Một thiết bị đèn đường tiết kiệm điện, bật khi có người tới gần, biết thay đổi mầu sắc theo tâm trạng, phát nhạc trong các dịp lễ tết… đang được triển khai lắp đặt tại nhiều nước như Hà Lan, Ireland trong tháng 7 này.
Một thiết bị đèn đường tiết kiệm điện, bật khi có người tới gần, biết thay đổi mầu sắc theo tâm trạng, phát nhạc trong các dịp lễ tết… đang được triển khai lắp đặt tại nhiều nước như Hà Lan, Ireland trong tháng 7 này.
Hệ thống đèn đường thông minh với những tính năng trên có tên gọi Tvilight, được sáng chế bởi nhà thiết kế người Đức Chintan Shah, khi còn là sinh viên tại Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan).
Theo thông tin từ trang web chính thức của Tvilight, thông qua một hệ thống phần mềm kiểm soát, hệ thống này có thể tự căn chỉnh ánh sáng với những mức độ được định sẵn, tùy theo sự hiện diện và loại phương tiện người đi đường sử dụng (đi bộ, đi xe đạp hoặc ô-tô). Khi thời tiết thay đổi, Tvilight cũng tự điều chỉnh độ sáng phù hợp.
Vào ban đêm, không có người đi đường, hệ thống sẽ tự động giảm ánh sáng, nhằm tiết kiệm tối đa lượng điện sử dụng. Nếu bị phá hoại hoặc hỏng hóc, Tvilight sẽ tự động chuyển về chế độ “thông thường”, nghĩa là như một chiếc đèn đường “cổ điển”. Trong trường hợp khẩn cấp, người dùng có thể sử dụng điện thoại di động nhắn tin “cầu cứu”, và Tvilight sẽ cung cấp ánh sáng đầy đủ ngay lập tức.
Tất cả thông tin liên quan đến Tvilight sẽ được lưu trữ bằng hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại mang tên CityManager. Hệ thống này kiểm soát và điều khiển Tvilight qua internet không dây.
Theo ước tính, hệ thống đèn thông minh Tvilight sẽ giúp giảm khoảng 80% chi phí năng lượng, 80% lượng khí thải CO2 và 50% chi phí bảo trì cho các cột đèn đường.
Hệ thống đèn đường thông minh Tvilight được Chintan Shah tình cờ nghĩ ra trong một chuyến bay đêm. Anh nhận thấy, ngay cả khi trên đường không có người, rất nhiều đèn đường vẫn bật. Shah lập tức tiến hành một cuộc nghiên cứu, mà theo anh, đã “đem lại nhiều con số thú vị”.
Theo nghiên cứu này, châu Âu tiêu tốn hơn 13 tỷ USD mỗi năm để duy trì hệ thống đèn đường, tương đương 40% chi phí điện các nước châu Âu phải trả hằng năm. Không những vậy, lượng khí CO2 mà hệ thống đèn đường này thải ra là khoảng 40 triệu tấn, đủ để chạy 20 triệu ô-tô.
Shah chia sẻ: “Khi đó, tôi tự hỏi tại sao phải trả tiền cho những chiếc đèn chiếu sáng một cách không cần thiết?” Từ câu hỏi này, chàng sinh viên trẻ bắt tay vào nghiên cứu hệ thống đèn đường thông minh Tvilight.
Với sự giúp đỡ từ các giáo viên tại Đại học Công nghệ Delft, thiết kế của Shah đã giành giải nhất trong cuộc thi sáng tạo của trường. Ngay lập tức, ban tổ chức cuộc thi quyết định tài trợ cho Shah tiến hành một cuộc triển lãm ngay trong khuôn viên nhà trường. Từ cuộc triển lãm này, phát minh của chàng sinh viên Đức đã được triển khai lắp đặt tại bốn thành phố của Hà Lan, một thành phố của Ireland và đang được nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ… “đặt hàng”.
Trả lời phỏng vấn, Shah hào hứng: “Vấn đề bây giờ là làm sao phát triển được công nghệ này tới mọi nơi trên thế giới”.
Theo NDĐT, Tvilight và CNN