Bộ GTVT vừa ban hành Kết luận thanh tra số 4049/KL-BGTVT ngày 18/4/2018 "Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình".
Theo Kết luận, thực hiện Quyết định số 375/QĐ-BGTVT ngày 21/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, từ ngày 05/3/2018 đến ngày 11/4/2018, Đoàn thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT và 31/56 đơn vị thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 06 tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.
Tại các cơ sở đào tạo lái xe, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra các nội dung: Cơ sở pháp lý để hoạt động; Hệ thống phòng học chuyên môn;Sân, xe tập lái; đội ngũ giáo viên dạy lái xe; Công tác tuyển sinh, đào tạo, giáo vụ; Việc tổ chức thực hiện thu học phí đào tạo.
Đoàn cũng đã tiến hành thanh tra cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất, kỹ thuật tại các trung tâm sát hạch lái xe.
Tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT, Đoàn đã thanh tra việc triển khai các văn bản về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; Công tác quản lý đào tạo lái xe; Công tác quản lý sát hạch, cấp, đổi GPLX.
Đánh giá về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Kết luận nhận định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT đã thực hiện công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ bản đáp ứng quy định. Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở đã quan tâm triển khai thực hiện, ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; đã thực hiện công tác cấp phép đào tạo lái xe, quản lý xe tập lái, giáo viên dạy thực hành lái xe, quản lý lưu lượng đào tạo, quản lý và sử dụng sát hạch viên, tổ chức sát hạch, cấp GPLX cơ bản theo quy định.
Các cơ sở đào tạo lái xe (CSĐTLX), trung tâm sát hạch lái xe (TTSHLX) đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; công tác đào tạo, sát hạch lái xe được các đơn vị triển khai thực hiện cơ bản theo quy định, đáp ứng nhu cầu về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tại địa phương.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra cho thấy, các đơn vị được thanh tra còn một số tồn tại, hạn chế như đã nêu ở trên, đặc biệt là công tác đào tạo, giáo vụ của các CSĐTLX. Nguyên nhân của các tồn tại nêu trên (các tồn tại đã được nêu chi tiết ở phần kết quả thanh tra) là do Sở GTVT chưa thực hiện quyết liệt, đầy đủ một số nội dung thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở (đối với tồn tại của Sở); công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Sở GTVT trong công tác đào tạo lái xe chưa thường xuyên, hiệu quả nên chưa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh một số tồn tại trong công tác đào tạo lái xe, đặc biệt là công tác đào tạo, giáo vụ. Các CSĐTLX chưa quan tâm đúng mức trong việc triển khai, thực hiện các quy định pháp luật trong công tác tổ chức tuyển sinh, đào tạo, giáo vụ. Để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc Sở GTVT (đối với tồn tại của Sở GTVT và một phần trách nhiệm đối với tồn tại của các CSĐTLX, TTSHLX) và trách nhiệm của các CSĐTLX, TTSHLX (đối với tồn tại của CSĐTLX, TTSHLX).
Theo Kết luận, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu tham mưu, đề xuất, có lộ trình thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ theo chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản số 5470/BGTVT-TTr ngày 24/5/2017 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ; xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý giáo viên dạy lái xe để quản lý thống nhất trong toàn quốc; Nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết kiến nghị của một số địa phương về việc kéo dài lộ trình thực hiện sát hạch lái xe mô tô hạng A1 sử dụng thiết bị chấm điểm tự động tại các địa bàn có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên dưới 100 km (quy định tại điểm c khoản 4 Điều 21 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT); Tăng cường kiểm tra công tác đào tạo lái xe tại các CSĐTLX do Tổng cục trực tiếp quản lý để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót của CSĐTLX theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT; Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các CSĐTLX, TTSHLX được thanh tra thực hiện Kết luận này và các kiến nghị của Đoàn Thanh tra Bộ GTVT được nêu trong biên bản thanh tra tại đơn vị. Báo cáo Bộ GTVT (qua Thanh tra Bộ) kết quả thực hiện Kết luận này (bao gồm cả tổng hợp kết quả thực hiện của các CSĐTLX, TTSHLX) trước 30/5/2018.
Đối với các Sở GTVT, Kết luận yêu cầu các Sở chỉ đạo Thanh tra Sở xử phạt vi phạm hành chính đối với các CSĐTLX vi phạm quy định tại điều 37 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP; Tăng cường tổ chức giám sát các kỳ sát hạch lái xe; yêu cầu Tổ giám sát thực hiện đầy đủ nội dung giám sát theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT; Điều chỉnh giảm lưu lượng đào tạo lái xe ô tô của mộ số CSĐTLX để phù hợp với số xe tập lái hiện có của đơn vị; Tổ chức rút kinh nghiệm về các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ; Tăng cường kiểm tra công tác đào tạo hoặc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra công tác đào tạo lái xe theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót trong công tác đào tạo, giáo vụ của các CSĐTLX; Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các CSĐTLX, TTSHLX được thanh tra thực hiện Kết luận này và các kiến nghị của Đoàn Thanh tra Bộ GTVT được nêu trong biên bản thanh tra tại các đơn vị; Báo cáo Bộ GTVT (qua Thanh tra Bộ) kết quả thực hiện Kết luận này (bao gồm cả tổng hợp kết quả thực hiện của các CSĐTLX, TTSHLX) trước 30/5/2018.
Kết luận cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tổ chức khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ và thực hiện các yêu cầu của Đoàn Thanh tra Bộ GTVT được nêu trong biên bản thanh tra tại đơn vị.
Lê Đức