Bộ GTVT vừa có Văn bản số 13615/BGTVT-VT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lâm Đồng gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Theo Công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021 do Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị như sau:
“Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và lây lan nhanh ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung và đặc biệt là ngành vận tải, người dân lo ngại lây nhiễm dịch bệnh nên hạn chế đi lại, do đó hoạt động vận tải hành khách giảm mạnh (tất cả các loại xe tuyến cố định, hợp đồng, du lịch, taxi... đã tạm dừng hoạt động); hoạt động vận tải hàng hóa cũng ảnh hưởng (các phương tiện vận chuyển hàng hóa phải giảm tần suất hoạt động) do nhiều cung đường đến các vùng dịch phải ngưng vận chuyển và cước phí vận tải hàng hóa tăng vì chi phí xét nghiệm các lái xe và các chi phí khác.Vì vậy, đề nghị Bộ Giao thông vận tải gia hạn thời gian thực hiện lắp camera trên phương tiện để Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị kỹ hơn về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các đơn vị kinh doanh vận tải phục hồi kinh doanh để có kinh phí đầu tư”.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Đối với nội dung kiến nghị: “Gia hạn thời gian thực hiện lắp camera trên phương tiện để Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị kỹ hơn về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các đơn vị kinh doanh vận tải phục hồi kinh doanh để có kinh phí đầu tư”.
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 10) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2020 thì cũng là thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm phải áp dụng giãn cách xã hội, điều này đã ảnh hướng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn xã hội, trong đó có các đơn vị kinh doanh vận tải.
Trước những ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, đặc biệt từ ngày 01/4/2020 đến nay dẫn đến tình trạng khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế, trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng,... Bộ GTVT và các Bộ ngành đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (thuế, phí sử dụng đường bộ, đăng kiểm...). Bộ GTVT cũng đã báo cáo Chính phủ xem xét đưa vào Nghị quyết của Chính phủ: “Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người điểu khiển xe ô tô quy định tại điểm p khoản 5 Điều 23, điểm c khoản 3 Điều 24; đối với cá nhân kinh doanh vận tải, tổ chức kinh doanh vận tải quy định tại điểm o, điểm p khoản 6 Điều 28 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP liên quan đến lắp đặt, sử dụng camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, được thực hiện kể từ ngày 01/01/2022.”
Tại mục 6 Nghị quyết số 66/NQ-CP1 ngày 01/7/2021 của Chính phủ Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021 thì Chính phủ chỉ quyết định tạm ngưng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi quy định theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) liên quan đến việc lắp đặt, sử dụng camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
Vì vậy, đối với việc lắp camera theo quy định của Nghị định 10, Bộ GTVT đã và sẽ tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện, đảm bảo đúng Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ và kể từ ngày 01/01/2022 các lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 100.