Hơn 30 triệu xe máy và trên 1,5 triệu xe ô tô đang lưu hành với chất lượng nhiên liệu còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới khiến lượng khí phát thải ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí và sức khỏe con người.
Hơn 30 triệu xe máy và trên 1,5 triệu xe ô tô đang lưu hành với chất lượng nhiên liệu còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới khiến lượng khí phát thải ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí và sức khỏe con người.
Phòng thử động cơ tại Trung tâm kiểm định khí thải lớn nhất Đông Nam Á
Để giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường, bên cạnh việc đổi mới về chất lượng phương tiện, Việt Nam cần áp dụng các mức tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng xăng dầu, phù hợp với tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4 trong giai đoạn đến năm 2020. Tuy nhiên, lộ trình nào để thực hiện được mục tiêu này là một bài toán không dễ.
Yêu cầu cấp bách về nâng cao chất lượng xăng dầu
Trước năm 2000, toàn quốc sử dụng xăng pha chì cho phương tiện cơ giới với hàm lượng chì 0,15g/l và lưu huỳnh là 1500 ppm. Đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trầm trọng tại các thành phố lớn mà nguyên nhân chính là từ lượng khí phát thải của xe cơ giới cùng với xu thế nâng cao chất lượng xăng dầu của khu vực và thế giới; từ 1/7/2001, Việt Nam bắt đầu sử dụng xăng không chì RON 90, 92 và 95 theo TCVN 6776:2000.
Từ năm 2005, để thực hiện lộ trình áp dụng Tiêu chuẩn khí thải theo EURO 2, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố QCVN 1:2007/BKHCN về xăng và nhiên liệu diesel với mục tiêu giảm các thành phần độc hại trong xăng, đặc biệt là lưu huỳnh để đảm bảo phù hợp EURO 2.
Thực hiện chủ trương phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ, năm 2007 Bộ KH&CN lần lượt công bố các Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7717:2007 về Ethanol nhiên liệu biến tính để pha vào xăng không chì; TCVN 7716:2007 nhiên liệu diesel sinh học gốc (B100) để pha nhiên liệu diesel. Trên cơ sở đó, các Tiêu chuẩn quốc gia về xăng E5 (TCVN 8063:2009) và nhiên liệu B5 (TCVN 8064: 2009) cũng được xây dựng và công bố ban hành. Và đến nay, các tiêu chuẩn về xăng, diesel và nhiên liệu sinh học được Bộ KH&CN công bố thống nhất trong QCVN 1:2009/BKHCN.
Kể từ tháng 7/2007, nhiên liệu sử dụng cho phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO2 đã được áp dụng tại Việt Nam với hàm lượng lưu huỳnh 500 ppm đối với cả xăng và dầu diesel. Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn rất cao, ví dụ: Thái Lan (150ppm), Nhật Bản (50ppm) đối với xăng và Thái Lan (350 ppm), Nhật Bản (50ppm) đối với dầu diesel.
Cuối năm 2009, các nhà quản lý đã nhấn mạnh Việt Nam cần thắt chặt hơn nữa chất lượng xăng dầu. Nếu chúng ta không thay đổi trong thời gian này thì nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong tương lai bởi khi nền kinh tế thực sự hội nhập, Việt Nam sẽ là thị trường của các xe cơ giới có chất lượng khí thải thấp. Và vì thế, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước sẽ ngày càng bị đẩy xa.
Giải pháp trước mắt cho lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn cao hơn: Tiếp tục tuyên truyền các lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro tạo dư luận để tạo tiền đề cho áp dụng các mức cao hơn; Tiếp tục hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để trao đổi thông tin; Nhanh chóng kiện toàn bộ máy trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC) sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; Trong trường hợp cần thiết vẫn tiếp tục áp dụng hình thức giám sát thử nghiệm tại các phòng thử nước ngoài, phòng thử của cơ sở sản xuất Việt Nam…
Dự kiến lộ trình áp dụng tiêu chuẩn nhiên liệu
Trước năm 2009, VN không có các nhà máy lọc dầu quy mô lớn và chỉ sản xuất một lượng nhỏ xăng không chì RON 83. Vì vậy, xăng dầu chủ yếu phải nhập khẩu từ Singapore, Trung Quốc và Kuwait. Đến tháng 6/2009, Petro Việt Nam đã vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Dung Quất. Năm 2013, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ được khánh thành. Hai nhà máy lọc dầu này đều nhằm mục tiêu sản xuất xăng có hàm lượng lưu huỳnh thấp đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học như một cách đa dạng hóa nguồn nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch trên cơ sở đất nước có nhiều tiềm năng nguyên liệu như nước ta. Theo kế hoạch, đến năm 2011, cả nước sẽ có 5 nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu đi vào hoạt động với tổng công suất 365.000 tấn/năm đủ để pha chế 7,3 triệu tấn xăng E5, vượt chỉ tiêu của đề án Chính phủ đề ra.
Khi tính đến các tác động về môi trường và sức khỏe liên quan đến lưu huỳnh, nhiều báo cáo cho thấy, mức lưu huỳnh hiện nay ở Việt Nam không đạt được những lợi ích về môi trường và sức khỏe thực sự cho đến khi thực hiện việc cắt giảm hơn nữa và mức giảm tuyệt đối lưu huỳnh đến “mốc” 150ppm, 50ppm và 10ppm.
Với sự trợ giúp của Trung tâm Liên Hợp quốc vì sự phát triển khu vực (UNCRD), Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ GTVT thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển chiến lược quốc gia về giao thông bền vững thân thiện với môi trường” (ETS). Một trong những mục tiêu của ETS là đến năm 2020 Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn EURO 4 và đến năm 2024 là EURO 5 với hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn 50ppm và 10ppm.
Thành quả ban đầu của việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải:Thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải đã góp phần hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng; Góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về bảo vệ môi trường; Các nhà sản xuất, nhập khẩu đã đưa các sản phẩm có công nghệ hiện đại hơn, dần tiến tới các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; Việc áp dụng công nghệ mới góp phần tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả sử dụng của phương tiện.
longlv (Theo http://giaothongvantai.com.vn)