Từ năm 2007 đến nay, Sở GD&ĐT Bắc Giang xây dựng thí điểm thành công 33 mô hình "Cổng trường tự quản ATGT". Nhờ đó, trật tự ATGT tại các cổng trường đã có những chuyển biến tích cực.
Từ năm 2007 đến nay, Sở GD&ĐT Bắc Giang xây dựng thí điểm thành công 33 mô hình "Cổng trường tự quản ATGT". Nhờ đó, trật tự ATGT tại các cổng trường đã có những chuyển biến tích cực.
Tại Trường THPT Yên Dũng 1, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), sau khi triển khai xây dựng mô hình "Cổng trường tự quản ATGT", Ban giám hiệu chỉ đạo Đoàn trường thành lập "Đội xung kích ATGT" với 48 đoàn viên, thanh niên luân phiên chốt trực hàng ngày vào giờ tan trường, đến trường ở khu vực cổng trường.
Đồng thời, đầu tư kinh phí mua máy ảnh ghi lại hình ảnh giáo viên, học sinh vi phạm pháp luật ATGT khi lưu thông. Nhà trường quy định mỗi trường hợp vi phạm bị phát hiện phải nộp phạt 10.000 đồng vào Quỹ ATGT nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT.
Hàng tháng, nhà trường mời CSGT tư vấn, kẻ vạch sơn phân làn giao thông, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc, mất trật tự ATGT cổng trường. Cùng đó, mở thêm cổng phụ, bố trí lệch giờ tan học giữa các khối lớp, không để xảy ra ùn tắc giao thông quá 15 phút ở khu vực cổng trường.
Thầy Trần Văn Minh, Phó bí thư đoàn Trường THPT Yên Dũng 1 cho biết: "Nhà trường hiện có 2.200 học sinh, cổng trường cách đường gần 5m nên công tác đảm bảo trật tự ATGT luôn được chú trọng, quan tâm. Vì vậy, năm học này, nhà trường không để xảy ra tình trạng giáo viên, học sinh vi phạm và bị TNGT".
Tại khu vực cổng Trường THPT Ngô Sỹ Liên, Tp. Bắc Giang, có một cụm panô, áp phích tuyên truyền tranh, ảnh các vụ TNGT nghiêm trọng để cảnh báo về thực trạng TNGT, nâng cao kiến thức ATGT cho giáo viên, học sinh. Hiện Đoàn trường THPT Ngô Sỹ Liên đang tích cực phối hợp với UBND phường tổ chức phân luồng, chống ùn tắc giao thông trước và sau giờ tan học.
Để nâng cao hiệu quả mô hình "Cổng trường tự quản ATGT", Đoàn trường cùng với lực lượng TTGT và Đội CSGT Công an Tp. Bắc Giang, hàng tháng tổ chức đối thoại trực tiếp pháp luật ATGT với giáo viên, học sinh.
Đồng thời, phối hợp với Ban ATGT thành phố, Công an thành phố và TTGT giải toả các hộ kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; yêu cầu ký cam kết không tái lấn chiếm, trả lại không gian cổng trường "xanh - sạch - đẹp và an toàn". Mặt khác, Ban giám hiệu quán triệt tới từng học sinh sau các giờ ra chơi, tan học không tụ tập tại các quán nước khu vực cổng trường.
Thầy Ngô Văn Xuất, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên khẳng định: "Sau 2 năm thực hiện "Cổng trường tự quản ATGT", cơ bản đã giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cổng trường. Ngoài ra, ý thức phụ huynh khi đưa, đón học sinh tới trường ngày càng nâng cao, không còn hiện tượng dừng, đỗ phương tiện dưới lòng đường".
Có thể nói, mô hình "Cổng trường tự quản ATGT" ở Bắc Giang bước đầu đã cho thấy nhiều chuyển biến rất tích cực, nhưng qua thực tế, mô hình này vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập, nhất là về vấn đề "bổ sung" kinh phí xây dựng các cụm panô, áp phích tuyên truyền tranh, ảnh (có giá từ 5 - 10 triệu đồng) tại các trường học còn hạn hẹp.
Do đó, để duy trì mô hình cổng trường tự quản hoạt động hiệu quả, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, liên tục của các ban, ngành liên quan và sự chỉ đạo sát sao của ngành GD&ĐT tỉnh, cũng như cần tăng cường hỗ trợ các trang thiết bị (panô, áp phích, tờ rơi, còi, loa cầm tay...).
Bài và ảnh: B. Lê - H. Vân