Hai giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT của Công an Thanh Hoá

Thứ sáu, 23/03/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
     Thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã tích cực chỉ đạo triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp, góp phần đảm bảo TTATGT, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, được các cấp, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Từ thực tiễn công tác chúng tôi xin trao đổi hai giải pháp cụ thể sau đây:
Người gửi: Nguyễn Văn Bính
E-mail: cath_725725@yahoo.com.vn 
Thượng tá- Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá.

 

 
    Thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã tích cực chỉ đạo triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp, góp phần đảm bảo TTATGT, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, được các cấp, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Từ thực tiễn công tác chúng tôi xin trao đổi hai giải pháp cụ thể sau đây:

    Một là: Có hướng dẫn cụ thể để lực lượng Công an xã, thị trấn tham gia kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT, góp phần đảm bảo TTATGT ở địa bàn cơ sở (xã, phường, thị trấn):
    Những năm gần đây, do kinh tế xã hội phát triển và đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, các phương tiện giao thông trên địa bàn vùng nông thôn gia tăng nhanh chóng. Đại đa số chủ sở hữu của các phương tiện xe công nông, xe vận tải nhỏ và xe máy đều cư trú ở nông thôn. Trong khi đó công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm về TTATGT của các cấp, các lực lượng chức năng ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; lực lượng CSGT Công an Thanh Hoá còn thiếu, chỉ chủ yếu làm nhiệm vụ trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ, còn các tuyến giao thông liên thôn, liên xã (chiếm 90,76 % tổng chiều dài đường bộ) không có lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT. Vì vậy, tình trạng vi phạm và tai nạn giao thông ở vùng nông thôn xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp. 
    Năm 2006 số vụ tai nạn và va quệt giao thông xảy ra ở địa bàn nông thôn chiếm khoảng 30% so với cả tỉnh. Từ đầu năm 2007 đến nay đang có xu hướng tăng dần (chiếm khoảng trên 35 %). Đáng chú ý là do nhận thức pháp luật hạn chế, nên người điều khiển phương tiện thuộc khu vực nông thôn tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ vi phạm TTATGT và bị tai nạn chiếm tỷ lệ cao, nhiều vụ thiệt hại rất nghiêm trọng. Trong khi đó lực lượng Công an xã, thị trấn có số lượng đông là 7521 người, trực tiếp làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở cơ sở nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể để tham gia công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm TTATGT trên địa bàn phụ trách.
    Do đó công tác phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm và tai nạn giao thông tại các vùng nông thôn còn rất hạn chế.Xuất phát từ thực tế nêu trên, căn cứ vào các văn bản quy định của pháp luật, ngày 09/11/2006 Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số144 triển khai trong lực lượng công an xã, thị trấn về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường bộ. Đã in ấn hàng nghìn cuốn tài liệu, biểu mẫu liên quan như: Biên bản VPHC, quyết định xử phạt VPHC, biên bản và quyết định tạm giữ phương tiện... để cấp phát cho công an các xã, thị trấn; đồng thời biên soạn giáo trình, mở các lớp
tập huấn và cử cán bộ CSGT trực tiếp xuống cơ sở phối hợp và hướng dẫn cụ thể, giúp cho lực lượng công an xã, thị trấn nắm được kiến thức cơ bản về pháp luật, nghiệp vụ và tiếp cận với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT.
    Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn, công tác xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lực lượng công an xã, thị trấn đã mang lại hiệu quả bước đầu, được cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhất là cấp cơ sở và nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia, tạo ra sự bền vững trong công tác quản lý Nhà nước về TTATGT tại cơ sở và từng bước xã hội hoá công tác đảm bảo an toàn giao thông tại địa bàn nông thôn và trong các khu dân cư.
    Hai là: Củng cố và lập lại trật tự trong hoạt động vận tải hành khách bằng ôtô, tập trung quản lý chặt chẽ các bến xe khách gia đình chống nhồi nhét khách.
Trước thực trạng hoạt động vận tải hành khách bằng ôtô trên địa bàn tỉnh còn có những sơ hở, tồn tại, thiếu sót. Nhiều bến xe, điểm đỗ đón, trả khách chưa được chính quyền và ngành chức năng quản lý, nên tình trạng vi phạm TTATGT, gây mất ANTT trên địa bàn, nhất là vào dịp Tết cổ truyền hàng năm liên tục xảy ra các trường hợp xe ôtô khách vi phạm chở quá số người quy định, nhưng chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
    Ngày 15/12/2006 Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải Thanh Hoá xây dựng và triển khai Kế hoạch liên ngành số 1487 về lập lại trật tự trong hoạt động vận tải hành khách bằng ôtô. Tập trung chỉ đạo có hiệu quả hai giải pháp chủ yếu đó là:
1. Tổ chức khảo sát .
    Lập danh sách 187 bến xe, 113 điểm đỗ xe đón, trả khách trên địa bàn tỉnh và phân thành 2 loại để giải quyết theo hướng:
     Đối với 18 bến xe và 4 điểm dừng, đỗ đón trả khách có quyết định thành lập thì lập đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, phát hiện những thiếu sót, tồn tại để giao cho đơn vị chức năng khắc phục, sửa chữa đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải hành khách.
     Đối với 169 ‘‘Bến xe đón, trả khách tại gia đình’’ và 109 điểm dừng, đỗ xe đón trả khách trên các tuyến giao thông thì kiểm tra, đánh giá thực tế để chỉ đạo kiên quyết xoá bỏ những bến,
 điểm đỗ bất hợp pháp. Những trường hợp tuy chưa có quyết định thành lập, nhưng xét thấy phù hợp với nhu cầu dân sinh thì tạm thời quản lý bằng hình thức: Giao trách nhiệm đến từng cán bộ công an phụ trách xã, công an xã, thị trấn tham mưu cho ban chỉ đạo ATGT xã, phường, thị trấn họp các chủ xe ôtô chở khách để tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật và tổ chức cho các chủ xe ký cam kết với chính quyền địa phương không vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách. Đồng thời lập sổ theo dõi nhật trình từng bến, điểm đỗ để quản lý, kiểm tra số lượng hành khách, hàng hoá vận tải trước khi xuất bến, chống nhồi nhét khách.
2. Những ngày sau Tết Đinh Hợi
    Nhất là từ Mồng 4 đến Mồng 10 Tết do nhu cầu hành khách đi vào các tỉnh phía Nam rất lớn, với lợi nhuận cao nên nhiều chủ xe, lái xe trong khi vận hành trên đường bằng mọi cách đối phó để cố tình vi phạm chở quá tải. Trước tình hình trên Giám đốc Công an tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thực hiện: Tổ chức lực lượng CSGT tuần tra khép kín 24/24 giờ hàng ngày, lập các chốt Cảnh sát giao thông trên các tuyến, địa bàn trọng điểm để kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm chở quá số lượng hành khách theo quy định, nhất là các trường hợp tháo ghế, kê thêm ghế nhựa trên xe.
    Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải huy động tối đa xe ôtô khách, kể cả phương tiện của các đơn vị không tham gia vận tải hành khách công cộng để chuyên chở khách và hạ tải đối với xe khách bị xử lý, có chỉ đạo cụ thể về thu tiền vé và bù chi phí vận tải cho các phương tiện điều động. Vì vậy, đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng xe ôtô chở khách vi phạm quá tải, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động vận tải hành khách bằng ôtô.        

 

Nguyễn Văn Bính:cath_725725@yahoo.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)