Đổi mới quy định về đào tạo và sát hạch cấp GPLX góp phần hạn chế TNGT

Thứ năm, 18/10/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm qua, mặc dù đã có sự đầu tư về thiết bị, phương tiện ở các cơ sở đào tạo và đặc biệt là việc xây dựng các trung tâm sát hạch lái xe chấm điểm tự động tập trung đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe.

Trong những năm qua, mặc dù đã có sự đầu tư về thiết bị, phương tiện ở các cơ sở đào tạo và đặc biệt là việc xây dựng các trung tâm sát hạch lái xe chấm điểm tự động tập trung đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe. Tuy nhiên do việc đầu tư còn thiếu đồng bộ giữa các trung tâm và giữa các vùng miền khác nhau, cộng với những bất cập về kinh phí đào tạo và đặc biệt là do nhận thức về công tác đào tạo sát hạch lái xe của các cơ quan quản lý; cơ sở đào tạo và cũng như của xã hội đối với lĩnh vực này còn mang những căn bệnh chung là: tiêu cực trong thi cử; bệnh thành tích và quan niệm kiếm được chiếc bằng (giấy phép) lái xe để hành nghề mà bất chấp kiến thức cơ bản ở trình độ nào.

Một điều rất mâu thuẫn hiện nay là trong khi ở các nước đã và đang phát triển, phương tiện ôtô đa phần là hiện đại, rất dễ điều khiển vì có tính tự động cao, đường sá chuẩn mực, hầu như không có giao cắt đồng mức và ý thức tham gia giao thông của người dân rất cao thì việc học và thi để có một tấm bằng lái xe ở họ cũng rất khó khăn và tốn kém. Trong lúc đó, ở Việt Nam việc này lại quá đơn giản; kỹ năng thực hành tay lái; hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ đa phần còn chưa thành thạo dẫn đến chủ quan coi thường khi tham gia giao thông và hậu quả đáng tiếc đã và đang xảy ra hàng ngày trên các tuyến đường của đất nước là hệ quả tất yếu của tình trạng này. Vì vậy người viết bài này kiến nghị:

Về chương trình: Cần tăng số lượng câu hỏi trong đề thi lên 80 hoặc 100 câu và phải trả lời đúng được 90% số câu hỏi trở lên mới đạt yêu cầu (đề hiện tại chỉ có 30 câu). Trong đó cũng cần loại bỏ những câu không gắn liền với trách nhiệm người lái xe kiểu như câu hỏi có mấy loại dải phân cách... mà cần tăng số câu hỏi về biển báo giao thông.

Các câu hỏi cũng cần tránh tạo ra quy luật trả lời dẫn đến không cần hiểu nội dung mà chỉ cần biết mẹo trả lời là làm được bài thậm chí làm rất nhanh trong khi không cần hiểu thực chất ý nghĩa của câu hỏi. Thời gian làm bài cũng chỉ nên vừa đủ vì để lâu dễ gây tiêu cực.

Về phân loại giấy phép lái xe: Với cách đào tạo kiểu cấp tốc như hiện nay thì việc quy định lại các hạng GPLX là biện pháp quan trọng để người điều khiển phương tiện rèn luyện thêm kỹ năng khi điều khiển các loại xe có tải trọng lớn từ 10T trở lên hoặc các loại xe siêu trường siêu trọng hay xe chở khách, nhất là xe khách liên tỉnh và xe tải đường dài. Bởi, theo quy định hiện tại thì người đủ 21 tuổi có thể được cấp giấy phép lái xe hạng C hoặc hạng D tức được phép điều khiển các loại xe container; xe siêu trường siêu trọng hoặc xe khách đến 30 chỗ ngồi trên các tuyến đường dài liên tỉnh là không bảo đảm an toàn về năng lực hành vi cũng như về kinh nghiệm và kỹ năng xử lý trên đường.

Ngoài ra về tuổi đời của phương tiện theo NĐ110/CP của Chính phủ cũng đã có những thay đổi quan trọng. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn tốt hơn, đối với xe khách đường dài tuyến cố định và xe hợp đồng, nếu cự ly tuyến hoạt động dài trên 500km cần phải có quy định tuổi đời của xe không được quá 10 năm. Bởi trong điều kiện khai thác hiện nay, các xe đường dài liên tỉnh có thể đạt từ 12 vạn km đến 15 vạn km/năm và như vậy thời hạn 10 năm là quá mức về số km khai thác cho phép để phương tiện có thể bảo đảm hoạt động an toàn.

Nguyễn Văn Bạt (Thừa Thiên - Huế)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)