Giảm phát thải khí nhà kính là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, ngoài tuân thủ các quy định của Việt Nam, ngành hàng không phải tuân thủ các quy định của ICAO về bảo vệ môi trường.
Giảm phát thải khí nhà kính là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, ngoài tuân thủ các quy định của Việt Nam, ngành hàng không phải tuân thủ các quy định của ICAO về bảo vệ môi trường. Để thực hiện các mục tiêu này, Cục Hàng Không Việt Nam đã đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có các nội dung liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Thông tư 16/2010/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải Quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, Thông tư 53/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng…. Theo đó, các văn bản này đều hướng tới nguyên tắc giảm thiểu tác động xấu của hoạt động hàng không đến môi trường, đến sức khoẻ con người trong tàu bay, tại Cảng hàng không, sân bay và nơi có hoạt động hàng không dân dụng; Tuân thủ quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam; Tuân thủ quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về tiếng ồn tàu bay, khí thải động cơ tàu bay; Hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng được tiến hành thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường; Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trong hoạt động hàng không có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ngành hàng không đã chủ động triển khai các giải pháp cơ bản nhằm giảm phát thải khí CO2 vào khí quyển như đầu tư đổi mới và hiện đại hoá đội tàu bay, bao gồm cả những tàu bay thế hệ mới như B787; Triển khai xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành HKDD phù hợp với kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của quốc gia và các yêu cầu của ICAO; Thực hiện Kế hoạch Không vận khu vực (Regional Air Navigation Plan); phối hợp hiệu quả với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan trong việc sửa đổi các đường bay quốc tế nhằm rút ngắn thời gian bay. Giảm phát thải khí nhà kính trong ngàh hàng không còn gắn liền với giảm tiêu hao nhiên liệu, ý thức được vấn đề này, Việt Nam đã sớm thành lập Tổ công tác về đường hàng không (ATS Route) và phương thức bay (Flight Procedures), với sự tham gia của cơ quan hàng không, quốc phòng, doanh nghiệp hàng không liên quan nhằm tối ưu hoá các đường bay, phương thức bay trong khu vực sân bay, trọng tâm là giảm thời gian bay cho các chuyến bay. Từ năm 2011 đến nay, Cục HKVN đã và đang triển khai thực hiện 02 đề án tối ưu hóa hệ thống đường bay: Tối ưu hóa đường bay trong khu vực trung tận Tân Sơn Nhất tuyến đường hàng không trục chính Bắc – Nam và các đường bay RNAV trên khu vực Biển Đông; Tối ưu hóa đường bay trong khu vực trung tận Nội Bài, Đà Nẵng, hành lang bay ra vào khu vực trung tận Nội Bài, Đà Nẵng nhằm mục đích sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả, giảm lượng khí phát thải vào khí quyển. Từ năm 2009- 2012, ngành hàng không đã thực hiện tối ưu hóa các đường hàng không bao gồm: đường W1, W10, đường hành lang T1 trong khu vực trung tận Tân Sơn Nhất, tuyến đường hàng không trục chính Bắc – Nam; đường hàng không B329 phục vụ hoạt động bay đi từ Nội Bài – Xiêm Riệp/Phnôm-pênh và đường hàng không G221, Q15 phục vụ hoạt động bay từ Tân Sơn Nhất đến các nước Đông Bắc Á, giúp rút ngắn được thời gian bay, giảm tiêu hao nhiên liệu, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu USD cho Vietnam Airlines.
Cùng các giải pháp cụ thể, Hàng không Việt Nam luôn ủng hộ vai trò lãnh đạo và các sáng kiến của ICAO về vấn đề môi trường và năng lượng; ủng hộ cộng đồng quốc tế tiếp tục giải quyết vấn đề giảm khí thải của ngành hàng không trong khuôn khổ ICAO, đạt được mục tiêu hướng tới một ngành hàng không phát thải khí cacbon thấp, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu của trái đất.
MT