Tính đến năm 2010, cả nước có khoảng trên 30 triệu mô tô, xe gắn máy đang tham gia giao thông và hơn 3 triệu chiếc/năm sản xuất, lắp ráp mới đang biến Việt Nam thành một trong những quốc gia sử dụng mô tô, xe gắn máy nhiều trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Tính đến năm 2010, cả nước có khoảng trên 30 triệu mô tô, xe gắn máy đang tham gia giao thông và hơn 3 triệu chiếc/năm sản xuất, lắp ráp mới đang biến Việt Nam thành một trong những quốc gia sử dụng mô tô, xe gắn máy nhiều trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Bên cạnh những tác dụng to lớn, loại phương tiện giao thông này đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân, làm biến đổi khí hậu theo chiều hướng ngày càng xấu.
Một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng không khí của Hà Nội ở mức thấp là do khí thải của ôtô, mô tô, xe gắn máy
Khí thải mô tô, xe gắn máy đe dọa chất lượng không khí
Ô nhiễm không khí là một vấn đề nổi cộm tại các thành phố đang phát triển trong những năm qua mà nguồn chính lại từ khí thải xe cơ giới. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn khác cũng đang phải đối mặt với vấn nạn ùn tắc giao thông gắn liền với ô nhiễm không khí do nhiều vấn đề, trong đó có việc gia tăng nhanh của các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà chủ yếu là mô tô và xe gắn máy.
Chất lượng không khí của 2 thành phố lớn này ở mức thấp so với các thành phố trong khu vực và đang có xu hướng ngày càng xấu. Tại các thành phố này hầu hết đều bị ô nhiễm các chất khí độc hại như CO, HC, NOx và các chất phụ gia trong xăng như benzene, đây là những chất độc hại trong khí thải xe cơ giới chạy xăng.
Do những hạn chế trong kiểm soát khí thải so với ô tô nên mặc dù tiêu thụ nhiên liệu ít hơn nhiều nhưng một chiếc mô tô, xe gắn máy lại có thể thải ra lượng khí độc hại gấp nhiều lần so với ô tô. Nguyên nhân phát thải gây ô nhiễm từ mô tô, xe gắn máy là do đa số xe đang sử dụng hiện nay ở nước ta được sản xuất từ trước đây và có chất lượng thấp, thiếu các hệ thống, thiết bị kiểm soát, xử lý khí thải trên xe và quan trọng là không được bảo dưỡng, sửa chữa tốt trong quá trình sử dụng. Trong khi đó lại chưa có quy định, chính sách và biện pháp thực hiện cụ thể để kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông.
1. Bên cạnh những tác dụng to lớn, mô tô, xe gắn máy gây nên tình trạng ùn tắc giao thông gắn liền với ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, làm biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến hệ cây trồng vật nuôi và các công trình xây dựng, hạn chế các hoạt động du lịch, thương mại và hạn chế thu hút nguồn nhân lực cao...
2. Kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông là yêu cầu bức thiết hiện nay, là một phần không thể thiếu trong kiểm soát khí thải xe cơ giới nói riêng và trong chương trình tổng thể kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị nói chung;
Kiểm tra khí thải và bảo dưỡng định kỳ là giải pháp cơ bản, cấp thiết để kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.
Kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của các doanh nghiệp và của mỗi người dân tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy tại các thành phố lớn.
Các bộ, ngành ở Trung ương theo chức năng nhiệm vụ ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy trình, hướng dẫn và xây dựng hệ thống kiểm soát. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, thực hiện kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tại địa phương. Các doanh nghiệp, người dân chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông...
Kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy bằng cách nào?
Từ 1/7/2007, mô tô, xe gắn máy sản xuất mới và nhóm xe nhập khẩu đã được kiểm soát tương đương mức tiêu chuẩn khí thải Euro 2 theo Quyết định 249/2005/QĐ-TTg ngày 10-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ và chất lượng nhiên liệu cũng được thắt chặt tương ứng. Tuy nhiên, cho đến nay, mô tô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông ngoài việc phải đăng ký không phải chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào.
Trong khi đó, các nước sử dụng nhiều loại phương tiện này như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ... từ lâu đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy. Có thể kể đến việc nỗ lực nâng cao chất lượng xăng và sử dụng nhiên nhiệu, năng lượng thay thế, kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy sản xuất và nhập khẩu mới. Bên cạnh đó, các nước này đều thực hiện kiểm tra khí thải định kỳ bắt buộc, kiểm tra khí thải và kiểm soát trên đường đối với mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ kinh tế để loại bỏ xe cũ...
Nằm trong khuôn khổ Chương trình 23 “Cải thiện chất lượng không khí ở các đô thị” thuộc “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia” và thực hiện Quyết định 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành quyết định về khung kế hoạch thực hiện chương trình này, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án “Kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố lớn”. Cục Đăng kiểm VN là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp có liên quan ở Trung ương và địa phương xây dựng dự thảo.
Trong quá trình hoàn thiện đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý quý báu của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và của người dân... đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phủ phê duyệt tại Quyết định 909/QĐ-TTg ngày 17/06/2010. Đề án được phê duyệt sẽ là khung pháp lý cần thiết, làm cơ sở để thực hiện kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố lớn, từ đó nâng cao chất lượng không khí, môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Phấn đấu kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80-90% số lượng mô tô, xe gắn máy từ nay đến năm 2015
Ngày 17/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Đề án có mục tiêu tổng quát là nhằm kiểm soát được tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải mô tô, xe gắn máy tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2. Mục tiêu cụ thể của đề án được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn từ năm 2010- 2013 là tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm thực hiện của các cấp, các ngành và của nhân dân; Phấn đấu đạt được 20% số người sử dụng mô tô, xe gắn máy ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thực hiện kiểm định và bảo dưỡng, sửa chữa mô tô, xe gắn máy đạt tiêu chuẩn khí thải; Hình thành mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy với ít nhất 100 cơ sở tại TP.Hà Nội và 150 cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh; Đào tạo, tập huấn cho ít nhất 500 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Giai đoạn từ năm 2013-2015 là tăng cường, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của các cấp, các ngành và của nhân dân; Thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80-90% số lượng mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; Mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 60% số lượng mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố loại 1 và loại 2.
Thangnd( theo giaothongvantai.com.vn)