Thời gian qua, số lượng phương tiện giao thông đường bộ ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh. Tính đến tháng 9-2007, Hà Nội có hơn 200 nghìn xe ô-tô các loại, gần 2,1 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp và hàng trăm xích-lô. Bình quân mỗi ngày có thêm 700 xe mô-tô và từ 120 đến 140 xe ô-tô được đăng ký mới, chưa kể các phương tiện của T.Ư, cơ quan ngoại giao, xe ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn thành phố. TP Hồ Chí Minh, mỗi tháng có 960 ô-tô và 38 nghìn xe máy đăng ký mới, dự kiến mỗi năm tăng thêm gần 15 nghìn xe ô-tô dưới 10 chỗ ngồi và 454 nghìn xe mô-tô tham gia giao thông, đưa tổng số phương tiện hiện đang quản lý lên gần 145 nghìn xe ô-tô và hơn 3,2 triệu xe mô-tô, ngoài ra, số lượng xe mang biển kiểm soát các tỉnh, chiếm khoảng 20%.
Phương tiện giao thông phát triển nhanh, cơ cấu tham gia giao thông hỗn hợp, phức tạp, với 25,3% là xe đạp, xe máy 63,2%, xe con 3,6%, xe tải 1,1%, còn xe buýt chỉ chiếm 6,7%, nhưng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng cho giao thông lại chậm được nâng cấp, mở rộng, nhất là các phương tiện giao thông công cộng, tuyến đường vành đai, hệ thống cầu vượt được xây dựng mới không theo kịp tốc độ phát triển của các phương tiện cá nhân, làm cho cơ sở hạ tầng đô thị bị quá tải và xuống cấp nhanh, sự cố tắc đường liên tục xảy ra cả trong và ngoài giờ cao điểm, tại nhiều tuyến đường giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ðể giải bài toán giảm ách tắc giao thông trên các đường phố nội đô, Cục Ðường bộ Việt Nam (Cục ÐBVN) vừa đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế lưu thông các phương tiện cá nhân. Trong đó tập trung vào một số biện pháp chính.
Một là, tăng phí đăng ký và thu phí lưu hành phương tiện. Trong đó đề nghị tăng lệ phí đăng ký phương tiện mới bằng từ 30 đến 50% giá trị của phương tiện, đồng thời phương tiện lưu hành trong nội đô vào giờ cao điểm tại một số tuyến phố có mật độ giao thông lớn sẽ phải nộp một khoản phí theo ngày hoặc tháng. Các khoản thu trên sẽ dùng để hỗ trợ lại cho việc cấp vé đi xe buýt miễn phí cho một số đối tượng như học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức...
Hai là, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, bằng cách bố trí các điểm đỗ cho phương tiện ngoại tỉnh tại các đường vành đai trước khi vào nội đô; tổ chức xe buýt đưa đón học sinh đi học theo khu vực; tuyên truyền đi bộ với cự ly ngắn, trước hết với đối tượng là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Trong giờ cao điểm cấm ô-tô chỉ có một lái xe lưu thông trên đường tại một số tuyến phố.
Ba là, cấm tham gia giao thông vào giờ cao điểm đối với các loại xe thồ, xe thô sơ chở cồng kềnh đi vào thành phố tại một số tuyến phố, nhất là cấm xe thồ, xe xích-lô, xe ba gác, người đi bộ mang quang gánh...
Ðây là những giải pháp kinh tế-hành chính nhằm hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân trong nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, được Cục ÐBVN và một số vụ chức năng liên quan soạn thảo, và xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trước khi trình Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định, nhằm góp sức cùng UBND Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
Một số giải pháp được đồng tình ủng hộ, như nghiên cứu mạng lưới các trường mầm non, tiểu học để tổ chức xe buýt đưa đón học sinh đi học theo khu vực, giảm tải việc đưa đón của các phụ huynh; phát miễn phí vé đi xe buýt hoặc trợ giá vé đi xe buýt đối với học sinh, sinh viên; cấm xe thô sơ, chở hàng cồng kềnh đi vào các tuyến phố trong giờ cao điểm...
Nhưng cũng có những đề xuất của Cục ÐBVN không sát thực tế, thiếu tính khả thi. Thí dụ, hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm gánh nặng cho người dân bằng việc bãi bỏ, giảm nhiều khoản phí và lệ phí, thì Cục ÐBVN lại đề nghị tăng lệ phí đăng ký và thu phí lưu thông, với mức thu lệ phí đăng ký phương tiện mới lên tới 30%-50% giá trị phương tiện. Việc thu phí lưu hành 20.000 đồng/ngày đối với xe ô-tô và 10.000 đồng/ngày đối với xe máy khi đi vào một số tuyến phố trong giờ cao điểm do ai thu và tổ chức thu như thế nào?
Hay lại giao cho phường lập barrie, rào đường bán vé thu tiền lưu thông, như kiểu tổ chức trông giữ xe đạp, xe máy hiện nay. Giải pháp cấm xe ô-tô chỉ có một lái xe lưu thông trên đường tại một số tuyến phố trong giờ cao điểm, chẳng khác gì cấm lái xe cơ quan đi đón thủ trưởng, xe ta-xi đi đón khách, xe gia đình đi đón vợ, con...
Sau khi có sự phân cấp quản lý hè đường cho phường, quận hầu hết các tuyến vỉa hè của Hà Nội đã bị băm nát, phân chia cho các tổ tự quản của phường làm điểm trông giữ xe, làm gì còn hè dành cho người đi bộ mà tuyên truyền đi bộ, hay là đi xuống lòng đường? Phương án cấm xe máy mang biển kiểm soát ngoại tỉnh vào thành phố từng bị dư luận người dân phản đối và chính quyền đã phải hủy bỏ, nay Cục ÐBVN lại định bố trí điểm đỗ cho phương tiện ngoại tỉnh tại các đường vành đai, thì cũng chẳng khác gì cấm xe ngoại tỉnh vào nội đô như "sáng kiến" trước đây.
Theo chúng tôi, những giải pháp hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân mà Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hay Cục ÐBVN đưa ra trong thời gian qua chỉ mang tính tình thế. Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, bản thân ngành giao thông không thể làm được, bởi đây là hậu quả của phát triển đô thị không theo quy hoạch và nhiều bất cập.
Mỗi năm TP Hồ Chí Minh chỉ dành khoảng 6% quỹ đất cho giao thông, trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 20%. Hà Nội, tập trung đầu tư nhiều tỷ đồng nâng cấp hệ thống đường giao thông nội đô và mở rộng các đường vành đai, nhưng hiệu quả chưa cao. Tuyến đường vành đai ba từ Mai Dịch đến Pháp Vân, dài hơn 20 km, triển khai hơn 10 năm nay, đến nay mới thông một đoạn khoảng 6 km; cầu Thanh Trì thông xe đã một năm, nhưng đường lên cầu còn lâu mới có; các tuyến đường đang mở dở dang như Kim Liên-Ô Chợ Dừa đi Cầu Giấy, Trần Khát Chân-Nguyễn Khoái... chưa biết bao giờ mới xong. Trong khi đó, công tác quy hoạch, phát triển đô thị của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại chắp vá.
Hàng trăm khu đô thị mới được xây dựng trong thời gian qua, thu hút nghìn hộ gia đình đến sinh sống, nhưng chủ đầu tư chỉ chăm chú vào việc xây dựng nhà cao tầng, biệt thự, nhà phân lô để bán kiếm lời, không quan tâm đến hạ tầng cơ sở, như đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước bên ngoài khu đô thị. Tình trạng cấp phép xây dựng tòa nhà văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê, nhà chung cư cao 20 đến 30 tầng trong các tuyến phố cũ tràn lan... đang là mối lo gây ắch tắc giao thông.
Chỉ riêng trên địa bàn phường Phạm Ðình Hồ, quận Hai Bà Trung, Hà Nội trong vòng bán kính 100 m, hiện có tới bốn tòa nhà dùng làm văn phòng, khách sạn và nhà ở, cao trên dưới 20 tầng. Các công trình này đã và đang đi vào sử dụng, với hàng trăm loại phương tiện ra, vào thì tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này là không thể tránh khỏi.
Ðể giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần có bước đột phá trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị. Hạn chế sự gia tăng của các phương tiện cá nhân không phải bằng các biện pháp hành chính-kinh tế, mà phải bằng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại được bố trí khoa học và thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
Một là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường vành đai, cầu vượt đường bộ, hầm chui, đường sắt trên cao, đồng thời tằng cường các phương tiện giao thông công cộng, như xe buýt, ta-xi, tàu điện ngầm...
Hai là, nghiên cứu, quy hoạch xây dựng các trường đại học, bệnh viện ra ngoài khu vực các quận nội thành, thậm chí bố trí ra các tỉnh lân cận, như một thời đã từng làm tại tỉnh Vĩnh Phúc, với các tuyến xe buýt thuận tiện để giảm tải lượng phương tiện cá nhân đi lại trong nội thành.
Ba là, quy hoạch phát triển các khu đô thị hành chính - kinh tế để bố trí cho các Bộ, ngành, cơ quan xây dựng trụ sở làm việc tại các khu vực có tuyến đường giao thông thuận tiện; không cấp phép xây dựng các tòa nhà chung cư, văn phòng cho thuê cao tầng xây chen trong các tuyến phố chính, nhất là các phố cổ có mật độ giao thông cao.