An ninh ở Việt Nam hiện tuy được xem là an toàn bậc nhất trên thế giới nhưng tai nạn giao thông thì ngược lại, mỗi năm cướp đi mạng sống của trên một vạn người, tương đương một sư đoàn bị xóa sổ trong chiến tranh ... Thật khủng khiếp! Trong thời bình nhưng mỗi ngày khi đi ra đường, trung bình có trên 30 người Việt phải thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương tật không phải vì bom đạn chiến tranh hay thiên tai mà vì các phương tiện giao thông. Nguy cơ lìa khỏi cõi đời bất đắc kỳ tử hoặc nằm liệt giường suốt đời do tai nạn giao thông ở Việt Nam cũng xem xem với nguy cơ bị nạn do chiến tranh ở Irắc hiện nay. Những người bị tai nạn giao thông thường đang ở độ tuổi sung sức, là trụ cột của gia đình, là tài nguyên sống của quốc gia. Ở hội nghị an toàn giao thông năm 2006 vừa qua, phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã so sánh số người chết do tai nạn giao thông trong một năm tương đương số người chết do khoảng 120 cơn bão mạnh (cấp 11-12 trở lên, đỗ bộ trực tiếp vào nước ta) và khẳng định “…đây là thảm họa quốc gia …”.
Một tai nạn giao thông xảy ra liên quan trực tiếp đến 03 nhân tố: người tham gia giao thông, phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông. Hai nhân tố khác có tính điều khiển, chi phối hoạt động giao thông theo xu hướng làm ổn định chúng (trái với xu hướng hỗn loạn tự do) là luật giao thông và cảnh sát giao thông. Từ đó có thể nhận thấy những nguyên nhân chính gây nên “thảm họa quốc gia” này là:
Thứ nhất: do ý thức kém của đa số người tham gia giao thông (kể cả người đi bộ). Cụ thểlànhiềungười tham gia giao thông thường thiếu tinh thần tự giác, vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường qui định, chở qúa tải, chạy quá tốc độ cho phép, …; ứng xử văn hóa giao thông thiếu văn minh; không làm chủ bản thân do rượu bia hoặc tính hiếu thắng bốc đồng dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, …
Thứ hai: do hạ tầng giao thông (đường sá, cầu cống, phân luồng, các nút giao nhau, hành lang an toàn, hệ thống tín hiệu, mạng lưới giao thông công cộng, …) còn nhiều bất cập.
Thứ ba: do nhiều loại phương tiện lưu thông không đảm bảo mức độ an toàn cho người sử dụng (tuổi đời của phương tiện, hệ thống thắng, bánh xe, cổ xe, tay lái, đèn, các phương tiện cứu hộ, …).
Thứ tư: do đội ngũ có trách nhiệm giữ gìn trật tự an toàn giao thông (cảnh sát giao thông, trật tự đường phố) làm việc thiếu hiệu qủa, xử phạt thiếu minh bạch & nghiêm khắc, tính giáo dục thông qua xử phạt chưa cao, một bộ phận không nhỏ lợi dụng chức trách để nhũng nhiễu, nhận hối lộ …
Thứ năm: luật giao thông chưa bổ sung, hoàn thiện kịp thời để phù hợp với thực tiễn tình hình giao thông trong nước.
Tóm lại, những nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông liên quan đến người tham gia giao thông; phương tiện giao thông; hạ tầng giao thông; người giữ trật tự giao thông và luật giao thông.
Khi tai nạn giao thông gia tăng đến mức nghiêm trọng, có thể xem là “thảm họa quốc gia” trong một thời gian khá dài như bấy lâu mà vẫn chưa có giải pháp tốt để đối phó hiệu qủa thì cần phải nghiêm túc xét đến hai nguyên nhân chủ quan khác ở cấp vĩ mô.
Một là: do Ủy ban an toàn giao thông quốc gia thiếu tính chuyên nghiệp (Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban an toàn giao thông quốc gia Hồ Nghĩa Dũng đã thừa nhận điều này ở hội nghị an toàn giao thông vừa qua), chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hai là: do Đảng, Quốc hội và Chính phủ chưa khẩn trương, quyết liệt vào cuộc, đề ra những nghị quyết, chủ trương, chính sách đồng bộ, có tính khả thi, lâu dài để phòng tránh tai nạn giao thông một cách hiệu qủa và bền vững (trong các kỳ họp gần đây nhất, Đảng, Quốc hội chưa có nghị quyết riêng về phòng chống tai nạn giao thông, Chính phủ chưa xem vấn đề này là mục tiêu chính trong năm 2007).
Xin đề xuất một số giải pháp mang tính đồng bộ:
Giải pháp 1: Đảng, Quốc hội và Chính phủ cần khẩn trương, quyết liệt vào cuộc, đề ra những nghị quyết, chủ trương, chính sách đồng bộ, có tính khả thi, lâu dài, chuyên nghiệp hóa Ủy ban an toàn giao thông quốc gia và tạo nhiều điều kiện thuận lợi, giao quyền cùng trách nhiệm thích đáng cho Ủy ban này để sớm giải quyết căn cơ “căn bệnh tai nạn giao thông mãn tính”.
Giải pháp 2: Ủy ban an toàn giao thông quốc gia chủ động nâng cao tính chuyên nghiệp, sớm tổ chức nghiên cứu một cách qui mô để chẩn đoán đúng thực trạng của “căn bệnh” này. Từ đó “kê toa thuốc” thích hợp, đề ra chiến lược tổng thể, giải pháp tổng hợp một cách khả thi, tối ưu để phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan và mọi tầng lớp nhân dân nhằm sớm chận đứng và đẩy lùi mạnh mẽ “thảm họa quốc gia” này một cách hiệu qủa.
Giải pháp 3: kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến thiết thực cho luật giao thông hiện hành thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (hình thức cũng tương tự như diễn đàn này). Từ đó sớm bổ sung, chỉnh sửa kịp thời luật giao thông để phù hợp hơn với thực tiễn tình hình giao thông trong nước. Chú trọng những điều khoản về tính thực tiễn của nội dung thi lấy bằng lái, độ tuổi lái, tài xế chạy đường dài, kiểm định xe máy; quyền giám sát của nhân dân (giám sát trực tiếp cảnh sát giao thông và trật tự viên); hành lang an toàn giao thông (lề đường, rào chắn, …); quyền hạn & trách nhiệm của cảnh sát giao thông, trật tự viên; bến bãi dừng xe đón khách dọc đường; tốc độ tối đa & tối thiểu trong đô thị và ngoài đô thị (không nên phân biệt tốc độ các loại xe nếu chưa phân luồng tốt); chuẩn hóa những vấn đề thiết yếu của hạ tầng giao thông; tính pháp lý của kỹ thuật số trong giám sát giao thông; thay đổi mức phạt theo hướng nâng cao tính giáo dục người vi phạm (không nhất thiết phải phạt bằng tiền mà có thể đa dạng hóa bằng các hành vi làm cho người vi phạm cảm thấy xấu hổ mang tính giáo dục, vi phạm lần sau chịu phạt nặng hơn lần trước, tái phạm nhiều lần có thể bị giam tù để giáo dục, cải tạo); tính pháp lý của các trung tâm kiểm định chất lượng phương tiện giao thông (thuộc sở hữu nhà nước hoặc tư nhân); các phương tiện bảo hộ bắt buộc đối với người tham gia giao thông; v.v …
Tác động của việc sửa đổi một bộ luật đến cuộc sống thường chậm do phải thông qua nhiều bước và cần có nghị định hướng dẫn. Nếu có thể thì những cấp có thẩm quyền cao nhất như Bộ Chính trị & Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, … chủ động ngồi lại bàn để sớm thông qua chủ trương kêu gọi nhân dân góp ý hoàn thiện bộ luật giao thông sửa đổi để có thể thông qua ngay trong kỳ họp Quốc hội sắp tới và đi ngay vào cuộc sống mà không cần nghị định hướng dẫn. Cũng có thể xem đây là một hướng đột phá thử nghiệm mới cách làm luật, sửa luật …
Giải pháp 4: ưu tiên dành một khoản đáng kể nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông (đường sá, phân luồng, dãi phân cách bằng vật liệu đàn hồi, cầu vượt ở các nút giao nhau, cầu cống, bờ kè, hành lang an toàn, hệ thống tín hiệu, mạng lưới giao thông công cộng, …) trên toàn quốc. Sớm chuẩn hóa các loại đường cao tốc (đường bộ, đường xe lửa, đường thủy) theo tiêu chuẩn quốc tế; chuẩn hóa đường (đường bộ lẫn đường thủy, kể cả hẻm, rạch) trong đô thị, quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã, liên ấp theo điều kiện của các vùng miền ở Việt Nam. Trong vấn đề hoàn thiện hạ tầng giao thông, có lẽ việc hoàn thiện hành lang an toàn giao thông sẽ khó khăn nhất vì bị ảnh hưởng trực tiếp bởi “văn hóa mặt tiền”. Đây là một nét văn hóa không tốt, không phù hợp với nếp sống văn minh. Ngay trong khu vực, các nước như Malaixia, Singapo, … hiện không tồn tại nét văn hóa này. Điều này hợp lý vì ngoài yếu tố nguy cơ bị tai nạn giao thông cao, xét về yếu tố môi trường & sức khỏe, nhà ở mặt tiền chịu ô nhiễm (bụi, chất thải độc hại từ các loại xe, thiếu dưỡng khí, tiếng ồn,…) nặng hơn, người trong nhà dễ mắc bệnh hơn so với nhà ở cách xa đường giao thông;xét về yếu tố sản xuất & thương mại, từng cửa hiệu nhỏ lẻ mặt tiền biểu hiện cho một nền sản xuất & thương mại manh mún, kém hiệu qủa. Nếu không sớm nhận thức (một số chính sách cũng bị ảnh hưởng của văn hóa này khi qui định giá đất mặt tiền cao hơn, qui hoạch đô thị với những căn nhà nằm cạnh các con đường chính, …) và có những giải pháp hữu hiệu thì “văn hóa mặt tiền” ở Việt Nam khó bị đẩy lùi, hành lang an toàn giao thông khó đạt được mức hoàn thiện.
Vấn đề hoàn thiện hạ tầng giao thông cần rất nhiều kinh phí nên một mặt phải huy động nhiều nguồn kinh phí khác nhau (ODA, ngân sách đầu tư từ trung ương, tiết kiệm xây dựng cơ bản ở địa phương, nguồn thu từ vi phạm luật giao thông, các nguồn tự nguyện đóng góp khác, …), mặt khác cần xác định các hạng mục cần thiết nhất, có tác dụng giảm tai nạn giao thông nhanh nhất để ưu tiên đầu tư trước …
Giải pháp 5: khuyến khích tư nhân thành lập các trung tâm kiểm định, bảo trì xe máy (tiến hành đồng bộ với việc sửa đổi luật giao thông). Đây là phương thức nhằm hạn chế hiệu qủa các loại xe máy không đảm bảo an toàn giao thông đi ra đường. Phương thức này cũng sẽ góp phần đáng kể vào việc hạn chế sự gia tăng xe máy lưu thông trên đường bộ.
Giải pháp 6: nghiên cứu xây dựng mô hình “cảnh sát điện tử”. Ý tưởng của mô hình này là nghiên cứu sử dụng công nghệ thông tin kết hợp camera, súng bắn tốc độ để tự động ghi hình số xe (bắt buộc gắn thêm số ở hai bên biển số xe) người vi phạm luật giao thông (vượt đèn đỏ, lạng lách, chạy qúa tốc độ cho phép, vi phạm phần đường, v.v …). Chương trình được thiết kế phải cho phép tự động nhận biết nhanh người vi phạm (họ tên, số CMND, địa chỉ thường trú, cơ quan làm việc, v.v…), số lần vi phạm, số lỗi vi phạm. Từ đó tự động định mức phạt (lũy tiến theo luật giao thông sữa đổi sau này). Qua đường bưu điện, người vi phạm sẽ nhận được thông báo vi phạm luật giao thông với hình chụp cụ thể hành vi, thời gian, địa điểm vi phạm (đây là bằng chứng được luật giao thông mới qui định), lời cảnh báo, mức nộp phạt, địa điểm và thời gian đóng phạt. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái vi phạm nhiều lần, cảnh sát giao thông sẽ trực tiếp can thiệp kịp thời một cách nhanh chóng. Mô hình này một khi phát huy được tính hiệu qủa sẽ thay thế cảnh sát giao thông hoặc trật tự viên ở các chốt đèn đỏ, các cung đường người tham gia giao thông dễ vi phạm luật. Lực lượng cảnh sát giao thông được dôi ra sẽ tham gia vào một vài công đoạn của hoạt động “cảnh sát điện tử”, tập trung cho việc điều phối giao thông ở những điểm nóng, tăng cường bắt giữ kịp thời những đối tượng vi phạm nghiêm trọng, kiểm tra, giám sát chất lượng, tiêu chuẩn các phương tiện giao thông, tham gia chỉ dẫn luật giao thông, giáo dục ý thức tự giác cho những người vi phạm luật bị tạm giam (nên thay hình thức giam xe bằng giam người vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng), v.v …
Những ưu điểm nổi bật của “cảnh sát điện tử” là: chính xác; khách quan; công minh; hiệu qủa; thống kê và lưu giữ được một cách tự động, có hệ thống số lượng lớn thông tin về người vi phạm, nội dung vi phạm; buộc người tham gia giao thông luôn phải đặt mình trong tư thế phải tự giác vì “cảnh sát điện tử” vốn vô hình nhưng có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và bằng chứng thì khó có thể chối cãi …
Để mô hình “cảnh sát điện tử” có thể trở thành hiện thực, cần đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ và kinh phí. Trước tiên cầnnghiên cứuxây dựng chương trình số hóa và chế tạo các thiết bị kết nối một cách tự động hoặc nhận chuyển giao công nghệ từ các nước đã áp dụng mô hình này (như Singapo áp dụng công nghệ bắn tốc độ tự động).
Giải pháp 7: tăng cường giáo dục ý thức tự giác, ứng xử văn minh về văn hóa giao thông, luật giao thông cho học sinh, sinh viên (HS-SV) thuộc mọi cấp học, bậc học một cách thiết thực. Các điều khoản cơ bản của luật giao thông phải được đưa vào chương trình chính khóa và cập nhật không ngừng (trường học cần sớm được tự chủ về chương trình để linh hoạt hơn trong vấn đề này cũng như các vấn đề thời sự khác liên quan mật thiết với cuộc sống). Trong hoạt động ngoại khóa, thường xuyên tạo điều kiện cho HS-SV thảo luận về các nguy cơ bị tai nạn giao thông, tác hại trước mắt & lâu dài khi bị tai nạn, các cách phòng tránh (chẳng hạn khuyến khích HS-SV tham gia diễn đàn này), ứng xử văn minh trên đường phố, thực hành hiệu qủa trên con đường đi về hàng ngày, nhất là đoạn đường ngay trước cổng trường đang học. Trong một học kỳ, kiên quyết xếp loại đạo đức trung bình nếu HS-SV vi phạm 01 lần luật giao thông, xếp loại yếu nếu vi phạm lần 02, xếp loại kém nếu vi phạm từ lần 03 trở lên. Nếu phạm lỗi nghiêm trọng thì tiến hành kỷ luật, rút kinh nghiệm ngay ở cấp trường. Ngành giáo dục đang đẩy mạnh cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử …”, hiểu rộng ra thì thi cử tích cực nhằm mục tiêu đánh giá chính xác nhận thức, kỹ năng, thái độ, đạo đức của người học thông qua nhiều loại hình đánh giá khác nhau (không nhất thiết phải làm bài, chấm điểm mới gọi là thi). Tinh thần tự giác, tự chủ là một tiêu chí quan trọng của đạo đức. Do vậy chọn hành vi điển hình khi vi phạm luật giao thông làm căn cứ để xếp loại đạo đức cũng phù hợp với tinh thần của cuộc vận động “nói không …” này.
Trong gia đình, người lớn phải làm gương cho người nhỏ về việc chấp hành tốt ý thức và ứng xử văn minh văn hóa giao thông, phải thường xuyên chủ động kiểm tra độ an toàn của xe, cùng nhau nhắc nhở hàng ngày cẩn trọng khi đi ra đường vì nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra, mang tai họa đến cho cả gia đình. Nếu trong gia đình có thành viên vi phạm luật giao thông sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến danh hiệu gia đình văn hóa vốn thường được cấp dễ dàng hàng năm ở địa phương.
Giải pháp 8: cán bộ, viên chức, người lao động thuộc mọi công sở, công ty, nhà máy, xí nghiệp, v. v … cũng cần được giáo dục không ngừng ý thức tự giác, ứng xử văn minh về văn hóa giao thông, luật giao thông với những hình thức sinh động, thực tế, dễ đi vào lòng người. Trong một năm, kiên quyết phê bình đối tượng tại đơn vị nếu đối tượng vi phạm 01 lần luật giao thông, cảnh cáo và hạ bậc lương hoặc cách chức nếu vi phạm lần 02, buộc thôi việc nếu vi phạm lần 03.
Trong các đoàn thể, phê bình nghiêm khắc & hạ 01 bậc xếp loại nếu đoàn viên vi phạm lần đầu luật giao thông, cảnh cáo & hạ 02 bậc xếp loại nếu vi phạm lần thứ hai, buộc ra khỏi đoàn thể nếu tái phạm lần ba trong vòng 01 năm. Nếu là đảng viên thì càng phải chịu hình phạt nặng hơn so với đoàn viên vì trên nguyên tắc thì ý thức tự giác, tự chủ, vì tập thể của đảng viên cao hơn đoàn viên. Vào Đảng, vào Đoàn trước hết do ý thức tự nguyện, tham gia các tổ chức tiên tiến này để không ngừng được hoàn thiện bản thân, xây dựng lý tưởng & hoài bão, phục vụ nhân dân. Không có điều lệ nào cấm vào Đoàn, vào Đảng trở lại một khi tự giác hoặc bị khai trừ ra khỏi các tổ chức này. Tuy nhiên đã tham gia các tổ chức này thì thành viên cần phải thực sự xứng đáng…
Giải pháp 9: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội, các cộng đồng dân cư, tuyên truyền sâu rộng luật giao thông, ý thức tham gia giao thông, ứng xử văn minh văn hóa giao thông, nêu gương tốt song song với chê trách, lên án mạnh mẽ những đối tượng vi phạm an toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân. Khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân dân và báo chí giám sát, lên án những hành vi sai trái liên quan đến hoạt động giao thông cũng như tham gia góp ý, hiến kế để góp phần làm giảm nhanh tai nạn giao thông ở Việt Nam. Chuyên mục an toàn giao thông hàng ngày trên VTV1 cần được phát huy, các đài truyền hình địa phương cũng nên có hình thức hiệu qủa tương tự để phản ánh gần gũi hơn tình hình an toàn giao thông ở địa phương mình. Các tiểu phẩm tương tự như chương trình tuyên truyền luật giao thông do Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, đài VTV và công ty Hon da Việt Nam phối hợp cần được nhân rộng. Ý tưởng nhận ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm hạn chế tai nạn giao thông trên Website của Bộ Giao thông Vận tải rất hay, cần được duy trì thường xuyên và sơ kết sau mỗi đợt, thông tin trên truyền hình và các tờ báo lớn để tạo chú ý cho công chúng, thu hút nhiều người tham gia những đợt sau …
Giải pháp 10: sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế hiệu qủa lượng người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép. Chọn lọc hoặc cải tiến dụng cụ thiết bị đo độ cồn cho người điều khiển phương tiện giao thông theo tiêu chí “chính xác, tiện lợi, hợp vệ sinh, giá thành thấp”. Về lâu dài cần có giải pháp đồng bộ, khả thi, bền vững để làm giảm mạnh số người sử dụng bia rượu “quá đà” như bấy lâu nay.
Vấn đề nâng cao ý thức tự giác, tự chủ cho công dân tuy không tốn nhiều kinh phí nhưng có lẽ là những giải pháp khó khăn nhất (04 giải pháp cuối) vì liên quan đến lòng người vốn nhạy cảm, giữa suy nghĩ và hành động thường có khoảng cách, môi trường văn hóa, giao tiếp xung quanh cũng qúa phức tạp. Là người hiếm có ai hoàn hảo, không hề mắc sai phạm, quan trọng và giá trị ở chổ phải cầu thị, tự hoàn thiện mình sau mỗi lần mắc lỗi, đứng dậy và bước cẩn trọng hơn sau mỗi cú vấp ngã… Nếu lỡ bị phạt vì vi phạm luật giao thông thì không nên trách ai mà chỉ nên trách chính mình, phải thầm cảm ơn nhờ vậy mà mình biết cái sai của mình để sửa, bị phạt lần này nhẹ hơn nhiều so với lỡ bị tai nạn giao thông do sự sai phạm của chính mình … Cần có một sự đồng thuận và quyết tâm rất cao của cả xã hội để có thể cùng nhau kiên trì thực hiện tốt các giải pháp này …
Trong một cuộc điều tra xã hội học gần đây, tham nhũng và tai nạn giao thông ở Việt Nam là hai trong bốn vấn đề hàng đầu được xã hội quan tâm nhất hiện nay (thứ tự các vấn đề được quan tâm nhất là tham nhũng; tai nạn giao thông; tệ nạn xã hội; chất lượng giáo dục). “Quốc nạn tham nhũng” ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tếnước nhà, uy tín của Đảng, vị thế của Việt Nam và đạo đức công dân Việt nên đã và đang được đấu tranh phòng chống một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. “Thảm họa tai nạn giao thông” ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống, thương tật của mỗi một người dân, đe dọa sự phát triển bền vững, làm khập khiễng vấn đề an ninh ở Việt Nam nên tính quyết liệt cũng không kém. Chận đứng và đẩy lùi mạnh mẽ tai nạn giao thông là một chiến lược lâu dài, khó khăn và đầy thách thức. Cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân cần phải sớm đồng lòng vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, công sở, v. v … cần được phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, đầy đủ. Bên cạnh đó mỗi một công dân Việt Nam cũng cần phải chủ động nâng cao ý thức tự giác, cẩn trọng khi tham gia giao thông, tích cực đóng góp khả năng của mình một cách thiết thực để góp phần hạn chế tai nạn giao thông.
Một số ý kiến được tổng hợp từ các tác giả trên các phương tiện thông tin đại chúng hòa quyện cùng một vài suy nghĩ cá nhân xin được gởi đến Diễn đàn. Hy vọng Diễn đàn nhận được thật nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của nhân dân để các cấp có thẩm quyền & trách nhiệm chính thấy được nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó có điều kiện lựa chọn, bổ sung và sớm hoàn thiện các chủ trương, chính sách tốt nhằm giảm đáng kể tai nạn giao thông ở Việt Nam trong tương lai gần.
Trân trọng kính chào
Nguyễn Viết Thịnh