Ngày 11/11, Bộ GTVT đã ban hành Văn bản số 14297 /BGTVT-TTr "Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII" về hiệu quản hoạt động của hệ thống thanh tra của Bộ.
Ngày 11/11, Bộ GTVT đã ban hành Văn bản số 14297 /BGTVT-TTr "Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII" về hiệu quản hoạt động của hệ thống thanh tra của Bộ.
Toàn văn Văn bản như sau:
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được Văn bản số 95/PC-CVKH8 ngày 06/11/2014 của Văn phòng Quốc hội cùng với chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Nội dung chất vấn như sau:
“Cử tri hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thời gian vừa qua đã rất quyết liệt lập lại kỷ cương trong quản lý, thi công các dự án, công trình giao thông; đã nghiêm khắc xử lý các nhà thầu, cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về vai trò của hệ thống thanh tra chuyên ngành của bộ trong việc phát hiện các vi phạm bởi đa số các vụ việc cử tri biết được thì đều là các vụ việc do chính Bộ trưởng “vi hành” phát hiện hoặc qua thông tin đại chúng, mà một mình Bộ trưởng khó có thể kiểm tra hết tất cả các công trình, dự án giao thông.
Cử tri cho rằng, hệ thống thanh tra của Bộ hoạt động chưa hiệu quả, chưa hết trách nhiệm.
Xin Bộ trưởng cho cử tri biết quan điểm của Bộ trưởng về đánh giá trên. Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên.”
Về nội dung này, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Một số kết quả của hoạt động thanh tra GTVT
Thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Giao thông vận tải và pháp luật liên quan đến chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT, Thanh tra Bộ GTVT đã chủ động xây dựng và thực hiện theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất đúng trọng tâm, trọng điểm. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ GTVT trên các lĩnh vực đang được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay như: hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng công trình, quản trị doanh nghiệp, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hệ thống thiết bị giám sát hành trình của xe; công tác đăng kiểm xe cơ giới… Kết quả thanh tra, kiểm tra đã góp phần hoàn thiện công tác quản lý, hạn chế sai phạm, giảm thiểu các bất cập trong quản lý và điều hành, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT.
Thanh tra Bộ GTVT đã đặc biệt chú trọng đến việc thanh tra, kiểm tra các dự án về chất lượng công trình, công tác quản lý dự án, đấu thầu… Đối với các dự án, công trình trọng điểm ngành GTVT hoặc những vấn đề được phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tại một số dự án, công trình giao thông , Thanh tra Bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Qua đó, đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ có văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý và thực hiện dự án, kiểm điểm những tập thể và cá nhân có sai sót, vi phạm; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công trình, dự án ngành GTVT và giảm chi phí đầu tư xây dựng.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, công tác thanh tra ngành GTVT đạt được một số kết quả như sau:
- Thanh tra Bộ đã thực hiện 55 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã tiến hành xử lý về kinh tế hơn 400 tỷ đồng, thu hồi về ngân sách nhà nước 7,22 tỷ đồng.
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam và 63 Sở GTVT đã tiến hành 94.007 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện và lập biên bản vi phạm 149.316 vụ; đã quyết định xử phạt 135.223 vụ, với số tiền xử phạt trên 323 tỷ đồng.
2. Những mặt còn hạn chế
Do lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng , cơ sở vật chất còn hạn hẹp nên kết quả triển khai thực hiện trên một số lĩnh vực công tác còn hạn chế, như thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải tại doanh nghiệp; công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; kiểm soát tải trọng phương tiện; công tác đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe...
Bộ GTVT nhận thấy, Thanh tra GTVT chưa phát huy hết hiệu quả công tác là vì một số nguyên nhân sau.
Nguyên nhân khách quan: Luật Thanh tra được ban hành năm 2010 nhưng Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Ngành GTVT mới được ban hành vào tháng 5/2013 dẫn đến tổ chức, hoạt động thanh tra của Tổng cục, các Cục chuyên ngành thuộc Bộ GTVT không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra GTVT ở Trung ương; Đề án tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra GTVT chưa được triển khai thực hiện do thiếu nguồn lực nên chưa khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng Thanh tra GTVT các cấp.
Nguyên nhân chủ quan: Công tác chỉ đạo, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ, tổ chức tập huấn, học tập, rèn luyện đạo đức trong lực lượng Thanh tra GTVT chưa thường xuyên dẫn đến một số tồn tại, sai phạm không được phát hiện để xử lý kịp thời; Ở một số nơi, chính quyền địa phương các cấp chưa tích cực phối hợp trong công tác xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, dẫn đến nhiều vi phạm không được xử lý dứt điểm; Hoạt động kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra còn chậm triển khai nên chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra; Công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý còn hạn chế.
3. Các nhiệm vụ trong thời gian tới
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, những mặt còn hạn chế như đã nêu ở trên, lực lượng Thanh tra GTVT xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như sau:
- Tập trung tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình giao thông trên cả nước trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công các dự án, công trình giao thông. Yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư dự án BOT lập phương án đảm bảo giao thông tổng thể trong phạm vi quản lý của đơn vị và chỉ đạo các nhà thầu thi công lập phương án đảm bảo giao thông chi tiết trên từng đoạn tuyến, từng gói thầu và tuân thủ đúng phương án đảm bảo an toàn giao thông được phê duyệt; bố trí đầy đủ biển báo, đèn báo hiệu…
- Tăng cường các hoạt động chỉ đạo, tổ chức tập huấn, phổ biến pháp luật về thanh tra chuyên ngành để nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra ngành GTVT.
- Thường xuyên tiến hành kiểm tra ngay trong quá trình triển khai các dự án nhằm phát hiện những sai sót, sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, tránh để xảy ra vụ việc mới tiến hành thanh tra, gây bức xúc trong dư luận.
- Tập trung thanh tra, kiểm tra theo diện rộng và theo chuyên đề đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông như: hoạt động vận tải hàng hoá, hành khách; kiểm soát phương tiện chở quá tải trọng; quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè; công tác quản lý, duy tu đường bộ; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…
- Thanh tra diện rộng đối với công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó tập trung xử lý vi phạm liên quan đến thay đổi kết cấu, hoán cải phương tiện đối với các phương tiện chở khách, chở hàng quá tải trọng cho phép.
- Thực hiện Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải” nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng Thanh tra GTVT trong việc giữ gìn, bảo vệ an toàn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.
- Chú trọng kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm toán.
Bộ GTVT trân trọng cảm ơn ý kiến của đại biểu Quốc hội về công tác thanh tra ngành Giao thông vận tải và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của đại biểu Quốc hội trong thời gian tới./.