Tình hình tai nạn giao thông đường bộ (TNGTĐB) hiện nay là mối hiểm hoạ đối với đời sống con người. Thiên tai hay một cuộc chiến tranh nào rồi cũng có ngày kết thúc, nhưng TNGTĐB trong điều kiện sinh hoạt và sự phát triển của con người thì khó có thể khẳng định được hồi kết thúc. Từ năm 2001 đến hết năm 2006, ở nước ta xảy ra 118.609 vụ TNGTĐB, làm chết 68.695 người, làm bị thương 120.376 người. Tính trung bình mỗi ngày xảy ra 54 vụ TNGTĐB, làm chết 31 người và làm bị thương 54 người. Riêng thiệt hại về tài sản, vật chất (cả hữu hình và vô hình) là rất lớn, khó mà tính ra con số chính xác được. Hệ lụy của TNGTĐB là một gánh nặng của xã hội. Phần lớn tổn thất về người (tính mạng, sức khoẻ) của loại tai nạn này nhằm vào những người có sức khoẻ, năng động và là lao động chính của nhiều gia đình. Sau khi vụ, việc giao thông đường bộ xảy ra, có thiệt hại về người và tài sản, nếu có: người điều khiển phương tiện vi phạm các qui định về an toàn giao thông bị kết án tù – xã hội phải lo; người chết do tai nạn – xã hội phải lo; người bị thương tích, tàn phế - xã hội phải lo điêù trị và nuôi dưỡng; tài sản, công trình, phương tiện hư hỏng do tai nạn gây ra – xã hội phải lo sửa chữa, khắc phục…và còn rất nhiều tổn thất khác có liên quan – xã hội cũng phải lo với biết bao nỗi niềm xót thương, bức xúc, trăn trở.
Trước thực trạng của loại tai nạn này, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo quyết liệt; các cấp, các ngành nỗ lực tổ chức thực hiện, huy động nhiều lực lượng, sử dụng nhiều phương tiện, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, kiềm chế tiến tới giảm dần TNGTĐB. Có lúc, có nơi lực lượng trực tiếp thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ hoạt động “hết công suất”. Nhờ vậy mà TNGTĐB được kiềm chế và nếu xét theo xu thế phát triển chung có thể nói rằng tỷ lệ TNGTĐB giảm rất nhiều so với nhu cầu đi lại của con người và số phương tiện tham gia giao thông đường bộ ngày càng tăng; tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có bước chuyển biến tích cực, dư luận phấn khởi, ủng hộ.
Tuy nhiên, hiện nay TNGTĐB vẫn còn xảy ra ở mức cao, nhiều vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và là vấn đề quan tâm, bức xúc của toàn xã hội. Hàng ngày, vào buổi sáng khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam thông báo tình hình TNGTĐB trong cả nước nhiều người dân không khỏi bồi hồi, lo lắng, tiếc thương về hậu quả thương vong từ 70 đến 80 người mỗi ngày. Nếu như trên thế giới, ở một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó xảy ra xung đột vũ trang hoặc khủng bố thì trong từng trận, từng vụ có số thương vong khoảng vài chục người đều được cả thế giới biết đến và các bên có liên quan sẽ có thái độ rõ ràng. Tất nhiên về phía mỗi bên đối lập nhau, trong họ đều có mục đích, lý tưởng, trận tuyến rõ ràng, còn tổn thất, thương vong do tai nạn giao thông dường như nạn nhân của nó hoàn toàn không có phía đối lập cũng như hận thù, mục đích…cho đến cái nơi để đổ lỗi cũng không rõ ràng. Phải chăng, chính từ đặc điểm này mà thái độ của xã hội đành âm thầm, chấp nhận chịu đựng ?
Tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tai nạn giao thông, xem đây là một hiện tượng xã hội cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác phải giải quyết. Ở nước ta, phòng ngừa kiềm chế và tiến tới giảm dần TNGTĐB được xác định thuộc trách nhiệm của các ngành, các cấp và của toàn dân, đặc biệt là đã xác định trách nhiệm cao hơn đối với người lãnh đạo chính quyền, các ngành, đơn vị chức năng đứng đầu ở các cấp. Những năm qua, Chính phủ yêu cầu những địa phương để xảy ra tình hình tai nạn giao thông phức tạp, số vụ TNGTĐB tăng kiểm điểm trách nhiệm, cho thấy chỉ đạo của Chính phủ rất quyết tâm, đã được dư luận quan tâm theo dõi, đồng tình.
Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “an toàn là bạn, tai nạn là thù”, hãy xem TNGTĐB là kẻ thù, mà là kẻ thù triền miên, nguy hiểm. Có nhìn nhận như vậy, chúng ta mới có thái độ dứt khoát và quyết tâm cao để nghiên cứu, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, kiềm chế và tiến tới giảm dần TNGTĐB đạt hiệu quả.
Để phòng ngừa, kiềm chế và tiến tới giảm dần TNGTĐB có hiệu quả cần phải nghiên cứu và giải quyết khá nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề xác định, nhận diện, xác lập tiêu chí thống kê TNGTĐB có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn. Kết quả của quá trình này sẽ là lời giải góp phần quan trọng cho hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa TNGTĐB mang tầm chiến lược. Bởi vì, nếu thống kê, báo cáo số liệu không được tổ chức chặt chẽ, nhất quán sẽ ảnh hưởng đến: đánh giá, phản ánh không đúng thực trạng của TNGTĐB; hoạch định chính sách, chiến lược giải quyết TNGTĐB; nhìn nhận xã hội, xác định vị trí của vấn đề giải quyết TNGTĐB trong mối quan hệ với các vấn đề xã hội khác; công tác lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức, triển khai các biện pháp đảm bảo TTATGTĐB; công tác thi đua, khen thưởng;… thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự và cả sinh mệnh chính trị của người lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông đứng đầu ở các ngành, các cấp. Tóm lại muốn phòng ngừa, kiềm chế và tiến tới giảm dần TNGTĐB có hiệu quả, trước hết phải có tiêu chí thống kê TNGTĐB cụ thể. Đồng thời phải được triển khai đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ trong nhận thức và hành động.
Lâu nay, việc xác định và đưa ra các tiêu chí xác định, phân loại TNGTĐB chủ yếu để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ, việc liên quan đến TNGTĐB của Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, hay Quy định về chế độ báo cáo thống kê số liệu trong lực lượng Công an cũng chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết tiêu chí thống kê TNGTĐB. Hiện nay, việc thống kê, báo cáo số liệu về tình hình TNGTĐB trên phạm vi toàn quốc chủ yếu do Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Bộ Công an thực hiện và là nguồn để Ban an toàn giao thông quốc gia báo cáo Chính phủ, cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí... Trên thực tế đã tồn tại nhiều vấn đề bất cập, đáng chú ý là chưa phân biệt rõ giữa phạm pháp hình sự về giao thông (cụ thể được qui định tại Điều 202, 204, 205, Bộ luật hình sự 1999) với TNGTĐB (không có yếu tố phạm tội), dẫn đến tình trạng cùng một vụ việc xảy ra nhưng có nơi đưa vào thống kê tội phạm, có nơi lại đưa vào thống kê TNGTĐBB; tiêu chí về tỉ lệ thương tích cũng chưa được nhận thức nhất quán, dẫn đến số liệu về người bị thương tích vì TNGTĐB giữa các ngành có liên quan chênh lệch khá lớn; ranh giới để phân biệt giữa tai nạn và va quẹt giao thông - thực tế có địa phương cho rằng người điều khiển mô tô bất ngờ xảy ra tai nạn (tự ngã xe) trên đường giao thông không phải là TNGTĐB… Tóm lại, việc xác định, nhận diện, xác lập tiêu chí thống kê TNGTĐB về tổng quan chưa toàn diện, sâu sắc, khoa học và mang tính pháp lý cao; chưa phản ánh được đầy đủ các đặc điểm, bản chất của TNGTĐB và tính qui luật của nó, dẫn đến hoạt động triển khai, tổ chức thực hiện thiếu tính nhất quán, đồng bộ; nhận thức xã hội có thể sai, lệch về bản chất của TNGTĐB.
Trên thực tế nghiên cứu về tội phạm học có khái niệm về “tội phạm ẩn”(có hành vi phạm tội xảy ra nhưng chưa được phát hiện, xử lý). Suy ra, đối với tai nạn giao thông đường bộ - do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng có thể có “tai nạn ẩn”. Vấn đề muốn đề cập ở đây là do chưa có qui định, tiêu chí thống kê tai nạn giao thông đường bộ cụ thể để thống nhất về mặt nhận thức và tác nghiệp. Xã hội có thể hoài nghi, đó là vấn đề vì lý do thành tích, trách nhiệm… dẫn đến việc có, hay không có hiện tượng đơn vị, địa phương “giấu bớt” tai nạn giao thông đường bộ. Khía cạnh này cũng lại liên quan đến cơ sở của việc giám sát, kiểm tra và trách nhiệm về công tác thông tin, báo cáo.
Tuy nhiên, việc xác định, nhận diện và xác lập tiêu chí thống kê về TNGTĐB lâu nay vẫn là những vấn đề rất khó khăn, phức tạp, nó bao gồm bởi rất nhiều yếu tố như: khái niệm, điều kiện, tính chất mức độ, phân loại, đối tượng, thời gian, không gian, khoa học kỹ thuật, khoa học hình sự, nguyên nhân, hậu quả thiệt hại, tập quán Quốc gia, dân tộc… đồng thời cần có sự tham gia, “vào cuộc” của các chuyên gia; các nhà nghiên cứu, khoa học, quản lý điều hành thuộc nhiều lĩnh vực như: Giao thông vận tải, Công an, Thống kê, Y tế, Tư pháp, Viện kiểm sát, Toà án,…mới đem lại hiệu quả cao nhất.
giải quyết tai nạn giao thông đường bộ cả trước mắt và về lâu dài, cho nên việc nghiên cứu, qui định và ban hành tiêu chí thống kê về tai nạn giao thông đường bộ cần phải được tiến hành một cách khẩn trương, toàn diện, thận trọng, tỷ mỷ, khoa học và mang tính pháp lý cao.
Xuất phát từ thực trạng đã nêu trên và yêu cầu của thực tiễn đặt ra, xin được đề xuất Chính phủ sớm chỉ đạo việc nghiên cứu để xác định, nhận diện và xác lập tiêu chí thống kê TNGTĐB; đồng thời phải được Chính phủ quy định, ban hành để triển khai nhất quán, thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Với những ý tưởng, kiến nghị trong nội dung bài viết này không ngoài mục đích nhằm trao đổi kinh nghiệm, thảo luận vấn đề xã hội cùng quan tâm, với mong muốn cùng mọi người thấu hiểu những vấn đề cơ bản của TNGTĐBB, cùng chung tay, góp sức kiềm chế và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông đường bộ, để “an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người” thực sự trở thành hiện thực./.