Giống như nhiều nước đang phát triển, ở nước ta TNGT tăng đột biến và ở mức cao, có nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng “bùng nổ” và “bất cập”: “ bùng nổ” phương tiện cơ giới (chủ yếu là mô-tô, xe gắn máy, gọi chung là xe máy), tạo ra sự “bất cập” về cơ sở hạ tầng, ý thức người tham gia giao thông và năng lực tổ chức quản lý giao thông. Không ít vùng quê ở nước ta đang ở trong trạng thái này...
Giống như nhiều nước đang phát triển, ở nước ta TNGT tăng đột biến và ở mức cao, có nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng “bùng nổ” và “bất cập”: “ bùng nổ” phương tiện cơ giới (chủ yếu là mô-tô, xe gắn máy, gọi chung là xe máy), tạo ra sự “bất cập” về cơ sở hạ tầng, ý thức người tham gia giao thông và năng lực tổ chức quản lý giao thông. Không ít vùng quê ở nước ta đang ở trong trạng thái này...
Khởi đầu, phương tiện cơ giới “bùng nổ” ở địa bàn đô thị, dăm bảy năm gần đây, lan sang địa bàn nông thôn, nhất là những vùng có sản phẩm nông nghiệp hàng hóa trúng mùa và được giá, công nghiệp và dịch vụ mở mang, nhiều hộ nông dân được nhận tiền đền bù do mở đường hoặc xây dựng khu công nghiệp, nơi có nhiều người đi xuất khẩu lao động...
Đón bắt nhu cầu của nông dân, các nhà sản xuất và phân phối xe máy đã giảm giá và áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi, bán hàng trả góp, đã thúc đẩy số lượng xe máy tăng mạnh ở địa bàn nông thôn. Từ chỗ, cả xã có vài xe máy, giờ đây số xe máy bằng hoặc nhiều hơn số hộ dân, làng quê không còn yên tĩnh, tiếng xe chạy suốt ngày và TNGT cũng dồn dập hơn. Ví dụ: Thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy (Nam Định) mấy năm gần đây đời sống nhân dân có phần cải thiện nhờ phát triển du lịch và dịch vụ, đồng thời TNGT cũng tăng lên. Theo con số thống kê của công an, số vụ tai nạn và va quệt năm 2007 tăng 7 vụ so với năm 2006. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2008 số vụ tai nạn và va quệt bằng cả năm 2007, trong đó có 3 vụ tai nạn làm chết 3 người...
Nhìn chung nguyên nhân gia tăng TNGT ở địa bàn nông thôn là do số lượng xe máy tăng nhanh, trong khi ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân và năng lực quản lý giao thông của chính quyền còn hạn chế, đường giao thông nông thôn dù có cải thiện nhưng chưa đồng bộ. ở nhiều địa phương đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa và nhựa hóa, song hầu hết những con đường này thường chỉ chú trọng cải thiện mặt đường tạo điều kiện cho xe chạy nhanh hơn, chứ ít ai chú ý đến các yếu tố bảo đảm ATGT như đặt các biển báo giao thông, làm gờ giảm tốc ở những nút giao nguy hiểm, lắp thêm thiết bị chiếu sáng.
Qua khảo sát trên địa bàn huyện Quế Võ (Bắc Ninh), có rất nhiều đường làng, đường xã nối với tỉnh lộ không có báo hiệu. Thôn Bất Phí (xã Nhân Hoà) có 5 nhánh đường làng giao cắt với tỉnh lộ 219, chỉ có 2 nhánh được lắp báo hiệu giao nhau với đường ưu tiên; đường làng Lợ (xã Việt Hùng), đường làng Đỉnh (thị trấn Phố Mới), giao cắt với tỉnh lộ 18 và tỉnh lộ 219 cũng ở trong tình trạng tương tự.
Trong khi đó, nhiều người có xe mới, đường lại phẳng, leo lên xe là mặc sức phóng, có những trường hợp còn chưa kịp học Luật Giao thông. Trẻ em nông thôn cũng được bố mẹ cho đi xe máy sớm hơn trẻ em thành phố. Hơn nữa, quy định “người điều khiển mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH)” đã thực hiện được 9 tháng, tuy nhiên ở không ít vùng quê, việc chấp hành mới chỉ dừng lại ở mức “đối phó”. Quan sát ở xã Hạ Dục, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có tới hơn 50% số người tham gia giao thông ở các tuyến đường liên thôn, liên xã không đội MBH hoặc có đem theo nhưng không đội. Đó là ban ngày, còn ban đêm, khi không có lực lượng tuần tra kiểm soát, có tới 90% người tham gia giao thông nông thôn không chấp hành quy định này.
Do đặc thù ở các vùng nông thôn, mối quan hệ họ hàng làng xóm luôn luôn được coi trọng, không tránh khỏi một số cán bộ quản lý giao thông vị nể người thân quen bỏ qua lỗi vi phạm, pháp luật thiếu nghiêm minh không đủ sức răn đe. Mặt khác, công tác tổ chức, quản lý giao thông ở các địa phương còn hạn chế. Việc tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe cho người dân chưa thuận tiện về thời gian, địa điểm. Người dân muốn học, thi lấy giấy phép lái xe phải lên huyện lị, xa hàng chục km, nhiều người bận việc hoặc ngại không đi. Theo công an thị trấn Quất Lâm, toàn thị trấn có hơn 30% số người sử dụng xe máy chưa có giấy phép lái xe. Công tác tuyên truyền, giáo dục về luật lệ giao thông không thường xuyên. Có nơi, hoạt động của Ban ATGT cấp xã chỉ là “hữu danh, vô thực”.
Giải pháp nào cho việc giảm TNGT ở nông thôn hiện nay? Trước hết chính quyền địa phương cần quan tâm công tác quy hoạch giao thông nông thôn, từng bước “chuẩn hóa” cơ sở hạ tầng, nhất là các tiêu chí bảo đảm ATGT. Đồng thời huy động sức dân cải tạo đường giao thông nông thôn, tránh tình trạng làng có nhiều nhà xây, nhiều xe máy nhưng đường sá lầy lội hoặc ngổn ngang ổ trâu, ổ gà.
Nên có hình thức phù hợp đối với từng vùng nông thôn trong việc tổ chức học, thi để lấy giấy phép lái xe, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho nông dân được tiếp cận với các quy định của Luật Giao thông. Cùng với việc tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cần hết sức quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT, nhất là đối với thanh niên, thiếu niên. Xây dựng phong trào thi đua nhà nhà, thôn xóm không có người vi phạm Luật Giao thông; kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, dòng họ, nhà trường, đoàn thể và chính quyền để giáo dục nâng cao nhận thức của mỗi người dân về công tác bảo đảm trật tự ATGT nông thôn.
Thanh Trà