Trước khi có Luật Thanh tra năm 2010, việc thực hiện kết luận thanh tra có nhiều hạn chế; các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; tỷ lệ thu hồi và xử lý về kinh tế thấp; công tác xử lý cán bộ vi phạm chưa được quan tâm đúng mức.
Kể từ khi Luật Thanh tra năm 2010 được ban hành, công tác hoàn thiện thể chế về xử lý sau thanh tra đã được khẩn trương thực hiện; việc kiện toàn bộ máy, tổ chức làm công tác xử lý sau thanh tra từ Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành đến thanh tra các địa phương đã góp phần chuyên môn hóa nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra(*).
Thứ nhất, nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác xử lý sau thanh tra, của đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thực hiện kết luận thanh tra đã có nhiều chuyển biến tích cực; đặc biệt là của đối tượng thanh tra trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra.
Thứ hai, qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đã phát hiện khó khăn, vướng mắc của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Từ đó, có hướng dẫn hoặc đưa ra các giải pháp để giải quyết hoặc kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành giải quyết. Thực tế trong những năm qua, nhiều khó khăn trong thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, lĩnh vực thuế, quản lý tài chính, ngân hàng… được xem xét, tháo gỡ kịp thời đã đem lại kết quả cao hơn.
Thứ ba, một số bất cập về thể chế đối với công tác xử lý sau thanh tra qua một thời gian áp dụng vào thực tiễn cũng đã được nhận diện. Trên cơ sở đó, góp phần tích cực vào công tác tổng kết thực tiễn và hoàn thiện pháp luật về thanh tra nói chung và xử lý sau thanh tra nói riêng.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong thời gian qua, tuy nhiên, công tác xử lý sau thanh tra cũng còn không ít những hạn chế. Cụ thể:
Đối với việc thực hiện kết luận thanh tra
Nhiều kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được thực hiện trong thời gian dài mới hoàn thành, một số cơ bản hoàn thành nhưng chưa dứt điểm hoặc chất lượng thực hiện chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều kết luận thanh tra mặc dù đã được ban hành trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện dứt điểm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số kết luận thanh tra mặc dù đã có kiểm tra việc thực hiện, có báo cáo kết quả kiểm tra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng sau đó vẫn phải theo dõi, đôn đốc các đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục thực hiện… Thực tiễn cho thấy, phần lớn các kiến nghị đối với sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng; kiến nghị đối với các sai phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; kiến nghị đối với các sai phạm trong quản lý vốn, tài sản tại một số Tổng công ty, Tập đoàn lớn của Nhà nước… đều có thời gian thực hiện kéo dài, khó có thể dứt điểm hoặc có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số kết luận thanh tra phát hiện nhiều chủ thể với các sai phạm có giá trị lớn, trong thời gian dài, việc khắc phục và xử lý gặp nhiều khó khăn hoặc nhiều sai phạm tương tự cần có thời gian để rà soát, đánh giá và kiến nghị xử lý. Một số nội dung kiến nghị chưa bám sát tính thực tiễn, tính pháp lý chưa đầy đủ và thuyết phục. Một số kiến nghị thu hồi kinh tế không có tính khả thi như đối tượng thực hiện đã bỏ trốn, phá sản, chết hoặc mất tích (thường là đối với các khoản thuế) nhưng chưa có cơ chế theo dõi hoặc xử lý…
Mặt khác, một số đối tượng thanh tra chưa thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thể hiện qua sự chậm trễ trong thực hiện và báo cáo hoặc thực hiện mang tính hình thức (trong xử lý hành chính); cá biệt có đối tượng chây ỳ, cố tình không thực hiện. Các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra chưa phát huy trách nhiệm theo quy định đối với việc đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra đối với đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra.
Nguyên nhân của tồn tại này trước hết là do nhận thức chưa đầy đủ và trách nhiệm chưa cao của đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, đối tượng thanh tra gặp khó khăn về tài chính khi thực hiện những kiến nghị thu hồi kinh tế với giá trị lớn hoặc một số khó khăn về cơ chế xử lý tài chính cần xin ý kiến của cấp trên hoặc bộ, ngành (đối với các kiến nghị xử lý khác về kinh tế). Đối với các đối tượng chây ỳ, thực hiện không nghiêm túc hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra do chưa có các chế tài hoặc lúng túng trong việc áp dụng chế tài cũng như các biện pháp cưỡng chế nên việc xử lý các đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp của các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra, thuế, ngân hàng, công an trong việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra còn chưa được chặt chẽ và đồng bộ.
Việc thực hiện phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra hiện nay cũng có nhiều vướng mắc; các vụ việc kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra chậm được phản hồi, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin giữa cơ quan thanh tra và điều tra.
Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra tại một số cơ quan thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, thành phố cho thấy, một số cơ quan thanh tra trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chủ yếu tập trung xử lý các kiến nghị, quyết định xử lý về kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến các kiến nghị về xử lý hành chính và hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ chế quản lý. Việc đôn đốc, kiểm tra xử lý về hành chính còn mang tính hình thức, căn cứ báo cáo của các đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan để tổng hợp mà chưa tập trung kiểm tra đánh giá quy trình, kết quả kiểm điểm, xử lý cán bộ đối chiếu với các quy định hiện hành.
Nguyên nhân của hạn chế này là do các kiến nghị, quyết định về kinh tế thường rõ ràng về sai phạm, dễ theo dõi và đôn đốc qua các con số cụ thể. Mặt khác, quy định về cơ chế tăng thu nhập trên số tiền thu hồi qua thanh tra cũng là động lực để các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các quyết định, kiến nghị thu hồi về kinh tế. Đối với các kiến nghị về xử lý hành chính và hoàn thiện cơ chế, chính sách, một số kết luận thanh tra chưa rõ về đánh giá sai phạm tương ứng với trách nhiệm của tập thể, cá nhân nên kiến nghị xử lý hành chính chưa rõ ràng, còn chung chung. Điều này gây khó khăn cho cả đối tượng thanh tra, tổ chức cá nhân có liên quan trong thực hiện và cả cho cơ quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc kiểm tra, đánh giá.
Qua công tác kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra thể hiện qua việc chậm kiện toàn tổ chức, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ… đối với đội ngũ làm công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra. Trong công tác chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra còn chưa thường xuyên, quyết liệt; nhiều địa phương có tỷ lệ các kết luận thanh tra được kiểm tra việc thực hiện trên tổng số kết luận thanh tra đã ban hành đạt thấp; có địa phương chưa chú trọng việc kiểm tra, còn dừng lại ở việc theo dõi, đôn đốc. Bên cạnh đó, công tác theo dõi và cập nhật số liệu xử lý sau thanh tra của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ và kịp thời mặc dù hàng năm đã được Thanh tra Chính phủ đôn đốc bằng văn bản.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này là do khó khăn về cơ chế mà trước hết là về biên chế cán bộ để thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cơ quan thanh tra mặc dù thành lập phòng theo dõi, xử lý sau thanh tra nhưng không xin được biên chế hoặc bố trí lực lượng mỏng; kết hợp với các công việc khác như pháp chế hoặc phòng, chống tham nhũng. Một số cơ quan thanh tra vẫn tiếp tục giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra cho các đơn vị nghiệp vụ theo dõi (do không bố trí được bộ phận chuyên trách hoặc thiếu biên chế). Bên cạnh đó, công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra có nhiều vướng mắc về quy định của pháp luật như về tổ chức kiểm tra, hướng dẫn quy trình kiểm tra, cơ chế báo cáo… Tại một số địa phương còn có quan điểm cho rằng số kết luận thanh tra ít, các kiến nghị không nhiều, số vi phạm không lớn nên không tiến hành kiểm tra thường xuyên.
Đối với các quy định hiện hành của pháp luật
Việc quy định thời gian theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chưa phù hợp với tính chất của từng kết luận thanh tra và từng cấp thanh tra. Thực tế cho thấy, tại Thanh tra Chính phủ, nhiều kết luận thanh tra có phạm vi rộng, thời kỳ thanh tra dài, nội dung thanh tra phức tạp, kết luận thanh tra liên quan đến nhiều chủ thể nên việc thực hiện kết luận thanh tra đòi hỏi mất nhiều thời gian. Trong khi đó, hiện nay quy định thời gian theo dõi và đôn đốc ngắn; sau đó tiến hành kiểm tra nên đối tượng thanh tra và các chủ thể thanh tra chưa có kết quả thực hiện đáng kể để có thể đánh giá một cách toàn diện và chính xác.
Thời hạn kiểm tra kết luận thanh tra như trong Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra là chưa phù hợp với thực tế các kết luận thanh tra có nhiều nội dung phức tạp. Về quy trình thực hiện các bước kiểm tra chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm tra, ban hành quyết định, tổ chức kiểm tra, xây dựng các báo cáo, trách nhiệm và sự phối hợp trong kiểm tra… Điều này gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, đặc biệt là các bộ và địa phương còn rất lúng túng do chưa có căn cứ pháp lý.
Quy định về các chế tài cụ thể áp dụng với các đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện kết luận thanh tra hoặc chậm thực hiện chưa có; các biện pháp cưỡng chế thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cũng chưa rõ ràng.
Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xử lý sau thanh tra, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế về xử lý sau thanh tra theo hướng quy định cụ thể trong Luật Thanh tra (sửa đổi, bổ sung) và nghiên cứu để khắc phục những bất cập về thời gian thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với từng cấp thanh tra, từng kết luận thanh tra; quy định rõ về các chế tài bắt buộc thực hiện; hướng dẫn quy trình chi tiết kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra…
Thứ hai, nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra đảm bảo tính chính xác, đúng quy định pháp luật và khả thi; khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc ban hành kết luận thanh tra. Thực tế cho thấy, kết luận thanh tra có đảm bảo các yếu tố nói trên thì việc theo dõi, đôn đốc mới có nhiều thuận lợi; trong quá trình thực hiện kết luận mới hạn chế được các khó khăn, vướng mắc gặp phải cũng như những phản hồi tiêu cực như khiếu nại, khiếu kiện từ phía các đối tượng thanh tra cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện về mô hình tổ chức đối với cơ quan thanh tra một số bộ, ngành, địa phương trong đó cần chú trọng tăng biên chế, phân công công việc, đào tạo cán bộ làm công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra để từng bước chuyên môn hóa nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả.
Thứ tư, tăng cường công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra; của cơ quan Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra. Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xử lý sau thanh tra như giữa cơ quan thanh tra và kiểm tra trong kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hành chính; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan thuế, ngân hàng, tài chính, tài nguyên môi trường trong việc cưỡng chế thực hiện các kiến nghị xử lý về kinh tế; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan công an liên quan đến các kiến nghị xử lý hình sự.
Thứ năm, quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước về xử lý sau thanh tra qua việc tuyên truyền, tập huấn, phổ biến về pháp luật về thanh tra và trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra song song với việc chia sẻ kinh nghiệm, giúp cơ quan thanh tra các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý sau thanh tra. Đặc biệt, thực hiện tốt việc theo dõi, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu về xử lý sau thanh tra, đảm bảo tính chính xác, kịp thời để đáp ứng yêu cầu công tác của ngành Thanh tra./.
Đặng Khánh Toàn
Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra
Chú thích:
(*) Theo các báo cáo tổng kết công tác hàng năm của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2020, kết quả xử lý sau thanh tra của toàn ngành Thanh tra: đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của 15.784 kết luận thanh tra; xử lý và thu hồi về kinh tế 43.459/59.803 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 72,5%) và xử lý 5.182/6.235 ha đất (đạt tỷ lệ 82,2%). Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã đôn đốc, kiểm tra 101 kết luận thanh tra, thu hồi và xử lý khác về kinh tế là 35.953/48.074 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 74,7%) và xử lý 4.104/4.392 ha đất (đạt tỷ lệ 93,4%).