Hễ xảy ra tai nạn, trên tuyến kênh Chợ Gạo là xảy ra ùn tắc giao thông, hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên TP Hồ Chí Minh và ngược lại không lưu thông được, số lượng phương tiện nhiều mỗi ngày khoảng 1500 lượt. Thiệt hại về kinh tế là không thể tránh khỏi, ùn tắc giao thông trên kênh Chợ Gạo làm đau đầu các nhà quản lý đường sông, trong nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết được, vậy giải pháp nào bảo đảm an toàn giao thông cho tuyến vận tải thủy huyết mạch này?
Kênh Chợ Gạo là tên gọi tắt của 3 tuyến Rạch Lá - kênh Chợ Gạo - Rạch Kỳ Hôn có chiều dài 28,5 km, tuyến bắt đầu từ ngã ba sông Vàm Cỏ và kết thúc ở ngã ba sông Tiền. Đây là tuyến kênh cấp III, có nhiều khúc cong, cua, luồng chạy tầu hẹp và là tuyến giao thông thủy độc đạo nối TP. Hồ Chí Minh và miền Tây. Nhưng do số lượng phương tiện vận tải trong mấy năm gần đây phát triển mạnh, số trọng tải cũng tăng lên làm cho kênh Chợ Gạo vốn hẹp nay lại phải gánh thêm một số lượng lớn phương tiện, đã tạo cho giao thông thủy nơi đây thêm phức tạp, nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông rất cao. Đã vậy cầu Chợ Gạo có hai trụ án ngữ trên kênh cũng làm cho luồng chạy tàu đã hẹp lại càng hẹp hơn, với khoang thông thuyền chỉ có 26m, phương tiện qua lại chỉ dám đi hàng 1. Bên cạnh đó, các phương tiện khi qua đây không chịu tăng tốc mà cố tình đi chậm để lợi dụng con nước, do đó các phương tiện bị dồn lại, vì nước vào kênh được dồn từ 2 đầu kênh, điểm giáp nước lại cách cầu Chợ Gạo khoảng 500 m, nên chỉ cần người điều khiển chủ quan là tai nạn sẽ xảy ra và gây ùn tắc giao thông trên kênh là điều không tránh khỏi.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Đoạn Quản lý đường sông số 11 và Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Tiền Giang cùng Ban Thanh tra giao thông đường thủy phía Nam đã phối hợp điều tiết giao thông tại đây và Cục Đường sông Việt Nam đã đồng ý thành lập trạm điều tiết trên kênh, thành lập Ban chỉ đạo về kênh Chợ Gạo. Để giải quyết bài toán mở rộng luồng trên kênh Chợ Gạo, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý cho Ban Quản lý các dự án giao thông 9 làm chủ đầu tư để xây dựng cầu Chợ Gạo cũ và cầu Chợ Gạo mới sẽ được khởi công trong thời gian tới. Các khảo sát đã hoàn thành, cầu Chợ Gạo mới được xây cách cầu cũ 500 m về phía Rạch Lá, cầu có khoang thông thuyền rộng 90m, như vậy 2 trụ cầu Chợ Gạo mới sẽ nằm giáp bờ kênh. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến của địa phương muốn giữ cầu Chợ Gạo cũ, vốn đã gắn bó với người dân nơi đây. Nếu địa phương muốn giữ cầu Chợ Gạo cũ bên cạnh cầu mới thì bài toán cho giao thông thủy trên kênh Chợ Gạo không có gì thay đổi, ách tắc vẫn xảy ra, luồng không thông thoáng, do đó không có lý do gì có thể để cây cầu Chợ Gạo đã xuống cấp và gây cản trở giao thông thủy trong thời điểm hiện nay.
Về lâu dài, kênh Chợ Gạo cần phải nạo vét, vì hiện trên kênh có gần 130 điểm sạt lở, trong đó gần 120 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, đã có nhiều nhà bị lôi xuống kênh và tai nạn chết người do sạt lở gây ra. Lòng kênh giờ đây không còn hình chữ U nữa mà chuyển thành hình chữ V, do đó cần phải có dự án toàn diện để nạo vét và kè bờ kênh. Hiện đã có một số đối tác xin đầu tư nạo vét và kè bờ khoảng 10km qua thị trấn Chợ Gạo theo hình thức BOT, nhưng chỉ kè 10km qua thị trấn thì không giải quyết toàn diện được và thu phí phương tiện ở dưới nước sẽ như thế nào?
Đây là tuyến giao thông độc đạo, ách tắc xảy ra, hàng hóa từ miền Tây lên TP. Hồ Chí Minh không lên các cảng được, do đó cần có phương án làm thêm một tuyến vận tải mới đáp ứng được các phương tiện từ Đồng Tháp Mười đi lên và các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ đi lên TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Trước đây có tuyến kênh sáng Nguyễn Văn Tiếp đi từ Đồng Tháp lên và tuyến kênh sáng Long Định đi từ sông Tiền vào, nhưng cả 2 tuyến này đều phải qua cống Rạch Chanh - một cống thủy lợi. Cũng có nhiều ý kiến đề xuất Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn nên đập bỏ cống này để bảo đảm có một tuyến tránh và giảm áp lực giao thông thủy cho kênh Chợ Gạo. Đây là một vấn đề lớn cần có sự phối hợp của Bộ GTVT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, do đó cần có sự bàn bạc và đi đến thống nhất để vừa bảo đảm được giao thông đồng thời không ảnh hưởng đến thủy lợi.
Ông Sỹ Văn Khánh - Phó Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam cho biết: Trước mắt cần có một dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo từ cấp III lên cấp I để đáp ứng nhu cầu vận tải của các tỉnh miền Tây lên TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, nó sẽ toàn diện về luồng, tuyến với cầu và kè 2 bờ phục vụ cuộc sống dân sinh. Có như vậy mới giải quyết được ùn tắc qua kênh Chợ Gạo và cũng cần có giải pháp giảm áp lực giao thông cho tuyến vận tải quan trọng này.
Khánh Lê