Công an tỉnh Đồng Nai với những biện pháp phòng ngừa, kiềm chế TNGT đường sắt

Thứ sáu, 18/07/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tham luận của Công an tỉnh Đồng Nai tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch 25BCA(V11) về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt mới đây đã gây được sự chú ý. Bởi lâu nay, Đồng Nai được coi là tỉnh có nhiều điểm đen đáng báo động về an toàn giao thông đường sắt.

Tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua Đồng Nai có chiều dài 89km, qua 3 huyện (Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom); thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa. Theo thống kê có tới 2300 điểm vi phạm hành lang ATGTĐS. Trong đó huyện Xuân Lộc 300 điểm, Long Khánh 826 điểm, Thống Nhất 210 điểm và TP Biên Hòa 964 điểm. Đó là chưa tính tới 115 đường ngang dân sinh trái phép/171 đường ngang. Tất cả các đường ngang dân sinh trái phép tự mở này không có bất cứ một hệ th ống biển báo, cảnh báo nào và đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn của các vụ tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai đã triển khai Kế hoạch số 41/KH-CAT ngày 21-4-2005 về đảm bảo TTATGTĐS, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác liên quan đến phòng ngừa tội phạm trên tuyến, bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu. Trong công tác tuyên truyền đã tổ chức được 154 buổi nói chuyện, giới thiệu về Luật GTĐS cho gần 40 ngàn người tham gia. Song song với công tác tuyên truyền đã tổ chức 15 đợt kiểm tra trên tuyến, giải tỏa hàng ngàn trường hợp vi phạm, lập hồ sơ quản lý 43 đối tượng có nghi vấn liên quan đến TTATGTĐS... Tuy nhiên, 3 năm qua số vụ TNGT đường sắt trên địa bàn vẫn chưa có chiều hướng giảm, vẫn xảy ra 61 vụ làm 60 người chết, 26 người bị thương, trong đó có 1 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 5 người chết, 25 người bị thương. So với 3 năm về trước, tăng cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và người bị thương.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông cũng như trật tự ATGTĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phức tạp là do ý thức của người dân tham gia giao thông chưa cao. Nhiều người cố tình vi phạm khi đi qua các điểm giao cắt, điều khiển phương tiện khi qua đường ngang không chú ý... Ngoài ra còn có nguyên nhân thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ của cơ quan chủ quản là ngành Đường sắt với các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, thực hiện các phong trào chưa được thường xuyên liên tục, sâu rộng và đều khắp...

Về khách quan, có nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa dẫn đến việc hình thành các đường ngang dân sinh, sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông hằng ngày. Đơn cử như vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại km 1678+915 Trảng Bom đã làm 5 người chết, 25 người bị thương cũng chỉ vì một đường ngang mở trái phép. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như hệ thống tín hiệu, biển báo không đồng bộ, bị hư hỏng không sửa chữa kịp thời, các đường ngang không có vạch dừng, gờ giảm tốc, mặt đường tại nơi giao cắt không đảm bảo... cũng là những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường sắt.

Từ thực tế ở địa phương, để phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Tổng công ty ĐSVN: Cần thiết lập ngay hệ thống rào chắn tại các đường ngang có đông người và phương tiện qua lại, tập trung giải quyết trước ở những khu công nghiệp, khu đông dân cư.

Phối hợp cùng các ngành các cấp, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm Luật GT Đường sắt, xây dựng đường gom dọc theo đường sắt, tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở nhằm tạo thói quen tốt cho nhân dân khi tham gia giao thông qua đường sắt. Phối hợp giải tỏa những công trình vi phạm, trang bị thêm hệ thống biển báo hiệu, cảnh báo tự động ở các đường ngang, nâng cấp đường ngang hợp pháp chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có tới 18 đường ngang cần phải được nâng cấp, làm rào chắn, lắp đặt cảnh báo... Đây chính là những điểm đen nguy hiểm gây mất an toàn.

T.T

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)