Từ khi Luật Giao thông đường thủy nội địa (ÐTNÐ) có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2005) công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa có nhiều chuyển biến tích cực.
Từ khi Luật Giao thông đường thủy nội địa (ÐTNÐ) có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2005) công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa có nhiều chuyển biến tích cực.
Ðến nay đã có gần 124 nghìn lượt phương tiện được đăng ký; hơn 90 nghìn lượt phương tiện được đăng kiểm; đã đào tạo cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn cho hơn 82 nghìn người tham gia điều khiển phương tiện thủy; tổ chức quản lý hơn 15 nghìn km sông, kênh và cấp phép hoạt động cho gần 75% cảng, bến thủy nội địa.
Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, TTATGT và kết quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm giao thông đường thủy nội địa so với yêu cầu của Luật Giao thông đường thủy nội địa còn khoảng cách xa. Tình trạng vi phạm các quy định về bảo đảm TTATGT đường thủy rất phổ biến, phức tạp. Trong hai năm 2005-2006, qua kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã có hơn 190 nghìn trường hợp vi phạm về TTATGT đường thủy bị xử lý. Trong đó, vi phạm về chở quá tải chiếm gần 28%, đăng kiểm 18,2%; giấy chứng nhận an toàn hết hiệu lực 12%; người điều khiển phương tiện không giấy phép, chứng chỉ chuyên môn 11,3%... Kết quả tổng kiểm tra phương tiện, người điều khiển phương tiện năm 2007 cho thấy, có tới hơn 80% số phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định, gần 80% số thuyền viên chưa có giấy phép lái, hơn 90% số người lái phương tiện chưa có chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Việc cấp phép và quản lý hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa, luồng và hành lang an toàn luồng tuyến còn nhiều khó khăn, phức tạp... Mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông thủy, làm chết và mất tích nhiều người, chìm đắm nhiều phương tiện. Ðiển hình như vụ lật thuyền tại Cửa Lục (Quảng Ninh) ngày 26-8-2004 làm 16 người chết và mất tích; vụ đắm đò ngang ngày 7-10-2006 tại bến đò Chôm Lôm (Nghệ An) làm chết và mất tích 19 học sinh...
Ðể thực hiện có hiệu quả Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ và Chỉ thị 31/2005/CT-TTg ngày 29-9-2005 của Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, cần có sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng cảnh sát giao thông-thanh tra giao thông và đăng kiểm, cũng như sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành địa phương, từ đó làm chuyển biến nhận thức của tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng phương tiện thủy. Muốn vậy, cần tổ chức thực hiện tốt bốn giải pháp.
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật về Luật Giao thông đường thủy nội địa với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, sát thực tế. Tập trung phổ biến hướng dẫn các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; tiêu chuẩn và điều kiện của thuyền viên, người lái, cũng như an toàn vận tải của phương tiện thủy, đò ngang, phương tiện chở khách. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến các biện pháp cưỡng chế bảo đảm TTATGT đường thủy theo quy định tại Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến trong nhận thức của từng chủ phương tiện và người lái.
Hai là, tăng cường các hoạt động kiểm tra liên ngành, trong đó chú trọng kiểm tra công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện; đào tạo cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện; xử lý vi phạm ngay tại các bến cảng, kiên quyết không cho phương tiện vi phạm các điều kiện bảo đảm an toàn... rời cảng, bến đậu. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa, nhất là quy hoạch hệ thống cảng, bến và quản lý bến, cảng.
Ba là, trên cơ sở kết quả điều tra phương tiện, người điều khiển phương tiện trong thời gian qua, rà soát những quy phạm pháp luật hiện hành để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, nhất là các quy định về đăng ký, đăng kiểm các phương tiện nhỏ dưới 15 tấn, 15 sức ngựa và đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn cho người lái phương tiện mới được đưa vào diện phải đăng ký, đăng kiểm có chứng chỉ chuyên môn theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Kiên quyết loại bỏ tình trạng phương tiện, người lái chưa đăng ký, đăng kiểm, không có bằng cấp chuyên môn vẫn ngang nhiên hoạt động trên sông nước.
Bốn là, tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra giao thông, đăng kiểm cũng như các lực lượng liên quan khác phù hợp với yêu cầu phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa. Trước mắt, nghiên cứu xây dựng báo cáo trình Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia xem xét, quyết định thành lập và ban hành cơ chế hoạt động cho tiểu ban TTATGT đường thủy theo tinh thần Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ.
LINH ANH - Báo Nhân Dân