Là một tổ chức của quần chúng, các Ban thanh tra nhân dân thực hiện vai trò giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị thông qua việc tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cán bộ, công nhân, viên chức, thu thập các thông tin, tài liệu để xem xét, theo dõi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở.
Thanh tra nhân dân là một thiết chế thực hiện quyền giám sát không mang tính quyền lực nhà nước. Theo quy định của pháp luật, Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân tại địa phương, cơ sở. Thanh tra nhân dân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn của thủ trưởng, cơ quan, đơn vị cơ sở.
Điều 66 Luật Thanh tra 2010 quy định: “Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước”.
Là một tổ chức của quần chúng, các Ban thanh tra nhân dân thực hiện vai trò giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị thông qua việc tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cán bộ, công nhân, viên chức, thu thập các thông tin, tài liệu để xem xét, theo dõi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở. Trong xu thế hội nhập của đất nước ta hiện nay, quyền dân chủ ngày càng được mở rộng, phát huy tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, vai trò của ban thanh tra nhân dân cùng các thiết chế xã hội khác ngày càng giữ vị trí quan trọng. Với vai trò to lớn của mình, Ban thanh tra nhân dân đã được thành lập rộng khắp trên cả nước, ở các xã, phường, thị trấn và tại các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước, giúp Mặt trận tổ quốc và Công đoàn thực hiện giám sát việc thực hiên chính sách, pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Cụ thể việc tham gia giám sát giải quyết khiếu nại hành chính của Ban thanh tra nhân dân được thể hiện qua công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính ở xã, phường, thị trấn và ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện vai trò của mình, các Ban thanh tra nhân dân đã giám sát việc tiếp dân của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Việc tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại hành chính của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Việc giải quyết khiếu nại hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại hành chính có hiệu lực pháp luật tại xã, phường, thị trấn và trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, giúp kịp thời phát hiện những sai phạm trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và nhân dân.
Thực hiện vai trò của mình, hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm về tổ chức, hoạt động. Các hoạt động của Ban thanh tra nhân dân mà nổi bật là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thông qua hoạt động giám sát, các Ban thanh tra nhân dân đã có nhiều kiến nghị với chính quyền cấp xã kịp thời khắc phục thiếu sót, sơ hở trong quản lý, điều hành nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhà nước và công dân qua giải quyết khiếu nại hành chính, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ cơ sở có sai phạm. Một số địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như tổ chức giao ban chuyên đề công tác thanh tra nhân dân theo cụm xã hàng quý và phân công cán bộ theo dõi địa bàn cụ thể; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên Ban thanh tra nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả công tác của các thành viên; có nơi Ban thanh tra nhân dân có sáng kiến đặt các hòm thư góp ý của nhân dân tại khu dân cư nhằm thu thập các phản ánh của người dân về những vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến khiếu nại hành chính, qua đó kịp thời xem xét, xử lý phù hợp,… Các Ban thanh tra nhân dân đã thực sự phát huy được vai trò và chức năng giám sát các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ và đại biểu dân cử, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân và củng cố lòng tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền. Đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết ở cơ sở, khơi dậy các nguồn lực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh; ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, làm trong sạch đội ngũ "công bộc" của nhân dân.
Tuy việc thực hiện vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong giải quyết khiếu nại hành chính đã đạt những kết quả quan trọng nhưng cũng còn những hạn chế cần phải nhận diện và khắc phục, cụ thể như:
- Thứ nhất, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các Ban thanh tra nhân dân để phát huy vai trò trong giải quyết khiếu nại hành chính. Điều này đã ảnh hưởng đến năng lực thực hiện giám sát về công tác này của các Ban thanh tra nhân dân. Thực tế hiện nay, để nâng cao năng lực, vai trò của các Ban thanh tra nhân dân cho phù hợp với các yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, ở nhiều nơi, Ủy ban Mặt trận tổ quốc đã chủ động tích cực triển khai các quy định về việc thành lập và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân xã; chỉ đạo củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Ban thanh tra nhân dân xã; chủ động phối hợp với cơ quan Thanh tra để tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức cho các thành viên Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn.
- Thứ hai, thực tiễn cho thấy trong thời gian qua lãnh đạo một số xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp chưa thường xuyên quan tâm, quán triệt tầm quan trọng của công tác thanh tra nhân dân, chưa tạo điều kiện để các Ban thanh tra nhân dân thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của mình.
- Thứ ba, bên cạnh những Ban thanh tra nhân dân đã phát huy tốt vai trò của mình, vẫn còn một số nơi Ban thanh tra nhân dân chưa làm tốt việc giám sát công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại hành chính, chưa theo dõi sát việc chính quyền giải quyết xử lý các vụ khiếu nại của dân... nên kết quả hoạt động còn hạn chế. Điều này do năng lực, uy tín của Ban thanh tra nhân dân còn yếu, tâm lý sợ va chạm, chưa mạnh dạn đề xuất, kiến nghị xử lý khi phát hiện các sai phạm, khó giữ tính khách quan trong việc giám sát, kiểm tra hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền sở tại khi mà chính cơ quan này là nơi tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cấp kinh phí hoạt động cho Ban thanh tra nhân dân. Tổng kết thực tiễn cho thấy, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị thường diễn ra ở những nơi mà vai trò của thanh tra nhân dân chưa được coi trọng, các mâu thuẫn không được giải quyết ngay từ cơ sở, tính công khai, minh bạch tại các đơn vị này chưa cao.
- Thứ tư, nguồn kinh phí dành cho hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cũng chưa được các địa phương thực hiện đúng quy định. Cho đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện Thông tư liên tịch số 40/2006/TTLT-BTTUBTWMTTQVN-TLĐLĐVN ngày 12/5/2006 về hướng dẫn kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Có địa phương, toàn bộ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân chỉ được chi "ké" trong nguồn kinh phí hàng năm mà xã khoán cho Mặt trận. Một số địa phương khác thì thực hiện chi kinh phí cho hoạt động thanh tra nhân dân theo "món" hoặc kinh phí cấp chung cho cả Ban thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư công đồng như ở Bắc Ninh, Bắc Giang là 5 triệu đồng/năm chia đôi. Có những địa phương quan tâm và hướng dẫn xây dựng dự toán hàng năm cho Ban thanh tra nhân dân thì cấp 7 triệu đồng/năm như ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An. Trong khi đó, theo quy định pháp luật, thì ngoài chi hoạt động thường xuyên, Ban thanh tra nhân dân sẽ dành kinh phí khen thưởng cho những cá nhân có nhiều nỗ lực trong công tác, nhằm động viên khích lệ các thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Thứ năm, ở nhiều nơi, Ban thanh tra nhân dân hoạt động kém hiệu quả. Điều này do nhiều nguyên nhân, như việc thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự ủng hộ và tạo điều kiện hoạt động cho Ban thanh tra nhân dân, nhất là những cơ quan, đơn vị “có vấn đề” do e ngại, lo sợ Ban thanh tra nhân dân sẽ phát hiện những tiêu cực hay làm cản trở đến công tác chỉ đạo, điều hành của mình. Bên cạnh đó là việc thiếu sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía quần chúng trong các hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Yếu tố năng lực của các thành viên và việc tổ chức hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân còn chưa phù hợp cũng dẫn đến việc các Ban thanh tra nhân dân hoạt động kém hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị nhà nước.
- Thứ sáu, mối quan hệ giữa Ban thanh tra nhân dân và Ban chấp hành công đoàn trong các cơ quan hành chính và doanh nghiệp nhà nước chưa có quy định rõ, thiếu sự phối hợp, dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân không cao. Trên thực tế hai tổ chức này có những mục tiêu giống nhau, cùng chăm lo, động viên các bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt, đúng đắn các chủ trương, chính sách, pháp luật trong cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong cơ quan; cùng bảo vệ quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.
Từ thực tiễn trên, trong thời gian tới, để phát huy vai trò của Thanh tra nhân dân trong giải quyết khiếu nại hành chính, thiết nghĩ cần phải đề xuất và thực hiện tốt một số khuyến nghị sau:
Một là, củng cố về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính, cần nâng cao năng lực cho các Ban thanh tra nhân dân, trước hết là tổ chức các lớp tập huấn cho các Ban thanh tra nhân dân nhằm trang bị kiến thức pháp luật về khiếu nại hành chính và giải quyết khiếu nại hành chính; về vai trò, ý nghĩa của công tác giải quyết khiếu nại hành chính, đặc biệt là vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong hoạt động này. Bên cạnh đó, cần thường xuyên củng cố Ban công tác Mặt trận, thanh tra nhân dân để giới thiệu những người có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong gần gũi với quần chúng, để nhân dân lựa chọn và bầu vào Ban thanh tra nhân dân, tạo chỗ dựa tin cậy quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phát huy dân chủ, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh ở cơ sở. Cần kết hợp chặt chẽ, đúng đắn việc thực hiện các Quy chế dân chủ với việc phát động toàn dân tham gia hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của các cơ quan chức năng, không lợi dụng việc giám sát để kích động gây mâu thuẫn làm phương hại đến sự đoàn kết và lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của chính quyền.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, các kỹ năng giám sát quá trình giải quyết khiếu nại hành chính nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong giải quyết khiếu nại hành chính
Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân thực chất là hoạt động giám sát của nhân dân, thể hiện quyền lực của nhân dân trong việc giám sát mọi hoạt động của nhà nước. Tinh thần hoạt động này là mang tính nhân dân, thể hiện quyền làm chủ và phải hoạt động hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, trên thực tế không ít Ban thanh tra nhân dân được lập ra hoạt động còn mờ nhạt, nhiều nơi còn chờ kinh phí để hoạt động, nhiều Ban thanh tra nhân dân chưa thực sự phát huy vai trò giám sát, kiểm tra, hoặc còn tâm lý e ngại, sợ va chạm, chưa mạnh dạn đề xuất, kiến nghị xử lý khi phát hiện các vi phạm trong giải quyết khiếu nại hành chính. Nguyên nhân là trước khi ra quyết định thành lập, Mặt trận tổ quốc chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn về vai trò, nhiệm vụ, ý nghĩa của công tác thanh tra nhân dân. Bên cạnh đó, tổ chức Ban thanh tra nhân dân ở nhiều nơi chưa được quan tâm xây dựng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các thành viên Ban Thanh tra nhân dân đa phần là người dân tham gia hoạt động tự nguyện, một số thành viên trình độ, năng lực còn hạn chế, chưa nắm vững chính sách, pháp luật. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại hành chính ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần có kế hoạch phối hợp với các cơ quan nhà nước tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Ban thanh tra nhân dân.
Ba là, các Ban thanh tra nhân dân cần nâng cao tính chủ động trong thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính của các cơ quan nhà nước nhằm phát hiện kịp thời và ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người khiếu nại hành chính
Để thực hiện được điều này, bên cạnh sự chủ động, tích cực của các Ban thanh tra nhân dân còn cần sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giám sát giải quyết khiếu nại hành chính. Để thực hiện được công việc giám sát thì trước hết đòi hỏi thành viên Ban thanh tra nhân dân cũng như bất kỳ chủ thể nào muốn thực hiện có hiệu quả quyền giám sát là phải nắm được quy định về trách nhiệm của những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó đối chiếu với việc thực hiện trên thực tế trách nhiệm đó mà đánh giá. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả người giám sát phải có được thông tin về chính hoạt động đó trên thực tế và trong những vụ việc cụ thể, những thông tin này phải kịp thời, đầy đủ và chính xác. Đây chính là điều kiện khó khăn nhất bởi vì người có đủ khả năng cung cấp thông tin lại chính là đối tượng bị giám sát. Mặc dù có quy định về quyền của thanh tra nhân dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin nhưng rõ ràng người bị giám sát không dễ dàng trao cho chủ thể giám sát “công cụ” để soi xét đánh giá về công việc của mình. Điều này liên quan đến những quy định của pháp luật về phương thức giám sát và những quyền hạn của người giám sát và trách nhiệm của đối tượng giám sát.
Bốn là, các Ban thanh tra nhân dân cần chủ động xây dựng dự toán kinh phí chi tiết hoạt động ngay từ cuối năm trước để trình các cấp có thẩm quyền xem xét cấp kinh phí cho năm sau bảo đảm hoạt động. Bởi vì, các Ban thanh tra nhân dân chưa được hướng dẫn lập dự toán từng hoạt động cho năm sau có tính khả thi hoặc chưa chủ động xây dựng, xin ý kiến về chuyên môn tài chính…nên không có dự toán hoặc dự toán không có tính khả thi. Thực tế, Ban thanh tra nhân dân nào chủ động xây dựng dự toán kinh phí có tính khả thi thì đều được các cơ quan có thẩm quyền phân bổ kinh phí hoạt động cao hơn so với Thông tư liên tịch số 40 của Bộ Tài chính - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, như ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An… Bên cạnh đó, các Ban thanh tra nhân dân cần tranh thủ sự ủng hộ và tạo điều kiện của lãnh đạo cơ quan đơn vị; sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía quần chúng trong các hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; phối hợp tốt với Ban chấp hành công đoàn trong các cơ quan hành chính và doanh nghiệp nhà nước trong việc cùng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp.
Mặt khác, Thanh tra Chính phủ khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định của chính phủ thay thế Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân theo Luật Thanh tra 2004 đã hết hiệu lực. Các cơ quan có thẩm quyền Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 40 hướng nâng cao mức kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã (hiện nay kinh phí đảm bảo tối thiểu 2 triệu đồng/năm là quá thấp). Về lâu dài, cần nghiên cứu ban hành Luật về hoạt động giám sát của xã hội, làm cơ sở cho việc xây dựng các thiết chế giám sát xã hội một cách có hiệu quả. Trước mắt, xây dựng Nghị định về giám sát của xã hội trong giải quyết khiếu nại hành chính để thống nhất các thiết chế giám sát của xã hội tại địa phương cơ sở, tránh sự trùng lặp, chồng chéo như hiện nay (Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Giám sát xã theo Quyết định 135, Giám sát của các tổ chức đoàn thể khác…). Xác định thật rõ nội dung và phạm vi giám sát của từng chủ thể và có sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát đối với việc giải quyết khiếu nại hành chính. Có chế tài xử lý cụ thể, nghiêm minh đối với người có thẩm quyền giải quyết mà không giải quyết, chậm giải quyết hoặc để kéo dài hoặc giải quyết không đúng pháp luật những vụ việc mà các chủ thể giám sát của xã hội có văn bản kiến nghị gửi đến./.
ThS. Lê Đức Trung
Viện Khoa học Thanh tra