Đây là quyết tâm của Chính phủ, Bộ GTVT và các tổ chức xã hội được thể hiện tại Hội nghị bàn về “Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội tuần qua.
Hội nghị tiếp thu các ý kiến đóng góp vào báo cáo cuối kỳ về Chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đường bộ do Bộ GTVT phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tổ chức thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo giới và xã hội bởi tai nạn giao thông đang là vấn đề cực kỳ bức xúc.
Tổn thất quá lớn
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người tử vong do TNGT trên toàn cầu. Đại diện Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu cho biết, số nạn nhân này sẽ tăng thêm 65% trong vòng 20 năm tới, chủ yếu là ở các quốc gia đang phát triển. TNGT sẽ là nguyên nhân thứ 3 dẫn đến gánh nặng bệnh tật và thương tích toàn cầu vào năm 2020 nếu không có những cam kết mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh: Mặc dù trong những năm qua Đảng và Chính phủ rất ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông. Diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện một bước đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự gia tăng nhanh của phương tiện giao thông. Cùng với sự bùng nổ của các phương tiện cơ giới đường bộ, tốc độ đô thị hóa cao và kết cấu hạ tầng giao thông bất cập, TNGT ở Việt Nam liên tục tăng trong nhiều năm. Chỉ bắt đầu từ năm 2003, số vụ tai nạn mới có xu hướng giảm, tuy nhiên tính bền vững chưa cao.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, đảm bảo ATGT là vấn đề mang tính xã hội cấp bách, tuy nhiên sự yếu kém về nhiều mặt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, công trình và trang thiết bị đảm bảo ATGT còn thiếu, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt đã làm hạn chế những nỗ lực trong “cuộc chiến” đẩy lùi TNGT. Tính riêng trong năm 2010, Việt Nam đã có 11.499 người chết vì TNGT. Việc xây dựng một chiến lược quốc gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân để giảm thương vong, thiệt hại do TNGT là hết sức cấp thiết.
Giảm số người chết do TNGT còn 8 người/100 ngàn dân vào năm 2020
Báo cáo cuối kỳ về Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 được trình bày tại hội nghị đưa ra mục tiêu đến năm 2020 giảm số người chết do TNGT từ 13 người (năm 2009) xuống 8 người, đến năm 2030 xuống còn 4 - 6 người tính cho 100.000 người dân.
Để đảm bảo trật tự ATGT đường bộ quốc gia, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư 77 dự án, chương trình đảm bảo ATGT cho 2 giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 với tổng kinh phí hơn 41.000 tỷ đồng.
Trong 5 năm tới, sẽ đầu tư 45 chương trình, dự án ưu tiên với tổng số vốn trên 34.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư vào kết cấu cơ sở hạ tầng trên 32.000 tỷ, ứng dụng giao thông thông minh (ITS) với 500 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, đầu tư vào 32 dự án với số vốn trên 6.500 tỷ đồng, chủ yếu vẫn tập trung vào 3 lĩnh vực cốt yếu là kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng ITS và tổ chức giao thông. Báo cáo đưa ra chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong đó nhắm tới xây dựng kết cấu hạ tầng dành riêng cho mô tô, xe gắn máy; đảm bảo ATGT cho đường cao tốc; xây dựng hoàn thiện hệ thống thẩm định ATGT đường bộ; cải tạo các điểm đen TNGT; sớm đưa vào sử dụng quỹ Bảo trì đường bộ; áp dụng các công trình và trang thiết bị đảm bảo AT. Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và nhiệm vụ xây dựng chiến lược cho từng lĩnh vực như tổ chức giao thông, đăng kiểm và quản lý phương tiện, đào tạo và cấp giấy phép lái xe, tuyên truyền và giáo dục về ATGT, cứu hộ, cứu nạn và công tác cưỡng chế thi hành pháp luật về ATGT.
Đại diện Jica cho rằng, Việt Nam gặp khó khăn trong việc đảm bảo ATGT do thiếu kinh phí và nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm, kiến thức triển khai... Do đó, để chiến lược bảo đảm trật tự ATGT có hiệu quả cao, cần xây dựng chiến lược thu hút hiệu quả nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hơn nữa. Chính quyền Trung ương phải tăng cường hỗ trợ địa phương phát triển nhân lực về ATGT...
Bà Trần Thị Ngọc Lan, Cục Quản lý môi trường y tế lại nhấn mạnh công tác sơ cấp cứu ban đầu đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu những tổn thất. Điều tra tại một số tỉnh, thành (giai đoạn 1999 trở lại đây) cho thấy chỉ có 30% nạn nhân TNGT được sơ cấp cứu tại hiện trường. Trong đó, chỉ có 10% trường hợp được sơ cấp cứu bởi các nhân viên y tế. Trên 50% số trường hợp bị thương tích giao thông đường bộ được đưa đến các cơ sở y tế bằng xe máy mà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế nào. Khả năng đáp ứng cấp cứu tại nhiều cơ sở y tế còn chưa đạt tiêu chuẩn để đảm bảo chăm sóc chấn thương thiết yếu theo hướng dẫn của WHO.
Trong 1 ngày làm việc, hội nghị đã lắng nghe nhiều đánh giá, trao đổi và ý kiến của đại diện các bộ, ban, ngành, các tỉnh thành trong cả nước và chuyên gia nước ngoài vào dự thảo Chiến lược. Có thể thấy, những kiến nghị, từ các cấp, ngành sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT, Chính phủ xem xét, hoàn thiện Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; đưa hệ thống quản lý, hạ tầng, đảm bảo trật tự ATGT nước ta phát triển lên một tầm cao mới; hạn chế thấp nhất những tai nạn rủi ro trong giao thông.
Đang Kết (Theo báo GTVT)