảng số xe.
Nếu xe bị kiểm tra đang có vi phạm chưa đến mức nghiêm trọng, người cảnh sát chỉ đơn giản dán một thông báo lên xe cho chủ xe biết. Nếu xe có lỗi vi phạm nghiêm trọng (nhiều lỗi tích lũy, chây lì không đóng phạt… đến một mức độ nào đó) thì cảnh sát giao thông có thể tiến hành đưa xe về đồn (gởi thông báo cho chủ xe qua người giữ xe). Ngoài ra, thông tin vi phạm của xe cũng được chính quyền xét đến khi chủ xe muốn làm các thủ tục chuyển nhượng xe, kiểm định xe…. với chế độ gia tăng tiền phạt theo thời gian nộp trễ.
Để triển khai giải pháp này việc đầu tiên phải làm là sửa đổi Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động giao thông bằng việc trao cho chính quyền địa phương (có thể là UBND Tỉnh/TP) có quyền chủ động trong việc quy định về hình thức kiểm tra, các khu vực và các khoảng thời gian trong ngày áp dụng chính sách hạn chế lưu thông xe cá nhân, mức phạt.
Vấn đề các trạm thu phí “chống kẹt xe” ở “cửa ngõ” của các khu vực hạn chế lưu thông không quá khó. Ta lập ra các đại lý chỉ cần có một máy tính kết nối Internet hoặc một thiết bị cầm tay (hoặc ĐTDĐ) và trong khu vực có sóng của mạng viễn thông là có thể đưa vào hệ thống dữ liệu bảng số các xe đã đóng phí ngay sau khi đại lý nhận tiền. Ngoài ra, người sử dụng có thể thực hiện đóng phí “chống kẹt xe” một lần cho một tuần, tháng, quý hay cả năm (đóng trước) để giảm áp lực vào giờ cao điểm. Các đại lý bưu điện là đối tượng rất thích hợp.
Bên cạnh đó, chính quyền cần điều chỉnh lại các tuyến xe buýt theo hướng tăng tuyến tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu di chuyển bên trong khu vực hạn chế lưu thông; xây dựng các bãi gởi xe tại các “cửa ngõ” vào khu vực hạn chế lưu thông; tổ chức cho thuê xe đạp tại các “cửa ngõ” này phục vụ người dân có nhu cầu.
Trong thời gian đầu triển khai, sẽ chưa có được nhiều thiết bị ghi hình cố định, chính quyền có thể tiến hành ghi hình lưu động, có thể huy động lực lượng sinh viên/thanh niên tình nguyện tham gia công tác này và công tác nhập liệu bảng số xe vào hệ thống. Ngoài ra, cả trong trường hợp có xe thoát khỏi việc ghi hình, khi cảnh sát giao thông kiểm tra các xe đang dừng đậu tại khu vực hạn chế mà chưa thấy đóng phí vẫn có cơ sở để xử phạt. Khi hệ thống dữ liệu hoạt động ổn định, số máy ghi hình khá lớn, ta có thể áp dụng hình thức thu phí trả sau (trả sau khi lưu thông thay vì trả trước khi lưu thông như thời gian đầu). Khi hệ thống lưu trữ dữ liệu có thể tương tác với số lượng lớn tin nhắn đăng ký cùng lúc, ta có thể cho phép người dùng xe gắn máy đăng ký và thanh toán phí trực tiếp bằng ĐTDĐ của mình mỗi lần trước lúc lưu thông vào khu vực hạn chế.
Giải pháp này là khả thi cao vì:
· Các mô tả về kỹ thuật công nghệ của hệ thống dữ liệu di động nêu trên hoàn toàn làm được (với chi phí không quá cao) đồng thời ĐTDĐ (các thiết bị cầm tay) đang ngày càng rẻ và phổ biến trong xã hội, nhất là ở các đô thị lớn (giúp cho cảnh sát giao thông và người dân có thể truy cập được hệ thống dữ liệu). Chi phí vận hành hệ thống không lớn, có thể huy động sinh viên/ thanh niên tình nguyện tham gia một số công đoạn của việc triển khai giải pháp.
· Chính quyền địa phương có thể tiến hành từng bước bằng cách tăng dần số khu vực hạn chế, thời gian hạn chế và mức phạt. Ngoài ra các đối tượng như người dân sống trong khu vực hạn chế lưu thông, người làm nghề xe ôm/taxi, công chức các cơ quan nhà nước có thể dễ dàng được hệ thống trợ giá (nếu cần). Việc thu phí áp dụng một cách giới hạn (về phạm vi, thời gian, và mức phạt), áp dụng từng bước và có thể điều chỉnh dễ dàng sẽ giảm sự chống đối của dư luận xã hội (hiện là khó khăn lớn nhất của rất nhiều đề xuất khác).
III. CÁC LỢI ÍCH TIỀM NĂNG KHÁC
Ngoài lợi ích lớn nhất là giải pháp sẽ giúp hạn chế kẹt xe ở các khu vực, tuyến đường trung tâm bằng cách giảm số xe gắn máy tham gia lưu thông, giải pháp này còn là phương thức để giám sát các hành vi vi phạm luật giao thông liên tục 24/7 và rộng khắp địa bàn (khi có số máy ghi hình cố định đủ lớn).
Thực hiện quy trình mới, cảnh sát giao thông kiểm tra được nhiều xe hơn nên số trường hợp vi phạm phát hiện được (cả lỗi không đóng phí “chống kẹt xe” hay bất cứ lỗi giao thông nào mà máy ghi hình ghi được) chắc chắn cao hơn, đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, tính răn đe, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông cũng hiệu quả hơn. Ngoài ra, với thao tác của cảnh sát giao thông giới hạn lại chỉ còn kiểm tra cơ sở dữ liệu và dán thông báo vi phạm lên xe (hoặc tiến hành tạm giam xe) mà không trực tiếp viết biên bản, thu tiền phạt như hiện nay, thì năng suất làm việc tăng lên, vừa giảm nguy cơ tiêu cực, lạm quyền, giảm các tình huống cảnh sát giao thông dừng xe xử lý vi phạm làm ùn tắt giao thông trong giờ cao điểm.
Cuối cùng, việc ghi hình và lưu dữ liệu tham gia lưu thông của các xe cá nhân trên một phạm vi rộng sẽ có giá trị lớn về mặt thống kê, nghiên cứu và công tác an ninh.