I) THỰC TRẠNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CỦA NƯỚC TA HIỆN NAY
Từ khi nền kinh tế Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường thì bức tranh về kinh tế của Việt Nam có nhiều điểm sáng, mức sống của người dân được cải thiện từng bước, được bạn bè các nước trong khu vực và quốc tế hết lòng ca ngợi về những thành tựu đổi mới trong quá trình xây dựng đất nước. Tuy mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được là khá cao nhưng đi liền với nó là vấn đề về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, số vụ giao thông không ngừng tăng cả về quy mô và số lượng. Cho nên nhiều người thường nói rằng giao thông đường bộ ở Việt Nam giống như một quả bong bóng dẹp được chỗ này thì chỗ khác lại ùng ra, có không biết bao nhiêu là chiến dịch, chỉ thị nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại đâu vào đấy.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này thì có nhiều: Do sự lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân và ý thức của người tham gia giao thông quá kém và chưa được cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Bên cạnh đó cũng phải kể đến đường xá của chúng ta quá nhỏ hẹp, nhiều khúc cua 90 độ trong khi đó có quá nhiều các biển báo cấm và biển báo hiệu trên một đoạn đường, vỉa hè thì bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh bán hàng, để xe ô tô dẫn tới tình trạng người tham gia giao thông bị khuất tầm nhìn, nhiều đoạn đường xuống cấp quá nhanh có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Có thể nói rằng cứ ở đâu có đường là ở đó có nhà dân thậm chí các doanh nghiệp, các nhà máy các khu công nghiệp cũng coi bám mặt đường là một lợi thế. Vì thế “trăm hoa đua nở” dẫn đến không kiểm soát được.
Thời gian qua, tất cả các địa phương ra quân triển khai mạnh mẽ Tháng ATGT nhưng tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ- đường sắt và Uỷ ban ATGT Quốc gia, tính đến hết tháng 9, cả nước đã xảy ra tới 10.518 vụ TNGT làm 9.510 người chết và 10.700 người bị thương. Điều này dẫn đến hậu quả về kinh tế và gánh nặng cho xã hội là rất lớn.
Theo số liệu thống kê mới nhất, có tới 50% số người tham gia giao thông không dùng đèn báo khi chuyển hướng, 85% không dùng còi đúng quy định, 70% không dùng phanh tay, 90% không sử dụng đúng đèn chiếu sáng xa, gần và 72% không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô trên những tuyến đường bắt buộc. Ngoài ra, tình trạng vượt đèn đỏ, uống rượu bia say, chở quá tải, quá tốc độ trong thời gian qua vẫn luôn ở mức báo động và rất khó kiểm soát.
(Biết là sai nhưng người điều khiển giao thông vẫn vi phạm. Foto: Uỷ ban an toàn giao thông)
Phần lớn hành lang giao thông quốc lộ 5 đã trở thành “phố” với nhà dân và các công trình bám hai bên đường. Quốc lộ 1 với chiều dài 2.300 km đã có 194 khu công nghiệp, 2.101 khu dân cư, 1008 cây xăng và 2.363 điểm đấu nối khác.
Qua khảo sát cụ thể 272,5 km trên quốc lộ 1 ở cả ba miền cho thấy: Về chiều rộng hành lang, chỉ 24% đủ theo quy định (15 m), phần còn lại có nhiều công trình, nhà ở nằm trên hành lang, có nhiều nơi bám sát mặt đường. Về đường ngang, bình quân 3,3 đường ngang/km, nghĩa là 300 m có một đường ngang. (Trích báo giao thông vận tải) Sau vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra với 2 giáo sư nổi tiếng, có thể người ta sẽ dần lãng quên tai nạn này, nhưng cần phải đưa thông điệp tới cho mọi người: TNGT rất kinh khủng!
Qua đường cũng phải có... kinh nghiệm!
Vì sao tôi lại nói như vậy? Điều này thật đúng không chỉ đối với người nước ngoài đến Việt Nam mà ngay cả đối với những người dân tỉnh lẻ khi đặt chân lên các thành phố, Người tham gia giao thông đều hiểu ý nghĩa của tín hiệu giao thông trên đường phố, nhưng vấn đề ở chỗ... họ không chấp hành! Tôi sống ở Hà Nội 11 năm, tôi đã học được cách qua đường như thế nào cho an toàn. Khi có tín hiệu đèn xanh dành cho người đi bộ, nhiều người sẽ qua đường ngay. Nhưng riêng tôi thì không. Tôi vẫn quan sát thật kỹ nhiều hướng rồi mới dám đi. Nhiều người nghĩ đó là việc bình thường, nhưng tôi coi đó cũng là kinh nghiệm! (Vì tôi cũng là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông). Ở các nước giao thông phát triển, có tín hiệu đèn xanh dành cho người đi bộ thì bao giờ cũng an toàn, nhưng ở Việt Nam thì khác... Đôi khi, đi bộ trên vỉa hè ở các thành phố lớn cũng phải cẩn thận vì có khi tắc đường, xe máy lao cả lên vỉa hè để đi...Đó là một thực trạng lớn đối vơí giao thông ở Việt Nam. Tôi cho rằng Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề tuyên truyền nhưng vấn đề cụ thể thì chưa được tiến hành đầy đủ.
Còn ở các thành phố lớn ở Việt Nam, hành vi tham gia giao thông của thanh thiếu niên đang là vấn đề đáng báo động, bởi vì theo tôi được biết thì trong luật giao thông đường bộ điều 15 quy định " Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự". Như vậy đa số học sinh THPT của chúng ta vi phạm luật giao thông đường nhưng hiếm khi thấy cảnh sát giao thông phạt những đối tượng này.
Còn trên vỉa hè các đô thị thì rất lộn xộn, mọi người ai cũng biết vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng trên thực tế thì không như vậy có rất nhiều tuyến phố người ta đỗ xe trên vỉa hè thậm chí tràn xuống cả lòng đường, chúng ta có thể kể ra các tên phố như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng…
Không hiểu các cơ quan chức năng nghĩ gì về các biển cấm mà họ đã ban hành ?
Các phổ cổ thì người ta ngồi la liệt ra các vỉa hè, nhiều quán cóc thì tận dụng từng cm vuông, còn hàng ăn thì tha hồ tung hoành nhất là vào các giờ cao điểm khi mà các cơ quan chức năng đến giờ nghỉ trưa, nghỉ chiều các hàng quán di động, gánh hàng rong len lỏi khắp trên các con phố dẫn đến các con đường vốn đã nhỏ hẹp lại càng nhỏ hẹp hơn khi giờ tan tầm đến biển người cùng các phương tiện giao thông đồng loạt đổ ra đường thôi thì mạnh ai nấy tiến miễn là trước mặt có khoảng trống là người ta tiến, tiếng máy nổ, tiếng còi xe, tiếng những người va quệt xe vào nhau tạo thành một thứ hỗn độn thật khủng khiếp
Sửa xe lấn chiếm vỉa hè - Chuyện thường ngày... (phố Huế)
Thật nói không ngoa rằng sợ nhất đi trên các đường phố ở Việt Nam, người ta chẳng theo môt luật lệ quy tắc nào. Vậy tại sao lại có tình trạng như thế? Bởi vì nền kinh tế thị trường? Nói vậy cũng có một phần đúng, vì đa số các trường hợp vi phạm lòng lề đường là các xe ô tô của Nhà nước, các cửa hàng kinh doanh bởi vì họ là Nhà nước không sợ bị phạt , biển số xanh 80B ai dám phạt? Bán vé số ai phạt ? Chả lẽ Nhà nước phạt Nhà nước à?... Các hàng quán kinh doanh thì làm luật, các doanh nghiệp Nhà nước thì có thế và lực cho nên cũng không khó hiểu khi trên cùng một tuyến phố có “nhà” để thoái mái, có "nhà" không giám để xe trên hè dù chỉ là một phút. Nền kinh tế thị trường có khác, chỉ có mấy mét mặt đường kinh doanh ai lại dại gì cho xe hết vào trong nhà?
Không thấy bóng dáng cơ quan chức năng nào cả !
Việc này khổ lắm nói mãi, ai cũng biết, nhưng quan trọng là nói với ai? Và vấn đề tiếp theo là làm thế nào? Mở đường cho rộng hơn ư? Cũng cần thiết đấy nhưng quá tốn kém, vấn đề này không thể làm một sớm một chiều . Vì vậy giải pháp tôi đưa ra sau đây không tốn kém lắm nhưng nếu được giải quyết một cách đồng bộ thì chắc chắn rằng giao thông đường bộ ở các đô thị Việt Nam sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Cần xây dựng thêm nhiều bãi đỗ xe công cộng nữa, rồi các cơ quan chức năng hãy cấm
Thông thường trước khi ban hành một lệnh cấm, người ta thường đặt câu hỏi cấm cái gì ? Tại sao lại cấm? Cấm rồi thì đối tượng bị cấm sẽ ra sao? Ở Việt Nam thì ngược lại người ta chỉ biết “trên bảo dưới phải nghe” nhưng thật tình mà nói chẳng ai dại gì lại “phơi mặt” ra vỉa hè, lòng đường như các hình ảnh mà Quý vị theo dõi ở trên. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên cực chẳng đã nhiều người phải kiếm sống bằng mọi cách, họ đáng thương hơn là đáng trách. Thông thường các nước trên Thế giới dành khoảng 4% quỹ đất giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) trong khi đó tình hình này ở Việt Nam khá khiêm tốn khoảng 0.3%.
II) BỐN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ NHẰM GIẢM THIỂU TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Để giải quyết vấn đề trên tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên dành ra một cuộc họp với Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, Bộ giao thông vận tải, Bộ công an, Sở giao thông công chính, Sở quy hoạch kiến trúc, Bộ văn hoá thông tin, Ngân hàng, các phương tiện truyền thông, các hãng sản xuất xe, đại diện người dân…tham gia vào bốn việc trọng điểm như sau:
Thứ nhất: Lập lại trật tự hành lang giao thông đường bộ bị lấn chiếm và mở thêm các bãi đỗ xe công cộng
Thứ hai: Xây dựng thêm các chợ xanh quanh khu dân cư
Thứ ba: Tuyên truyền đến người dân về luật an toàn giao thông
Thứ tư: Thành lập đội cảnh sát mô tô giao thông cơ động nhằm xử lý đối với các trường hợp vượt đèn đỏ, chở hàng cồng kềnh…
1) Lập lại trật tự hành lang giao thông đường bộ bị lấn chiếm và mở thêm các bãi đỗ xe công cộng
Tôi có một câu chuyện thật 100% cười ra nước mắt xin kể cho các Quý vị nghe. Số là một anh bạn tôi ở Thái Bình lên Hà Nội ký kết hợp đồng kinh tế làm ăn với một đối tác ở Hà Nội nhưng khi tìm được địa chỉ của công ty đó rồi thì anh ta loay hoay mãi không biết đỗ xe của mình vào đâu bởi vì mặt bằng công ty nọ cũng có hạn mà đỗ xe dưới lòng đường thì không yên tâm. Cuối cùng để cho chắc ăn anh ta phải gửi xe cách công ty đó hơn 1km và sau đó thuê ...xe ôm đến công ty.
Trên đây chỉ là một câu chuyện trong vô số câu chuyện mà Quý vị và các bạn có thể gặp hàng ngày tại các đô thị lớn ở Việt Nam Do đó việc giải toả hành lang bị lấn chiếm là điều cấp thiết tiếp theo là mở thêm các bãi đỗ xe công cộng còn về lâu về dài thì trên cơ sở những bãi đỗ xe này Nhà nước có thể tổ chức cho các cá nhân, tập thể đấu thầu nâng cấp dần dần các bãi đỗ xe này lên và vấn đề quản lý bến bãi.
2) Xây dựng thêm các chợ xanh
Phần lớn các siêu thị ở Việt Nam chưa phát triển và cũng do quỹ thời gian eo hẹp của chị em phụ nữ cho nên đến giờ tan tầm họ không vào các chợ mà tiện đường ghé mua thực phẩm cho nhanh và cũng không mất tiền gửi xe cho nên dẫn tới tình trạng lòng đường vỉa hè trở thành chợ dẫn đến cảnh ùn tắc kéo dài. Cũng cần nói thêm rằng, lúc này các biển cấm các phương tiện để trên vỉa hè hết hiệu lực (Cấm các phương tiện để trên vỉa hè lòng đường từ 7h đến 17h30) Cho nên trên vỉa hè lúc này đã trở thành cái chợ thực sự
Cần xây dựng thêm nhiều chợ nữa để những người bán hàng rong có “đất dụng võ”
Chính phủ nên có các khoản vay ưu đãi đối với việc xây dựng các chợ mới đồng thời nghiên cứu các phương án quản lý chợ sao cho đạt hiệu quả. Dưới đây tôi xin vẽ mô hình chợ dành cho chị em phụ nữ đi chợ bằng xe mô tô nhưng vẫn không diễn ra cảnh tắc đường
- Không thu vé vào chợ đối với người mua hàng (thu thông qua người bán vào chợ)
- Lối vào chợ là lối vào một chiều
- Nên cấm các phương tiện giao thông để trên vỉa hè, lòng đường từ 7h đến 21h hàng ngày kể cả ngày lễ và chủ nhật.
3) Tuyên truyền đến người dân về luật an toàn giao thông
Theo một cuộc khảo sát gần đây cho thâý, phần lớn những người sử dụng xe mô tô tại Việt Nam không có kỹ năng điều khiển xe như quan sát khi chuyển hướng, xi nhan, chuyển số, hãm phanh, bấm còi...một phần do Nhà nước quản lý việc cấp bằng không được tốt, một phần do giáo trình dạy về môn học này không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, theo tôi Sở giao thông công chính nên phối hợp với các xe máy Honda, Yamaha, Suziki, SYM soạn ra một giáo trình mới sát với thực tế hơn. Son với đó là đưa là đưa giáo trình an toàn giao thông vào các trường THCS, THPT xem đây như là một giáo trình bắt buộc giống như môn giáo dục quốc phòng. Nên chăng chấp nhận học sinh THPT đi xe mô tô trên 50 cm3 đến trường, việc này cũng có nghĩa là công nhận cấp GPLX cho các em. 4) Thành lập đội cảnh sát mô tô lưu động Mục đích của việc này là xử lý các trường hợp cố tình vượt đèn đỏ, xe đè lên vạch sơn, chở hàng cồng kềnh nhất là các xe đã quá cũ nát như xe babetta, xe lam... Chính phủ nên dành một phần tiền phạt thu được làm chế độ đãi ngộ thoả đáng cho các cán bộ chiến sỹ, một phần dành để thuê kho bãi có mái che để giữ các phương tiện giao thông vi phạm tránh tình trạng phạt nhưng không biết giữ phương tiện ở đâu, phần còn lại nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Trên đây là những đóng góp cá nhân mang tính xây dựng. Tôi hy vọng rằng các ý kiến của tôi sẽ góp phần vào việc giảm bớt tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông của nước ta hiện nay.