Hoan nghênh diễn đàn mang tính thiết thực, liên quan đến một vấn đề nóng bỏng và bức xúc của xã hội.
Tuy nhiên, theo tôi giải pháp chúng ta đã tìm ra nhiều đã "áp dụng nhiều" nhưng chưa triệt để và chưa thật nghiêm túc. Do vậy, có lẽ nên đi tìm cách để thực hiện các giải pháp đã có một cách tốt hơn chính là một kế sách hay. Tôi xin nêu ra dưới đây một số trường hợp.
Luật giao thông của ta đã đầy đủ, tuy nhiên chúng ta chưa thực hiện nghiêm. Ta vẫn thấy những tình huống có người phạm luật như đi dàn hàng ngang, lấn chiếm luồng đường, vượt đèn đỏ, thâm chí là lúc có mặt cảnh sát giao thông, nhưng chưa bị xử phạt, nhất là lúc người phạm luật đi bộ, đi xe đạp và càng đúng nếu đối tượng ấy lại là trẻ em, học sinh, những người lam lũ (các bà bán hàng rong chẳng hạn). Từ đấy gây ra tâm lý "nhờn" luật, và tâm lý cho rằng phạm luật là việc bình thường.
Một khía cạnh khác, việc vi phạm luật ở những con đường không có cảnh sát giao thông càng xảy ra thường xuyên hơn do người phạm luật nghĩ rằng sẽ không bao giờ họ bị phạt ở đấy, điều này đúng trong đại đa số các trường hợp hiện tại. Ở trên đường (đặc biệt là trong đô thị), hầu như không có cảnh sát tuần tra và xử phạt. Vì vậy theo tôi nên tổ chức các tổ tuần tra lưu động, đi mô tô trên đường và xử phạt ngay những trường hợp người phạm luật bị bắt gặp. Tất nhiên, ta không đủ người và phương tiện để tiến hành thường xuyên trên tất cả các con đường, nhưng việc tuần tra không định kỳ, vào những thòi điểm ngẫu nhiên, trên những con đường ngẫu nhiên sẽ làm cho người tham gia giao thông có ý thức hơn mỗi khi đi trên đường.
Đối với người đi bộ, đi xe đạp tôi đồng ý với ý kiến là nên nâng cao mức phạt và cách thức xử phạt. Nếu không có tiền để nộp phạt, đề nghị thu phương tiện (xe đạp), tạm giữ người (đi bộ). Điều này giải quyết việc một số cảnh sát giao thông ngại phạt người đi bộ hoặc đi xe đạp vì họ không có tiền để nộp phạt, hay xin xỏ lằng nhằng.
Chúng ta cũng đã đưa ra giải pháp về việc kết hợp với nhà trường để giảm tình trạng học sinh phạm luật giao thông. Giải pháp hạ bậc hạnh kiểm nếu có học sinh phạm luật giao thông là hay, và đúng, vì phạm luật có nghĩa là không có hạnh kiểm tốt. Có thể đưa ra biện pháp ở đây là bất kỳ người nào bắt gặp học sinh phạm luật, với chứng cớ cụ thể (ảnh chụp chẳng hạn) thì có thể báo với nhà trường và nhà trường phải hạ bậc hạnh kiểm ngay đối với học sinh đó. Ta thấy nhan nhản cảnh học sinh phạm luật, người đi đường rất bực mình, đôi khi la mắng, nhắc nhở nhưng học sinh cứ lờ đi, thậm chí còn nói lại một cách thiếu lịch sự. Hy vọng cách này sẽ làm cho học sinh, một đối tượng thường xuyên phạm luật hiện nay, trở nên có ý thức chấp hành tốt hơn.
Cuối cùng, tôi đề nghị các lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông phải hết sức gương mẫu khi tham gia giao thông. Tôi đã từng gặp trường hợp cảnh sát (mặc sắc phục), đi xe mô tô với một tay (tay kia cho vào túi áo cho đỡ lạnh, hoặc đang hút thuốc), có khi thì rẽ ngang mà không xin đường. Tôi cũng đã gặp một thanh tra giao thông (mặc sắc phục, đi mô tô ghi chữ thanh tra giao thông), vừa lái xe vừa nói chuyện với một người khác đi mô tô song song trên một con đường không lấy gì làm rộng lắm. Khi dừng lại ở vạch đèn đỏ, và được tôi hỏi có biết rằng đi mô tô dàn hàng nagng là phạm luật không, người đó chống chế rằng "dàn hàng ngang là 3, 4 xe chứ 2 xe thì không phải". Nếu người dân bình thường thấy các lực lượng đại diện cho luật pháp, nhất là liên quan đến việc giữ gì giao thông mà cũng phạm luật thì có thể đòi hỏi họ có ý thức cao được hay không?
Hà Hải
|