Công ước MARPOL 73/78 ra đời năm 1973, là kết hợp của hai hiệp định quốc tế là Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra được thông qua năm 1973 và Nghị định thư của Công ước được thông qua năm 1978, hiện nay gộp chung thành một văn kiện duy nhất.
Công ước MARPOL 73/78 ra đời năm 1973, là kết hợp của hai hiệp định quốc tế là Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra được thông qua năm 1973 và Nghị định thư của Công ước được thông qua năm 1978, hiện nay gộp chung thành một văn kiện duy nhất. Có thể cho rằng Công ước này là một trong những Công ước chủ chốt về bảo vệ môi trường biển. Công ước đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn ô nhiễm gây ra do vận chuyển hàng hóa là dầu mỏ, hàng nguy hiểm, độc hại, cũng như do nước, rác và khí thải ra từ tàu. Việt Nam đã tham gia Công ước này năm 1991 (ngày 18 tháng 3 năm 1991).
Theo sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ, cũng như các vấn đề môi trường phát sinh trong thực tiễn hoạt động của ngành hàng hải (các tai nạn tràn dầu, các vấn đề ô nhiễm mới nảy sinh, ...), các yêu cầu kỹ thuật của Công ước MARPOL 73/78 đã được bổ sung và sửa đổi liên tục. Cho đến nay Công ước MARPOL 73/78 đã bao gồm 6 phụ lục:
Phụ lục I: Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu, có hiệu lực từ ngày 02/10/1983 (Phụ lục I sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2007). Phụ lục I bao gồm 07 Chương với 39 Quy định và 05 Phụ chương. Nội dung cơ bản của Phụ lục I bao gồm:
Việc xả dầu ra biển bị cấm ở một số khu vực và bị hạn chế ở các khu vực khác. Tàu phải thỏa mãn một số yêu cầu nhất định về kết cấu và trang thiết bị, trên tàu phải có nhật ký dầu. Tàu phải được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận thỏa mãn yêu cầu của Phụ lục I. Các cảng phải có các phương tiện tiếp nhận hỗn hợp dầu hoặc cặn dầu.
Phụ lục II: Các quy định về kiểm soát ô nhiễm do chất lỏng độc chở xô, có hiệu lực từ ngày 06/4/1987.
Phụ lục II áp dụng cho các tàu chở xô các hóa chất lỏng độc hại. Chất lỏng độc có nguy cơ làm tổn hại đến môi trường biển được chia làm 4 loại: A, B, C và D được nêu trong phụ chương II của Phụ lục II. Theo thứ tự, chất loại A gây nguy hiểm nhiều nhất cho môi trường và chất loại D gây nguy hiểm ít nhất. Phụ lục II cấm xả xuống biển dòng thải có lẫn các chất này, trừ khi tuân thủ các quy định đặc thù cho việc thải mỗi loại chất thải. Phụ lục II cũng đưa ra các yêu cầu về mặt kết cấu và trang thiết bị đảm bảo kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm do chất lỏng độc chở xô.
Phụ lục III: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do các chất độc hại được chuyên chở trên biển dưới dạng bao gói, có hiệu lực từ ngày 01/7/1992.
Phụ lục III áp dụng cho các tàu chở các chất độc hại dưới dạng bao gói. Chất độc hại là các chất gây ô nhiễm biển nêu trong Bộ Luật quốc tế về chuyên chở hàng nguy hiểm bằng đường biển (Bộ Luật IMDG). “Dạng bao gói” tức là bất kỳ phương tiện, thiết bị nào dùng để chứa hàng bao gồm cả các container, các thùng, két di động, các két đặt trên các ôtô, toa xe lửa chở trên tàu.
Phụ lục III cấm vận chuyển các chất độc hại trừ khi tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đưa ra trong Phụ lục. Các yêu cầu này liên quan đến việc đóng gói, dãn nhãn, các hồ sơ cần thiết về hàng, sắp xếp hàng, các hạn chế về lượng hàng và các quy định ngoại lệ liên quan đến an toàn và an ninh sinh mạng trên biển.
Phụ lục III cấm việc thải xuống biển các loại hàng độc hại ở dạng bao gói, trừ khi đó là biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho tàu và người trên tàu. Trong trường hợp đó phải thực hiện việc khai báo theo điều II, Nghị định I của Công ước MARPOL 73/78.
Phụ lục IV: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải của tàu, có hiệu lực từ ngày 27/9/2003.
Phụ lục IV áp dụng cho các tàu mới có tổng dung tích từ 400 trở lên, hoặc nhỏ hơn 400 nhưng được chứng nhận chở trên 15 người. Đối với các tàu hiện có, phải áp dụng yêu cầu của Phụ lục sau 5 năm kể từ ngày Phụ lục có hiệu lực. Nước thải là nước và các phế thải khác từ nhà vệ sinh, nhà tắm, nước thải từ các buồng bệnh viện, nước thải từ khoang chứa động vật sống trên tàu,...
Tàu không được phép thải nước thải trong phạm vi 4 hải lý tính từ bờ gần nhất, trừ khi được trang bị thiết bị xử lý nước thải phù hợp. Trong phạm vi 4 đến 12 hải lý tính từ bờ gần nhất, nước thải phải được nghiền và khử trùng trước khi thải.
Để thỏa mãn các yêu cầu của Phụ lục này, trên tàu phải có các trang thiết bị sau: Thiết bị xử lý nước thải phải được phê duyệt, hoặc hệ thống đường ống và bích nối để thải lên các trạm tiếp nhận trên bờ.
Phụ lục V: Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải của tàu, có hiệu lực từ ngày 31/12/1988.
Phụ lục V áp dụng cho tất cả các tàu, gồm cả thuyền buồm, tàu cá và các công trình ngoài khơi. Việc thải rác ra biển bị cấm hoặc bị hạn chế như sau:
- Cấm thải bất kỳ loại rác chất dẻo nào ra biển, gồm cả lưới đánh cá, dây thừng bằng vật liệu tổng hợp và túi đựng rác bằng nhựa;
- Các vật liệu kê, chèn lót và bao gói nổi được chỉ được phép thải khi tàu cách bờ trên 25 hải lý.
- Các chất thải thực phẩm và các loại rác khác (gồm giấy, thủy tinh, kim loại, giẻ vải, chai lọ, đồ sứ,...) không được thải cách bờ dưới 12 hải lý trừ khi chúng được mài hoặc nghiền để có thể đi qua lưới có kích thước mắt lưới không quá 25 mm. Tuy các loại rác đã được mài hoặc nghiền như vậy, nhưng việc thải vẫn phải thực hiện cách bờ trên 3 hải lý.
Phụ lục VI: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra, được phê chuẩn từ tháng 9/1997 và có hiệu từ ngày 19/5/2005.
Phụ lục quy định giới hạn các ô xít lưu huỳnh, ô xít nitơ trong các khí thải của tàu và cấm thải các chất làm suy giảm tầng ô zôn, gồm cả halon và chlorua fluorcarbon (CFC). Cấm lắp đặt các trang bị mới có chứa chất làm suy giảm tầng ô zôn lên tàu, việc lắp đặt các trang thiết bị mới có chứa hydro-chlorua fluorcarbon được cho phép đến ngày 01/01/2020. Phụ lục cũng đưa ra giới hạn của lưu huỳnh trong các loại nhiên liệu dùng trên tàu. Phụ lục VI cấm việc đốt một số loại sản phẩm hay rác trên tàu, ví dụ như các vật liệu bao gói hàng đã bị ô nhiễm, các vật phẩm có chứa polychorilated biphenyl (PCB). Ở các vùng đặc biệt được gọi là “Vùng kiểm soát khí thải có ô xít lưu huỳnh” theo quy định của Phụ lục VI, tàu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm soát chất thải ô xít lưu huỳnh.
Ngày 15/7/2011, IMO thông qua chương 4 mới của Phụ lục VI, trong đó yêu cầu các tàu đóng mới, hoặc hoán cải đến mức như đóng mới phải bổ sung thêm chỉ số thiết kế năng lượng hiệu quả của tàu EEDI và kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả của tàu SEEMP. Chương 4 mới này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013.
Để quản lý việc xử lý các chất thải của tàu, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản pháp quy đưa ra những quy định cụ thể với từng loại tàu phải thỏa mãn, công tác tiếp nhận và xử lý chất thải ở cảng biển, công tác kiểm tra giám sát của chính quyền cảng. Các chất thải này phụ thuộc nhiều yếu tố:
- Đối với chất thải rắn: phụ thuộc nhiều vào công tác sửa chữa, chủng loại hàng mà tàu chở. Loại chất thải này đang được kiểm sát và xử lý ở các cảng biển.
- Đối với chất thải lỏng: Phụ thuộc vào tuổi tàu, tình trạng kỹ thuật của tàu, trình độ chuyên môn của thuyền viên, chất lượng nhiên liệu được cấp, loại hàng tàu chở,... Hiện nay, loại chất thải này khó kiểm soát.
Việt Nam đã tham gia các Phụ lục I & II từ năm 1991, tuy nhiên chúng ta chưa gia nhập các Phụ lục còn lại của Công ước. Cục Hàng hải Việt Nam vừa xây dựng Đề án đề xuất gia nhập các phụ lục còn lại của Công ước Marpol 73/78. Hiện nay, nội dung Đề án đã được trình lên Bộ Giao thông vận tải để lấy ý kiến các đơn vị, bộ ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gia nhập.
MT