Người viết bài này đã từng tham gia một nhóm tư vấn nghiên cứu của chính phủ Nhật hợp tác với chính phủ Việt Nam về giao thông, do vậy đã từng đọc rất nhiều báo cáo nghiên cứu do nghiên cứu viên cả trong và ngoài nước thực hiện. Người viết thực sự thấy những nghiên cứu đó rất có cơ sở, rất có tính thuyết phục, và sẽ rất hữu ích nếu UBATGT rà soát lại tòan bộ các nghiên cứu này.
Tai nạn giao thông là quốc nạn của Việt Nam không ai không nhận thấy khi tham gia giao thông. Tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân người Việt Nam chết nhiều nhất sau cái chết sinh lão bệnh tử bình thường. Nguy hiểm hơn, số lượng tuyệt đối cũng như mức độ thảm khốc của các vụ tai nạn vẫn theo chiều hướng tăng lên. Nguy hiểm hơn các con số về tai nạn chúng ta hằng ngày được cập nhật chưa phải là con số thực tế vốn bao gồm cả những vụ va chạm vừa vừa, không làm ai đó phải đi bệnh viện hay phải có công an giao thông tham gia giải quyết nhưng cũng làm nạn nhân bị ảnh hưởng ít nhiều.
75-80% nguyên nhân các tai nạn giao thông đường bộ đều được xác định do lỗi người điều khiển phương tiện như không tuân thủ luật giao thông, chạy quá tốc độ, lái xe nguy hiểm, uống rượu khi chạy xe, thiếu quan sát đường, lái xe bị mệt mỏi, và đua xe bất hợp pháp. Chỉ 1-2% là do điều kiện cầu đường xấu hay phương tiện không đảm bảo yêu cầu.
Vấn đề đặt ra là số tai nạn giao thông đang ngày một tăng, mức độ thảm khốc ngày một nhiều, mà đáng tiếc, nguyên nhân được xác định do lỗi của 80% người điều khiển phương tiện. Điều đó có nghĩa nếu người điều khiển phương tiện không thay đổi, tức không nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện, không có kiến thức và ý thức giao thông tốt hơn thì sẽ tiếp tục có tai nạn nhiều hơn.
Cần đặt tiếp vấn đề về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với lỗi của người điều khiển phương tiện? Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với 80% những người đã và đang phạm luật/ lỗi tham gia giao thông này là gì? Nếu một đứa trẻ hư thường người ta nói con hư tại mẹ cháu hư tại bà, hoặc bảo nó là đứa thiếu giáo dục. Vậy cũng có thể nói lỗi của 80% số người đã đang gây ra tai nạn kia là lỗi của giáo dục, của hệ thống đào tạo và cấp bằng lái thiếu hiệu lực của chúng ta.
Hệ thống đào tạo và cấp bằng lái của chúng ta đã cho ra sản phẩm là quá nhiều những người điều khiển phương tiện kỹ thuật kém và ý thức kém. Việc cho phép họ tham gia giao thông khiến tai nạn giao thông luôn rình rập và tiềm ẩn mỗi bước họ đi. Ở Nhật, để có bằng lái xe người ta phải tham gia đào tạo rất bài bản, rất quy củ, rất tốn kém, và khi đến ngày sát hạch không đạt yêu cầu thì về làm lại, học lại. Nhiều người phải thi lại. Trong khi đó, tỉ lệ những người không đạt sau lần sát hạch đầu tiên của Việt Nam là bao nhiêu? bao nhiêu người mắc lỗi khi xảy ra tai nạn kia có bằng lái? không có bằng lái?
Bằng lái xe là phương tiện để cơ quan quản lý nhà nước sử dụng, chứng nhận một người có đủ kỹ thuật, kiến thức, và ý thức tham gia giao thông, để được phép tham gia giao thông. Tấm bằng lái xe hiện nay ở Việt Nam đã thực mang vai trò như vậy?
Vậy, tôi mạo muội đề xuất một biện pháp có thể là nhức đầu, là tốn kém, nhưng theo tôi là khả thi và chắc chắn sẽ cải thiện tình hình. Biện pháp đó là KIỆN TOÀN HỆ THỐNG ĐÀO TẠO VÀ CẤP BẰNG LÁI XE.
1. Phạt nặng người không có bằng lái xe tham gia giao thông, bao gồm cả giam xe, giam người.
2. Nâng cao năng lực đào tạo lái xe:
a. Nâng cao năng lực chuyên môn đào tạo lái xe cho các giảng viên hiện có.
b. Tăng cường nhân lực cho đào tạo lái xe theo nhu cầu tương ứng.
c. Cải cách cả về nội dung và thời lượng chương trình đào tạo cũng như phương pháp đào tạo. Chẳng hạn về nội dung: cần nhấn mạnh hơn nữa vấn đề ý thức tham gia giao thông. Chương trình đào tạo lái xe tôi tham dự hồi tháng 5 năm 2003 cho thấy chương trình hòan toàn bỏ qua nội dung đào tạo về ý thức tham gia giao thông.
3. Cấp lại và cấp mới bằng lái. Việc cấp lại được thực hiện qua việc lần lượt vô hiệu lực hóa tất cả các bằng lái đã cấp. Làm lần lượt với từng địa phương. Có thể theo đơn vị quận, huyện, hoặc thậm chí nhỏ hơn, ở cấp phường, xã. Lấy ví dụ: Trong khoảng thời gian 6 tháng nhất định, tất cả chủ xe máy/ những người có nhu cầu tham gia giao thông bằng xe máy, phải làm lại bằng lái xe bằng cách thi lấy bằng một cách nghiêm túc, phải được kiểm tra tất cả từ kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức giao thông. Sau đó, chỉ những người có bằng lái xe theo hệ thống mới mới được sử dụng phương tiện tham gia giao thông.
Do thực hiện trên quy mô rộng, ta chỉ có khả năng làm lần lượt từng địa phương chứ không làm đồng loạt được. Vậy sẽ có tình trạng, ở những thời điểm nhất định, ở những địa phương chưa đến lượt, người dân vẫn được phép sử dụng bằng lái cũ. Dù vậy, sau khoảng 3-5 năm tin rằng tình hình được cải thiện tòan bộ.
Một lần nữa nhấn mạnh: chất lượng của bằng lái xe! Hãy để bằng lái xe phát huy ý nghĩa thực thụ của nó.
Xin cảm ơn!
|