Chiều 17/11, Quốc hội tiếp tục họp Phiên toàn thể tại Hội trường, các đại biểu tiếp tục chất vấn các Tư lệnh ngành về các vấn đề nóng đang được quan tâm. Mặc dù theo đánh giá của nhiều Đại biểu, thì các vấn đề nóng trước đây của Ngành GTVT gần đây đã được " làm nguội" rất nhiều, bởi Ngành đã giải quyết rất tốt và hiệu quả, chiều nay Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến đầu tư, xây dựng các công trình giao thông về vốn đầu tư QL1, QL14; Dự án mở rộng QL1 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam; việc triển khai xây dựng cầu treo dân sinh...
Toàn cảnh Phiên toàn thể tại Hội trường về phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh Chinhphu.vn
Trả lời câu hỏi về vốn đầu tư mở rộng QL1, QL14, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, việc rà soát các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ là việc làm thường xuyên, không chỉ đối với Dự án mở rộng QL1, QL14 mà tất cả các dự án. Vì vậy, từ năm 2011 đến nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã rà soát 68 dự án, giảm vốn đầu tư so với dự kiến ban đầu là 57.242 tỷ đồng. Trong đó rà soát phân kỳ đầu tư giảm hơn 13.463 tỷ đồng, rà soát phân kỳ quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật giảm 16.245 tỷ đồng, kiểm định gia cường kéo dài thời hạn khai thác của cầu giảm 1.658 tỷ đồng, lựa chọn giải pháp thiết kế hợp lý, tiết kiệm kinh phí ước tính khoảng gần 15.912 tỷ đồng. Ví dụ Dự án xây dựng cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên đã chuyển sang thiết kế cầu thép dự ứng lực, giảm cả ngàn tỷ đồng, hay Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng giảm được 10.000 tỷ đồng...
Hơn nữa, các dự án được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nên tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng, tiết kiệm được chi phí trượt giá do rút ngắn được thời gian thi công, tiết kiệm chi phí lãi vay dự án BOT và tiết kiệm 5% đối với các dự án QL1 và QL14 sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, giảm khoảng 9.934 tỷ đồng.
Các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh tiết giảm được nhiều cũng là do các nguyên nhân trên. Về cơ sở của việc tiết kiệm 5% dự toán, Bộ trưởng cho biết, dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đồng loạt triển khai trong thời gian ngắn từ Hà Nội đến Cần Thơ. Vì vậy trong cơ chế thực hiện dự án, Chính phủ đã cho phép chỉ định thầu. Và trên cơ sở lập dự toán chặt chẽ đã giảm được 5%.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện rà soát các dự án đang và sẽ triển khai, để sử dụng tiền ngân sách trái phiếu Chính phủ và tiền nhân dân đóng góp đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao nhất.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn tại Hội trường chiều 17/11 ( Ảnh chụp qua màn hình)
Về Dự án mở rộng QL1 qua tỉnh Quảng Nam dài 85km, Bộ trưởng cho biết, Dự án đã triển khai mở rộng mới được 45km, còn 40km chưa được đầu tư mở rộng, sẽ giữ nguyên hiện trạng, tăng cường mặt đường bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do song hành với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tháng 6/2013, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng 40km đoạn tuyến này bằng vốn trái phiếu Chính phủ và Chính phủ đã có ý kiến trước mắt chưa tiến hành đầu tư nâng cấp, mở rộng 40km QL1 qua tỉnh Quảng Nam này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng đây là tuyến đường có nhiều khu công nghiệp, dẫn đến lượng lưu thông trên đoạn tuyến tăng cao nên UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục có văn bản đề nghị, Bộ GTVT thấy rất cần thiết và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho mở rộng bằng hình thức BOT, mở rộng Trạm thu phí Hòa Phước trên QL1, không thêm trạm thu phí mới, với quy mô mở rộng đoạn tuyến 40km, gồm 4 làn xe, nền đường 16,5m.
“Việc mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam là thực hiện đúng quy hoạch, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo đúng đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam và sự thống nhất của các Bộ” - Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng báo cáo Quốc hội, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chỉ cách QL1 qua tỉnh Quảng Ngãi 3-4 km và Dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2017, vì vậy Bộ GTVT phải tính toán lưu lượng cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả tài chính của Dự án cũng như hai dự án này gần nhau mà vừa làm đường cao tốc vừa mở rộng QL1 thì sẽ lãng phí.
Về câu hỏi của Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc cầu treo Khe Tây, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đầu tư không hiệu quả vì chỉ có hai hộ dân sinh sống, trong đó có một cán bộ - Chủ tịch UBND xã.
Cầu Khe Tây, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh
Bộ trưởng khẳng định, việc đầu tư cầu treo Khe Tây là nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt năm 2011, sau khi có ý kiến của cơ quan báo chí, Bộ GTVT đã chỉ đạo tổ chức một đoàn công tác gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam và một số cơ quan báo chí cùng tỉnh Hà Tĩnh đến tận nơi xem xét, thì thực tế thôn Khe Tây có 43 hộ dân, khoảng gần 200 nhân khẩu, cầu treo này phục vụ rất thiết thực cho việc đi lại của bà con nhân dân trong thôn.
Theo Bộ trưởng, sở dĩ có một số ý kiến cho rằng đầu tư cầu Khe Tây không cần thiết vì vào mùa cạn nước khe suối không còn, người dân không đi cầu mà đi dưới suối, nhưng đây chúng ta làm cầu phục vụ cho người dân trong bốn mùa, chứ không phải chỉ phục vụ một mùa.
“Việc thực hiện xây dựng cầu Khe Tây được thực hiện theo đúng kế hoạch đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, vì vậy cầu Khe Tây này rất có ý nghĩa thiết thực và vừa qua Bộ GTVT đã tổng kết giai đoạn 1 của 187 cầu treo dân sinh, tất cả các cầu đều phát huy hiệu quả tốt, nhân dân rất phấn khởi” - Bộ trưởng khẳng định.
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT