Đã đến chân tường rồi !
Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và Thành phố HCM đã đến mức trầm trọng. Các điểm ùn tắc ngày càng nhiều, thời gian ùn tắc ngày càng lâu. Đã có rất nhiều ý kiến, nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện nhiều, thậm chí nhiều chuyên gia cảnh báo bức tranh giao thông sẽ còn tồi tệ hơn, trước sự bùng nổ các phương tiện ô tô, xe máy và làn sóng người ngoạih tỉnh đổ về thành phố.
Có thể phân các giải pháp giải quyết giao thông thành ba nhóm: Một là chỉnh trang, mở rộng, làm thêm đường mới. ( Dự án đường tàu điện ngầm, đường sắt trên cao cũng thuộc nhóm này.) Hai là hạn chế, giảm bớt các phương tiện tham gia giao thông, và ba là nhóm giải pháp thuộc về luật và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Nhóm giải pháp thứ nhất đòi hỏi kinh phí rất lớn, thời gian rất lâu. Việc di dân để làm đường là cực kỳ phức tạp về các mặt kinh tế, xã hội. Chúng ta đã phải làm những con đường “ Đắt nhất thế giới”, với thời gian hàng chục năm. Hiện nay, rất nhiều dự án mở đường đã được tính đến, chính quyền và người dân đều mong muốn mà hàng chục năm chưa triển khai được. Mạng lưới đường nội đô, được qui hoạch từ thời xa xưa cho qui mô dân số vài chục vạn người, bởi thế, đường hẹp, nhiều ngã ba, ngã tư, và cư dân sống hai bên đường với tập quán “Kinh tế mặt tiền”... Chắc chắn là, trong thời gian trước mắt, chúng ta phải chấp nhận tình trạng “Sống chung” với mạng lưới đường như thế, với tập quán sinh hoạt như thế.
Nhóm giải pháp thứ hai: Hạn chế, giảm bớt các phương tiện tham gia giao thông. Trong nhóm này, có lẽ chỉ có giải pháp tăng cường năng lực xe bus là có tác dụng, nhưng đầu tư cho xe bus cũng rất tốn kém và thực tế tăng xe bus không kịp với đà tăng xe máy. Đã có những ý tưởng như một trò đùa. Giải pháp tạm dừng đăng ký xe máy phải thôi áp dụng vì vi hiến và không hiệu quả.Chủ trương không khuyến khích ô tô, nhưng mặc cho giá ô tô cao nhất thế giới, số người mua xe vẫn tăng lên nhanh chóng. Theo Đại tá Đỗ Kim Tuyến, Phó Giám đốc CA Hà Nội: “ Từ đầu năm đến nay, số ô tô đăng ký mới là 15.000 chiếc,tăng 90%; xe máy đăng ký mới là 116.000, tăng 60%. đặc biệt, trong hai tháng gần đây, số đăng ký mới càng tăng mạnh. Có ngày, số xe máy đăng ký mới đạt tới con số 1000 chiếc; ô tô: 100 chiếc” (Báo ANTĐ ngày 28-9-2007). Biện pháp hạn chế hoặc cấm đi xe máy ở một số tuyến phố đã được nhắc đến từ lâu, nhưng đến nay chưa thấy áp dụng cho một tuyến nào cả, (Trừ phố Hàng Ngang, Hàng Đường, nhưng ở đây chủ yếu cho mục đích khác). Điều này chắc là khó, một phần là do tập quán cư trú và làm ăn “ Kinh tế mặt tiền” của dân ta.
Hiện nay và trong nhiều năm nữa, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân thành phố. Không thể phủ nhận sự tiện lợi và cơ động của nó. Và như vậy là, chúng ta lại phải chấp nhận “Sống chung” với tình trạng các phương tiện tham gia giao thông không giảm đi, mà ngày càng tăng lên.
Nhóm giải pháp thứ ba: Về luật và ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Đây là giải pháp cực kỳ quan trọng, nhưng việc nâng cao ý thức chấp hành luật của người dân đòi hỏi một quá trình lâu dài. Mặt khác, phải thừa nhận rằng ý thức chấp hành luật lại phụ thuộc rất lớn vào cơ sở hạ tầng và mật độ người tham gia giao thông.Ai cũng biết rằng, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc chính là do ý thức kém của một bộ phận không nhỏ dân ta. Khi ùn tắc xảy ra, hàng ngàn người nôn nóng, sốt ruột. Người ta đi bừa lên vỉa hè, ai cũng cố chen lên càng làm cho tình trạng tắc nghẽn thêm trầm trọng. Khi đó, lực lượng CSGT không đủ để ngăn chặn và xử phạt số người vi phạm. Trong tình hình đó, mong muốn về một “Văn hóa xếp hàng”, mọi người ai cũng bình tĩnh, nghiêm chỉnh, tuần tự trước sau... chỉ là ảo tưởng. Có nghĩa là, về mặt này, chúng ta cũng phải “Sống chung” với ý thức chấp hành luật còn quá kém của nhiều người tham gia giao thông.
Như vậy, ở cả ba nhóm giải pháp trên, chúng ta đều phải chấp nhận “Sống chung” với những yếu tố bất lợi, những yếu tố ấy đều không thể giải quyết một sớm một chiều. Thế mà, tình hình hiện nay, như nhiều người phải kêu lên: “Đã bị dồn đến chân tường rồi !”
Đường hầm hay cầu vượt cho xe máy- Tại sao không ?
Lối thoát cho tình hình hiện nay không thể chờ đợi ở những giải pháp trung và dài hạn : Đường tàu điện ngầm, Đường sắt trên cao, Qui hoạch dãn dân ra ngoại thành... Vấn đề là phải có một giải pháp cấp bách “Ở đây và ngay bây giờ”
Nguyên nhân gây tắc đường chủ yếu là do xe máy. (Có đến 85-90% số người sử dụng xe máy). Cấm hoặc hạn chế đều không được, thậm chí nó còn đang tăng lên nhanh chóng.
Chúng ta đã làm hầm, cầu vượt cho người đi bộ, – Vậy tại sao ta không không làm hầm hay cầu vượt cho xe máy, và coi nó là một giải pháp tình thế cho tình hình hiện nay? Trên thế giới, chưa ở đâu có hầm, cầu vượt cho xe máy, nhưng trên thế giới cũng chắc rằng chưa ở đâu có mật độ xe máy tham gia giao thông cao như ở Hà Nội và Thành phố HCM. Vậy phải coi hầm, cầu vượt là giải pháp phù hợp với đặc điểm riêng của chúng ta. Chúng tôi cho rằng, nếu ở ngã ba, ngã tư ta làm hầm hoặc cầu vượt cho xe máy (Chỉ cho xe máy thôi) thì có thể giải quyết được nạn ùn tắc hiện nay. Chẳng hạn, ở một ngã tư BNĐT nào đó, nếu theo hướng ĐT, dòng xe máy đi thẳng là chủ yếu thì ta làm hầm,hoặc cầu vượt theo hướng này. Trên mặt đường khi đó, chỉ có các phương tiện theo hướng BN và số phương tiện theo hướng ĐT không được đi qua hầm( Xe máy rẽ phải, trái, ô tô, xe đạp...). Số phương tiện trên mặt đường đã được giảm đi đáng kể nên nạn ùn tắc sẽ giảm rất nhiều, thậm chí có thể không còn xảy ra nữa.
Về mặt kỹ thuật, làm hầm, cầu vượt cho xe máy không có gì phức tạp đối với trình độ xây dựng hiện nay. Một làn cầu vượt rộng khoảng 3,0m hay một đường hầm rộng 4-5m, cao 3,0m là đủ cho dòng xe máy được thông suốt, không phải dừng chờ khi đèn đỏ. Thậm chí, khi có điều kiện, đường hầm có thể làm ở qui mô không những cho xe máy mà còn cho cả người đi bộ và ô tô con nữa.
Về mặt kinh tế, kinh phí đầu tư cho hầm, cầu vượt loại này không quá lớn, thời gian thi công nhanh. Nếu Ngân sách thành phố không đủ thì chắc chắn có nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn ra làm để đổi lấy quyền được quảng cáo. Nghĩa là có thể xã hội hóa việc này.
Về mặt mỹ quan đô thị, cầu vượt có thể gây ra một số vấn đề, nhưng đây là một giải pháp tình thế, trong bối cảnh “Bị dồn đến chân tường rồi !”. Mặt khác, nếu thiết kế cầu vượt đẹp, trang trí như một điểm nhấn thì chắc chắn sẽ được mọi người chấp nhận.
Vấn đề quan trọng là quĩ đất, là không gian để bố trí xây dựng hầm, cầu vượt. Nó phải thỏa mãn những tiêu chuẩn cụ thể: Bề rộng tối thiểu một làn đường, độ dốc tối đa cho phép, chiều cao đường hầm, hệ thống thông gió, phòng chống cháy nổ, thoát nạn...Là một người ngoại đạo, tôi tin rằng, không phải ngã ba ngã tư nào cũng đủ rộng, nhưng nhiều ngã ba ngã tư có thể xây dựng được hầm hoặc cầu vượt cho xe máy.
Trên đây mới chỉ là ý tưởng của tôi, trước những bức xúc về nạn ùn tắc giao thông hiện nay. Tôi rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi của bạn đọc, nhất là các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông.
Th.S Phạm Hồng Kỳ.
ĐT: 0986 772 672.
ĐTNR : 04 8 210 576
Địa chỉ : 65- Nguyễn Khoái
Hai Bà Trưng- HN