Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông từ các cơ sở đào tạo và thi lấy bằng lái xe

Thứ tư, 21/03/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
    Đối với các cơ sở dạy lái xe và thi lấy bằng lái xe ô tô, xe máy: không nên chỉ chú trọng dạy và kiểm tra trình độ tay lái mà nên chú trọng rèn và thi rất nghiêm về thái độ chấp hành luật và ứng xử trên đường đối với những người tham gia giao thông khác. Nước Anh chỉ công nhận bằng lái xe của một số ít nước khác, còn lại hầu hết mọi người phải học...
Người gửi: Trần Anh Thư
E-mail: anh55th@gmail.com


Tôi có đọc nhiều bài viết về ATGT trên các báo nhưng thấy có một điểm mà hầu như chưa được nhắc tới đó là tăng cường giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông từ các cơ sở đào tạo và thi cấp bằng lái xe mô tô, ô tô.

    Tôi đã từng đi học và thi lái xe ô tô ở Việt Nam và ở nước ngoài nên có một số nhận xét góp ý để các cơ quan chức năng về ATGT xem xét, nghiên cứu có thể áp dụng ở Việt Nam. 

     Đối với các cơ sở dạy lái xe và thi lấy bằng lái xe ô tô, xe máy: không nên chỉ chú trọng dạy và kiểm tra trình độ tay lái mà nên chú trọng rèn và thi rất nghiêm về thái độ chấp hành luật và ứng xử trên đường đối với những người tham gia giao thông khác. Nước Anh chỉ công nhận bằng lái xe của một số ít nước khác, còn lại hầu hết mọi người phải học và thi lấy bằng lái xe của Anh và rất nhiều người đã lái xe nhiều năm ở các nước châu Âu và Mỹ nhưng vẫn bị đánh trượt ở Anh vì ứng xử với những người tham gia giao thông khác không phù hợp với qui định ở Anh.

     Ví dụ: khi gần đến vạch báo dành cho người đi bộ mà thấy có người muốn sang đường phải dừng cho họ đi qua (đối với ô tô, còn ở ta thì có thể qui định xe máy phải giảm tốc độ); đi đến ngã tư có biển báo “dừng – stop” thì mặc dù đường vắng vẫn phải dừng xe, quan sát rồi mới đi tiếp, nếu không dừng cảnh sát có thể phạt; phải nghiên cứu bản đồ tuyến đường mình định đi để biết phải rẽ phải, trái ở ngã tư nào mà chuyển làn cho phù hợp. Tôi thấy rất nhiều lái xe, nhất là xe ô tô cứ đi giữa đường, thậm chí bên kia phần đường, không báo rẽ sớm, đến sát ngã tư mới báo hiệu đèn rẽ cắt ngang phần đường rất nguy hiểm cho xe máy hoặc gây ùn tắc, v.v…

     Việc các thày dạy rèn học sinh của mình trong quá trình đào tạo làm cho họ có thói quen chấp hành tốt các luật lệ giao thông. Họ có thể tự học luật nhưng không được rèn luyện thì dễ sẵn sàng phạm luật vì người khác cũng làm thế hay vì không có cảnh sát giao thông đứng đó. Muốn vậy các cơ sở dạy lái xe nên chọn một số tuyến đường, giờ phù hợp để cho học viên tham gia giao thông trên đường phố để rèn luyện các kỹ năng xử lí hơn là chỉ học trong bãi hay đường quá vắng vẻ. (Khi tôi chỉ mới bắt đầu ngồi vào tay lái ở nước ngoài, thày dạy đã cho tôi ra phố tập luôn, tôi rất sợ vì ở nhà ban đầu phải tập trong bãi không có ai, nên đề nghị cho tôi vào bãi tập nhưng thày không nghe, nói phải ra đường để tập xử lý, rèn luyện tâm lí…)

     Hơn nữa, với thời gian xếp hàng chờ thi lấy bằng trung bình là 6 tháng, các thí sinh sẽ phải ôn luyện lái xe và chấp hành luật lệ giao thông, tập ứng xử cho thành thạo, tạo thành thói quen chấp hành luật. Số thí sinh đi thi đỗ ngay lần đầu chỉ khoảng 20%. Hầu hết là phải 2-3 lần mới đỗ. Cá biệt có đến mấy chục lần. Họ không sợ bắt thí sinh phải đợi lâu mới đến lượt thi vì vấn đề an toàn trên đường là trên hết. Tạo thói quen đó là yêu cầu bắt buộc để việc chấp hành luật được lâu dài chứ không chỉ theo đợt như hiện nay vẫn làm.

     Khi đi thi, giám khảo rất chú trọng việc chấp hành luật và ứng xử trên đường, xe quay đầu có thể chưa thật chuẩn xác nhưng nếu khi thay đổi tốc độ, rẽ mà không nhìn gương, không quay đầu quan sát, không nháy đèn, v.v là đã bị đánh trượt. Trong bài thi có chia ra ba loại lỗi: lỗi nhẹ, lỗi gây nguy hiểm và lỗi nặng. Có thể phạm mười mấy lỗi nhẹ vẫn đỗ nhưng chỉ cần một lỗi gây nguy hiểm (ví dụ có xe sau mà khi rẽ không nhìn gương) thì dù chỉ phạm một lỗi đó vẫn bị trượt. Không nhìn gương lúc không có xe xung quanh thì có thể là lỗi nhẹ, nhưng nếu có xe xung quanh thì là lỗi gây nguy hiểm. Còn nếu là lỗi nặng thì dừng cuộc thi ngay lập tức. Sau mỗi cuộc thi đều có biên bản chấm thi gửi cho thí sinh để họ biết sai đâu mà sửa.

    Có nước đã đưa vào phần thi lý thuyết các băng video clip quay các tình huống thực tế trên đường, làm trên máy tính (khoảng hơn 10 clip một lần thi) để thí sinh phát hiện các tình huống nguy hiểm trong băng, kịp thời báo để cảnh giác, báo ngay khi tình huỗng xuất hiện thì nhiều điểm, báo chậm hơn thì mất điểm, mỗi clip chỉ trong vòng 30 giây – 1 phút.

     Bên cạnh đó là việc xử phạt nghiêm minh những người phạm luật. Tiền là một chuyện và cần thiết phải phạt nghiêm, đủ sức răn đe, nhưng nếu bị phạt 2-3 lần thì có thể thu bằng bắt đi học lại, thi lại. Mà mỗi lần đăng kí để thi lại cả nửa năm trời thì chẳng ai muốn phạm luật để bị thu bằng vì mỗi lần nghe đến đi thi lấy bằng lái xe là khiếp!

     Để nghiêm minh cần tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở dạy và thi lái xe hạn chế tối đa chuyện hối lộ, thi hộ, v.v… 

    Trên đây là một số góp ý về việc nâng cao ý thức chấp hành luật thông qua giáo dục tại các cơ sở dạy và thi lái xe. Việc nâng cao ý thức của dân chúng trên TV là cần thiết nhưng có lẽ chỉ có hiệu quả đối với người đi bộ và đi xe đạp, còn đối với xe máy và ô tô thì nên tạo thành thói quan từ các cơ sở đào tạo hay thi lấy bằng.

Trần Anh Thư:anh55th@gmail.com

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)