Bộ GTVT vừa có Văn bản số 221/BGTVT-VT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:
“Tình hình dịch bệnh làm cho nguồn cung và chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất, xuất khẩu tăng. Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, thiếu hụt container rỗng, gián đoạn chuỗi cung ứng tạm thời đã tạo nên “rào cản”, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng cao so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu. Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kiến nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới để giải quyết tình trạng này.
Căn cứ Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 07/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì Hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh là công trình quan trọng về an ninh quốc gia và Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 xác định Hồ Dầu Tiếng tỉnh Tây Ninh là hồ chứa nước quan trọng đặc biệt. Căn cứ quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 08/2021/NĐ- CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa quy định: Phương tiện thủy nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa. Theo tinh thần hướng dẫn Công văn số 636/TCTLPCTTr ngày 19/4/2021 của Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì theo thiết kế Hồ Dầu Tiếng không có công trình cho tàu, thuyền đi qua. Do đó, mặt nước Hồ Dầu Tiếng hiện tại không có nhiệm vụ giao thông đường thủy nội địa nên các phương tiện như tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác đang hoạt động trên mặt nước thuộc diện tích Hồ Dầu Tiếng là phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, không phải là phương tiện giao thông đường thủy.
Bên cạnh đó, Hồ Dầu Tiếng không phải là khu du lịch do không có cơ quan nào cấp phép hoạt động khai thác dịch vụ du lịch. Vì vậy, các phương tiện ghe, tàu chở người, tài sản… đi lại trên mặt hồ thời gian qua gây khó khăn cho ngành chức năng trong kiểm soát, kiểm tra bằng lái ghe, tàu, không có cơ sở để xác định các phương tiện đang hoạt động trên mặt nước thuộc Hồ Dầu Tiếng là phương tiện giao thông đường thủy làm căn cứ xử lý khi có tai nạn xảy ra trên mặt nước Hồ Dầu Tiếng như quy định tại Điều 272 Bộ Luật hình sự. Đề nghị xem xét để quy định cụ thể, phù hợp để ngành chức năng quản lý an ninh trật tự được tốt hơn”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã quan tâm, góp ý đối với hoạt động vận tải nhằm giúp công tác quản lý của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Đối với nội dung kiến nghị thứ nhất:
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt khiến thị trường vận tải Việt Nam không thể tránh khỏi những khó khăn. Bên cạnh đó, do dịch bệnh COVID-19, một số nước đồng loạt áp dụng các biện pháp kiểm soát giao thương; nhiều cảng biển nước ngoài (đặc biệt là Châu Âu, Châu Mỹ) trong tình trạng hàng triệu container bị ùn tắc. Đồng thời, một số cảng biển áp dụng biện pháp chống dịch dẫn đến thời gian quay vòng tàu kéo dài hơn. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu của Châu Mỹ, Châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc, Châu Á tăng cao dẫn đến sự mất cân bằng container giữa hàng xuất và hàng nhập. Những nguyên nhân quốc tế nêu trên làm giá cước vận tải tăng cao và thiếu hụt container rỗng trên toàn cầu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trước những diễn biến bất lợi của thị trường vận tải biển thế giới và tình hình dịch bệnh bùng phát, để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm chi phí logistics, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai ngay các giải pháp chính như: giải quyết tình trạng ùn tắc hàng tại cảng; đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng cho tàu thuyền; tăng hiệu suất khai thác cảng, tận dụng tối đa nguồn lực không để chậm trễ trong quá trình làm hàng; kiểm tra, rà soát, quản lý chặt về giá, phụ phí; giảm giá dịch vụ hoa tiêu, lai dắt đối với tàu hoạt động nội địa; gia hạn các Chứng chỉ chuyên môn, Giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho thuyền viên đang đảm nhận chức danh trên biển bị hết hạn được sử dụng tiếp; phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất container rỗng…
Vì vậy, toàn bộ hệ thống cảng biển của Việt Nam vẫn hoạt động an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất, nhập khẩu. Năm 2021, sản lượng hàng container thông qua cảng biển ước đạt 23,8 triệu Teus, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó hàng container xuất khẩu ước đạt 7,85 triệu Teus, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020; hàng nhập khẩu ước đạt 7,86 triệu Teus, tăng 8%; hàng nội địa ước đạt 8,1 triệu Teus, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã ban hành 05 quyết định Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) để hoạt động vận tải hàng hóa được hoạt động thông suốt, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đến nay, việc vận chuyển hàng hóa đã trở lại trạng thái bình thường mới; đảm bảo thông suốt trên toàn quốc. Việc vận chuyển hành khách đang được từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sắp tới.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới và khu vực. Dưới sự lãnh đạo, quản lý của các cấp có thẩm quyền, sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; về tổng thể năm 2021, ngành GTVT vẫn vận hành đúng định hướng, tiếp tục đáp ứng nhu cầu vận tải của toàn xã hội, với chất lượng ngày càng tốt góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đối với nội dung kiến nghị thứ hai:
Việc quản lý các phương tiện hoạt động tại hồ Dầu Tiếng và xử lý khi có tai nạn xảy ra đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường thủy nội địa, cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 101a, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa: “Hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải phải tuân theo quy định của Luật này về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quy định của pháp luật có liên quan.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cảnh báo tại khu vực nguy hiểm đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải”.
Đồng thời tại Điều 100, Luật giao thông đường thủy nội địa đã quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau: “Tổ chức, chỉ đạo các sở, ban, ngành trực thuộc và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa, chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và chịu trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại địa phương; tổ chức cứu nạn, giải quyết hậu quả các vụ tai nạn trên đường thuỷ nội địa trong phạm vi địa phương.”
Hồ Dầu Tiếng (Ảnh minh họa)
Như vậy, hoạt động của phương tiện, thuyền viên, người lái và việc xử lý tai nạn giao thông trên hồ Dầu Tiếng phải tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa trong quá trình hoạt động. Đối với quản lý hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, các ngành chức năng của địa phương căn cứ Nghị định 48/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2021 của Chính phủ để triển khai, thực hiện.
Ngày 31/12/2021, Bộ GTVT đã có văn bản số 14144/BGTVT-VT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương phối hợp với Sở GTVT Tây Ninh, các cơ quan, tổ chức liên quan để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa tại Hồ Dầu Tiếng, bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Trường hợp cần thiết, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Điện thoại: 0979.388.019 hoặc 0243.9421887, fax: 04 39420788) để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề nêu trên.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh để trả lời cử tri./.