Nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông (ATGT) cũng như giảm thiểu tình trạng ùn tắc trước cổng trường trong những giờ cao điểm, nhiều trường học tại TP.HCM đã có các hình thức, biện pháp khắc phục rất hữu hiệu. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt thì cần sự hợp tác từ nhiều phía và đòi hỏi ngay chính các trường phải linh động trong công tác giáo dục, tuyên truyền Luật Giao thông cho các em học sinh (HS).
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông (ATGT) cũng như giảm thiểu tình trạng ùn tắc trước cổng trường trong những giờ cao điểm, nhiều trường học tại TP.HCM đã có các hình thức, biện pháp khắc phục rất hữu hiệu. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt thì cần sự hợp tác từ nhiều phía và đòi hỏi ngay chính các trường phải linh động trong công tác giáo dục, tuyên truyền Luật Giao thông cho các em học sinh (HS).
“Đánh” vào ý thức HS
Đó là cách làm mà bấy lâu Trường Tiểu học (TH) Điện Biên (Q.10) đã thực hiện nhằm giúp các em HS chấp hành Luật ATGT để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Trường TH Điện Biên nằm cách xa con đường Điện Biên Phủ gần 200m nên không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, thuận lợi cho các bậc phụ huynh (PH) trong việc đưa, đón con ngay trước cổng trường. Thế nhưng trường lại nằm ngay phía tay trái của làn đường một chiều. Chính điều này gây nhiều khó khăn và nguy hiểm cho PH cũng như HS. Nhận thấy cần bảo đảm ATGT cho PH và HS, thầy cô Trường TH Điện Biên đã chủ động liên hệ với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIPF) cấp và phát mũ bảo hiểm cho các em HS ngay từ những năm cả nước chưa áp dụng luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy.
Các em HS đã xem chiếc mũ như một phần đồng phục của mình, thậm chí nhiều em thấy bạn bè có mà mình không có cũng đòi ba mẹ mua cho một cái. “Việc các em yêu thích chiếc mũ đó là một sự thành công lớn trong công tác giáo dục ATGT. Bởi ở lứa tuổi này, trẻ chưa ý thức được nhiều về ATGT thế nên chỉ cần các em thích đội mũ bảo hiểm là tốt rồi” - thầy Trần Minh Như - Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Bên cạnh đó, HS Trường TH Điện Biên còn được tham gia các tiết về giáo dục ATGT. Để học đi đôi với hành, nhà trường đã đưa ra nhiều phong trào, cổ vũ các em HS tham gia như: phong trào làm nhiếp ảnh gia nhí, qua đó các em có thể chụp, ghi nhận những hành vi vi phạm Luật ATGT của người đi đường hay thi viết văn hoặc vẽ tranh về Luật ATGT… Khi đó có điều kiện, nhà trường còn đưa các em đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm những người bị tai nạn giao thông, giúp em thấy được các mức độ nguy hiểm của việc vi phạm Luật ATGT.
Cho đến nay, công tác giáo dục ATGT tại Trường TH Điện Biên đã đi vào nề nếp.
Đa dạng cách làm
Trường TH Trần Nguyên Hãn (Q.8) nằm ngay lề đường Trần Nguyên Hãn. Đường không rộng lại nhiều xe lưu thông nên cảnh ùn tắc giao thông luôn diễn ra khi PH đến đưa rước con em mình. Vài năm gần đây, nhà trường đã khắc phục tình trạng này rất hiệu quả. “Đầu giờ, trường không cho xe PH vào, nhưng đến cuối giờ, các bậc PH có thể vào đến 2/3 sân trường để đón HS ra về. Nhằm tránh ùn tắc, nhà trường chia lịch cho khối 1 về vào lúc 16h và các lớp khác lần lượt ra về với quãng thời gian cách nhau 10 phút. Bên cạnh đó, nhà trường còn mở thêm cổng phụ cho giáo viên và những em HS có nhu cầu đi bộ. Với cách làm này, trường hợp chen lấn, xô bồ, gây ra ùn tắc giao thông tại cổng trường giảm đáng kể, cô Nguyền Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Để đảm bảo việc HS được đúng người nhà đón về, tránh kẻ lạ mặt dụ dỗ, cổng trường chính luôn có hai bảo vệ giám sát không cho các em tự ý ra vào. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với Đội trật tự đô thị nhằm tham gia phân luồng, giải tỏa các xe bán hàng rong trước cổng trường. Thế nên, với gần 1.300 HS, số lớp bán trú lên đến 24 lớp, ra về cùng lúc trong khuôn viên trường nhỏ, đường lưu thông hẹp, nhưng việc ùn tắc rất ít khi xảy ra.
So với Trường TH Trần Nguyên Hãn, Trường TH Âu Dương Lân (Q.8) có số HS đông gần gấp đôi. Tuy có khuôn viên khá rộng, nhưng trường lại không cho PH vào sân trường chờ đón con. Vì thế, PH phải đứng trên vỉa hè trước cổng nhưng phải đứng theo quy định. Nếu bên trái là lớp 1 thì bên phải là lớp 2, do vậy PH dễ dàng nhìn thấy con cũng như HS dễ nhận ra ba mẹ của mình. Và mỗi khối lớp ra về cách nhau 10 – 15 phút. Điều đặc biệt là mỗi tuần, các em có số tiết học không đồng đều nên nhà trường phát cho mỗi PH một lịch tan trường để đưa đón. Nhờ vậy mà mặc dù đứng trên vỉa hè đón con nhưng cả HS và PH vẫn được đảm bảo an toàn về giao thông.
Để việc thực hiện công tác ATGT đạt hiệu quả, các trường nên dán trong sân, trước cổng những băng rôn, khẩu hiệu về chấp hành Luật ATGT. PH khi đưa, đón con cần đội mũ bảo hiểm bởi việc làm này tác động đến trực quan của trẻ, cô Lê Huỳnh Diễm Thùy, Hiệu trưởng Trường TH Âu Dương Lân chia sẻ.
Bao GD TP. HCM