ITS và những nét “chấm phá” để bảo đảm ATGT

Thứ hai, 02/06/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transportation System - ITS) là hệ thống ứng dụng công nghệ cao về điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải (GTVT).

Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transportation System - ITS) là hệ thống ứng dụng công nghệ cao về điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải (GTVT).

Hệ thống ITS được xem như là một hệ thống lớn, trong đó con người, phương tiện giao thông, mạng lưới đường giao thông là các thành phần cấu thành của hệ thống, liên kết chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo cho hệ thống GTVT đạt các yêu cầu: Thực hiện giám sát giao thông liên tục 24/24 giờ, giảm thiểu TNGT, ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạ giá thành vận chuyển, tăng hiệu quả vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đi lại của con người và vận chuyển hàng hóa, hệ thống này cũng được phát huy tác dụng với các yêu cầu quản lý trật tự ATGT và an ninh quốc gia...

Đối với các nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ, hệ thống ITS được đặt vấn đề ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư công trình cầu đường và cùng đưa vào khai thác, quản lý sử dụng đồng thời với việc đưa công trình vào khai thác sử dụng. ở châu á, một vài nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia cũng đã hình thành hệ thống ITS trên một vài tuyến đường cao tốc.

Ở Việt Nam cho đến thời điểm tháng 1 năm 2008, hệ thống ITS mới bắt đầu được khỏi động xem xét đến và được coi như là một giải pháp, công cụ cơ bản để điều hành quản lý một số đoạn đường đang hoặc sẽ được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Nhìn lại phác thảo bức tranh hệ thống giao thông ITS, ta có thể nhận thấy như sau: Hệ thống giao thông thông minh đầu tiên ở Việt Nam được hình thành ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đó chính là hệ thống kiểm soát điều hành giao thông trong hầm đường bộ Hải Vân.

Thông qua các thiết bị giám sát theo dõi và cảnh báo giao thông, thông tin liên lạc, báo cháy, khí tượng, độ chiếu sáng... lắp đặt trong 6,3 km đường hầm và được kết nối về trung tâm điều hành chỉ huy của hầm đặt tại gần cửa hầm phía Nam. Hệ thống này là thành phần không thể thiếu trong Dự án hầm đường bộ Hải Vân và kể từ ngày 05/6/2005 đến nay, hệ thống này đã chứng tỏ sự quan trọng và cần thiết đối với việc quản lý khai thác, điều hành giao thông, xử lý ứng cứu các sự cố xảy ra, đảm bảo tuyệt đối ATGT trong hầm.

Trong dự án cải tạo và nâng cấp QL3, đoạn tuyến từ Hà Nội đến Thái Nguyên, vốn vay của JBIC (dài khoảng 63km), để trở thành đoạn đường ITS, phải đầu tư thêm nhiều tỷ đồng cho các thiết bị kèm theo kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp cầu đường và kéo theo nhiều tỷ đồng cho việc duy trì bảo dưỡng các thiết bị đó (chưa xét đến tính chuẩn mực của các thiết bị đề nghị đầu tư, chỉ riêng định mức kinh phí duy tu bảo trì/km khi đi vào khai thác sẽ vượt rất xa định mức đang áp dụng hiện nay, một điều thật khó khả thi trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta).

Dự án đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, chủ đầu tư là VINACONEX và Dự án đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đang được bắt đầu xem xét để thực hiện đầu tư các trang thiết bị kèm theo như là giải pháp và công cụ chủ yếu để quản lý điều hành khi đưa vào khai thác và sẽ trở thành đoạn đường cao tốc giao thông thông minh thí điểm ở phía Bắc. Dự án đường bộ Nội Bài - Lào Cai, VEC là chủ đầu tư, trong quá trình nghiên cứu và triển khai dự án, sẽ có thể thiết kế và lắp đặt một số trang thiết bị theo tiêu chuẩn giao thông ITS của Nhật Bản.

Ở phía Nam, Tập đoàn đầu tư phát triển khu công nghiệp Tân Tạo, với ý đồ thực hiện đoạn đường cao tốc giao thông thông minh nối sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về khu công nghiệp Tân Đức thuộc tỉnh Long An (dự kiến tổng mức đầu tư lên đến 270 triệu USD). Nếu dự án này trở thành hiện thực, thì có lẽ đây sẽ là dự án giao thông thông minh đầu tiên được thực hiện ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư ở phía Nam (chúng ta đang thực hiện dự án đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, nhưng đoạn đường này sẽ không phải là đoạn đường cao tốc ITS, bởi vấn đề này ngay từ đầu đã không có trong nội dung Dự án).

Như vậy, phác thảo của bức tranh giao thông ITS ở Việt Nam mới chỉ là những nét chấm phá. Dù sao, đây cũng là những tín hiệu đáng mừng, trước hết là ở nhận thức của cấp lãnh đạo ngành GTVT, đối với sự cần thiết phải có của hệ thống giao thông ITS trong bức tranh tổng thể của cơ sở hạ tầng GTVT Việt Nam.

Từ phác thảo đó, sẽ có những việc cần phải thực hiện, có thể tạm phân ra 2 loại lớn như sau: Trước hết, với những Dự án mà hệ thống giao thông ITS được bắt đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư. Phương án thiết kế lắp đặt, tuyển chọn thiết bị, đường truyền (cấp điện và tín hiệu) sẽ phải được giải quyết ngay từ khâu lập phương án thiết kế và xét duyệt dự án, tổng mức đầu tư. Do khả năng tài chính còn hạn chế, có thể phải phân kỳ đầu tư, nhưng những phần tử cơ bản của hệ thống thì phải được quyết định lựa chọn chuẩn xác ngay từ đầu (phù hợp với chuẩn hệ thống ITS đang được xúc tiến xây dựng), để tránh lãng phí khi đầu tư nâng cấp. Phương án về trung tâm kiểm soát (center control) cũng phải cân nhắc và lựa chọn những yêu cầu cơ bản và cấp thiết nhất, nếu không chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Đồng thời, với những dự án đã đưa vào khai thác, việc theo dõi, giám sát giao thông cũng cần đặt ra đối với một số đoạn tuyến trọng điểm. Với những dự án loại này, cách tốt nhất để tiến hành là phải dựa vào địa điểm và cơ sở vật chất sẵn có của các trạm thu phí trên tuyến đường.

Kinh nghiệm ở các nước đã đi trước chúng ta cho thấy, trạm thu phí là vị trí tốt nhất để thực hiện việc lắp đặt các trang thiết bị trong hệ thống giao thông ITS, đó chính là một công đôi việc đối với việc tiết kiệm đầu tư trang thiết bị và tận dụng mặt bằng, nhân lực có trình độ kỹ thuật tự động hóa và công nghệ thông tin của trạm thu phí. Với những đoạn tuyến cao tốc giao thông thông minh, đã đến lúc chung ta hoàn toàn có thể thực hiện hình thức thu phí kín (xe vào một đầu và buộc phải trả phí ở đầu ra). Và với hình thức thu phí kín, cũng đến lúc phải có nghiên cứu ban hành cơ chế và giải pháp công nghệ đáp ứng cho nhu cầu này.

Việc xúc tiến thực hiện hệ thống giao thông thông minh sẽ mang lại diện mạo mới cho việc quản lý sử dụng khai thác cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Và đương nhiên, nó sẽ mang lại hiệu quả to lớn về nhiều mặt cho xã hội, là một kênh quan trọng để thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông.

Nguyễn Ân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)