Ngày 31/10/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13756/BGTVT-PC "Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa".
Ngày 31/10/2014, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13756/BGTVT-PC "Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa".
Toàn văn Văn bản như sau:
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh - về vấn đề xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, gửi kèm công văn số 29/PC-CVKH8 ngày 27/10/2014 của Văn phòng Quốc hội, với nội dung chính như sau:
Luật Giao thông đường thủy nội địa có giao cho Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các cảng, bến thủy nội địa thuộc quyền quản lý. Tuy nhiên, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ tháng 7/2013 thì có sự thay đổi về thẩm quyền xử phạt, cụ thể theo quy định tại Điều 47 Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với Cảng vụ đường thủy nội địa chỉ Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa và Trưởng đại diện của Cảng vụ là có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, còn Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông vận tải không có thẩm quyền xử phạt. Do đó, việc xử lý các vi phạm xảy ra tại các cảng, bến thủy nội địa tại các địa phương đang“bỏ ngỏ”, dẫn đến việc duy trì đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo quy định của pháp luật khó thực thi, theo đó nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường thủy nội địa sẽ ngày càng gia tăng. Kính mong đồng chí Bộ trưởng cho hướng giải quyết để Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện hết chức năng và thẩm quyền của mình nhằm duy trì trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các cảng, bến thủy nội địa. (Chi tiết xem Phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội gửi kèm theo)
Về vấn đề này, Bộ GTVT xin được giải trình như sau:
Theo quy định tại Điều 71 Luật Giao thông đường thủy nội địa, Cảng vụ đường thủy nội địa là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường. Để thực hiện chức năng này, khoản 10 Điều 72 Luật Giao thông đường thủy nội địa có giao quyền cho Cảng vụ đường thủy nội địa được xử phạt vi phạm hành chính.
Trước khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, theo quy định tại Điều 39 của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính thì Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa (bao gồm Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc các Sở Giao thông vận tải) có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại cảng, bến thủy nội địa thuộc quyền quản lý. Tuy nhiên, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có sự thay đổi, theo đó, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa địa phương không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 47 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa (cấp dưới trực tiếp của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa) có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Quy định của Luật như trên là chưa phù hợp với tình hình thực tế, bởi vì hiện nay, cả nước có 13 địa phương đã thành lập đơn vị Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông vận tải, trong đó có 5 Cảng vụ đã thành lập các Đại diện cảng vụ trực thuộc ở các khu vực, khi có vi phạm hành chính xảy ra trong phạm vi trách nhiệm của Cảng vụ chưa có các Đại diện thì việc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính sẽ gặp khó khăn như ý kiến Đại biểu đã nêu.
Để khắc phục khó khăn trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại cảng, bến thủy nội địa địa phương, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông vận tải.
Trước mắt, trong khi chờ sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ GTVT sẽ yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố Trung ương chỉ đạo các đơn vị Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Sở phối hợp với Thanh tra Sở và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính tại cảng, bến thủy nội địa đảm bảo mọi hành vi vi phạm sẽ được xử phạt theo đúng quy định của Nghị định 93/2013/NĐ-CP ngày 20/8/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.
Trên đây là ý kiến giải trình của Bộ Giao thông vận tải về nội dung chất vấn của Quý đại biểu. Xin trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội./.