Mặc dù công tác bảo đảm trật tự ATGT trên phạm vi cả nước trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, với việc giảm được số vụ, số người chết do TNGT. Tuy nhiên theo đánh giá của ủy ban ATGT Quốc gia thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới để kéo giảm TNGT
Vẫn còn những hạn chế
Qua đánh giá của ủy ban ATGT Quốc gia, trong thời gian qua còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô chở khách. Mặc dù, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy thực hiện chưa tốt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, buổi tối ở đô thị; một số nơi việc xử phạt chưa nghiêm; tình trạng trẻ em ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có chiều hướng gia tăng.
Việc kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm chưa đạt yêu cầu; đã xuất hiện nhiều kiểu mũ bảo hiểm không đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định, không có nguồn gốc xuất xứ nhưng các cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để. Hơn thế nữa, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đến được với mọi người dân, nhất là đối với thanh niên, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT ở từng nơi, từng lúc chưa thực sự mạnh, mới chỉ quán xuyến ở các tuyến quốc lộ và một số đường tỉnh, chưa đủ lực lượng để bố trí trên tất cả các tuyến.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chậm được khắc phục, còn xảy ra 71 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 1 giờ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tình trạng đào đường, xây dựng, sửa chữa các công trình giao thông diễn ra liên tục và kéo dài, mưa ngập là nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc giao thông. Việc tổ chức giao thông ở một số tuyến đường đã nâng cấp, cải tạo chưa được hợp lý, xuất hiện các "điểm đen"...
Việc triển khai giai đoạn 1 của Quyết định 1856/QĐ-TTg về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt còn một số hạn chế như một số nơi công tác phối hợp giữa các lực lượng, giữa cơ quan quản lý đường bộ và địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả, số công trình vi phạm người dân tự tháo dỡ đạt tỷ lệ thấp. Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện gặp khó khăn về kinh phí tuyên truyền, vận động nhân dân tự tháo dỡ.
Công tác triển khai thực hiện quy định đình chỉ lưu thông xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh kể từ ngày 01/01/2008 theo quy định của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP gặp nhiều khó khăn, lúng túng, chậm trễ. Việc đình chỉ xe ôtô hết niên hạn sử dụng được thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều trường hợp chủ xe không đến làm thủ tục xóa sổ mà đưa vào vùng sâu, vùng xa hoạt động, hoặc tự ý cải tạo, hoặc tự thiêu hủy không thông báo.
9 giải pháp để kéo giảm TNGT
Để phấn đấu giảm được tại nạn giao thông năm 2008, các Bộ, ngành và địa phương cần khắc phục những hạn chế, tồn tại, đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, Nghị quyết 05/2008/NQ-CP của Chính phủ. ủy ban ATGT Quốc gia đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm kéo giảm TNGT từ nay đến cuối năm 2008. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cao điểm là Tháng ATGT (tháng 9/2008). Kiên trì tuyên truyền kết hợp với cưỡng chế thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, chú trọng đến vùng nông thôn; tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đúng cách, trẻ em dưới 14 tuổi phải đội mũ bảo hiểm, chất lượng mũ bảo hiểm; duy trì kết quả về đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.
Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với người điều khiển xe ô tô chở khách, xe mô tô vi phạm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt không đúng quy định, chở quá số người quy định, quá tải; sử dụng xe hết niên hạn hoặc không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không giấy phép lái xe, sau khi sử dụng bia rượu điều khiển phương tiện, người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường gây mất TTATGT.
Tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT theo chuyên đề đối với xe ô tô chở khách vi phạm; xe ô tô vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng; kiểm tra và xử lý nghiêm xe 3, 4 bánh tự chế không phải là xe của thương binh, người tàn tật; kiên quyết đình chỉ lưu hành đối với các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, xóa sổ đối với phương tiện hết niên hạn sử dụng; hạ tải, xuống khách đối với các trường hợp quá tải, quá số người quy định. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ giai đoạn 2 kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, khâu tuyên truyền phải đi trước, tạo dư luận tốt và phối hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và cưỡng chế, giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương.
Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM cần quan tâm chỉ đạo, giải quyết vướng mắc về đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả các dự án công trình giao thông; tổ chức điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý. Tăng cường công tác kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là mùa mưa lũ; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến khách, phương tiện thủy không bảo đảm quy định về điều kiện an toàn, quy tắc giao thông; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “người đi đò sử dụng áo phao”.
Đồng thời, đánh giá sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Văn bản số 1207/BCA-C11 của Bộ Công an về huy động lực lượng công an xã tham gia công tác bảo đảm TTATGT, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và đề xuất tiếp tục triển khai huy động các lực lượng khác cùng tham gia công tác bảo đảm TTATGT. Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ theo đúng tiến độ của Quốc hội; khẩn trương hoàn thành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Đề án, dự án về công tác bảo đảm TTATGT nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT.
P.V